Giữa loạt nguy cơ, Hàn Quốc tìm hướng đi mới với Nhật Bản
Hàn Quốc hy vọng chuyến thăm cấp cao tới Tokyo vào tuần tới sẽ khởi động các cuộc đàm phán nhằm đạt được bước đột phá giải quyết các tranh chấp lịch sử, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Seoul cho biết.
Mối quan hệ giữa hai đồng minh Bắc Á của Mỹ đã trở nên căng thẳng vì những tranh chấp có từ năm 1910-1945 trong lịch sử hai nước. Washington đã thúc ép Tokyo và Seoul hàn gắn và cải thiện mối quan hệ trong bối cảnh họ đều phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Hi vọng về chuyến thăm sắp tới
Các quan chức trong chính quyền của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người vừa nhậm chức vào tháng 5 với cam kết cải thiện mối quan hệ với Nhật Bản, đã thông tin với Reuters rằng họ cảm thấy được khích lệ bởi chiến thắng bầu cử gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Chiến thắng này sẽ giúp ông Kishida có thêm không gian để xây dựng chương trình nghị sự của nước Nhật trong vòng 3 năm nữa.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin sẽ thăm Tokyo vào đầu tuần tới. Một quan chức cấp cao Hàn Quốc phụ trách chính sách với Nhật Bản cho biết chuyến đi này sẽ nhằm mở đầu cho các cuộc đàm phán nghiêm túc về các vấn đề liên quan đến lao động cưỡng bức, vốn bị đình trệ dưới thời người tiền nhiệm của ông Yoon.
Ông Park sẽ đến thăm Tokyo vào ngày 18/7, đài truyền hình NHK của Nhật Bản đã đưa thông tin này hôm thứ Năm.
Một quan chức Hàn Quốc khác cho biết ông Yoon sẽ cử một phái đoàn cấp cao khi Nhật Bản tổ chức lễ tưởng niệm công khai cựu Thủ tướng Nhật Abe, người đã bị ám sát vào tuần trước.
Quan chức này cũng thông tin thêm rằng ông Yoon có thể sẽ thông qua bài phát biểu Ngày Quốc khánh 15/8 để gửi một thông điệp hòa giải tới Tokyo. "Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán thực sự," quan chức cấp cao này cho biết.
Vụ ám sát ông Abe, một nhà lãnh đạo nổi tiếng trong chính trường Nhật Bản, đã thu hút sự quan tâm của dư luận và phần nào làm xao lãng sự chú ý tới tiến trình cải thiện quan hệ của Nhật Bản với Hàn Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng Hàn Quốc có thể bị đẩy vào thế khó khi ông Kishida có thể muốn tiếp tục mục tiêu của ông Abe là cải cách hiến pháp và cho phép lực lượng quốc phòng của Nhật Bản hiện diện ở nước ngoài. Tuy nhiên, một số quan chức Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản đang sẵn sàng đối thoại hơn lúc nào hết khi sức ép từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đóng một vai trò thúc đẩy tiềm năng.
"Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn khi có một mối quan hệ ba bên mạnh mẽ hơn", Derek Chollet, Tham tán của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters trong tuần này.
Hợp tác là 'không thể tránh khỏi'
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm thứ Sáu tuần trước cho biết hợp tác với Seoul và Washington là "không thể tránh khỏi" khi các bên đều phải ứng phó với mối đe dọa của Triều Tiên và các vấn đề khu vực khác.
Ông Hirokazu Matsuno nói trong một cuộc họp báo: "Mặc dù quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang ở trong tình thế khó khăn… chúng tôi không nghĩ rằng mối quan hệ này cứ bị bỏ mặc như vậy". Đồng thời, quan chức này cho biết thêm Tokyo sẽ làm việc cùng bên còn lại để giải quyết các vấn đề lịch sử và khôi phục quan hệ.
Ông Yoon và ông Kishida đã gặp Tổng thống Mỹ Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây và tiến hành cuộc đàm phán ba bên đầu tiên của họ. Và ông Chollet cũng cho biết Washington sẵn sàng tạo điều kiện thúc đẩy mối quan hệ bền chặt giữa hai đồng minh Bắc Á này.
Tại Hàn Quốc, chính phủ của ông Yoon đang thu thập ý kiến từ các nạn nhân của lao động cưỡng bức, luật sư và chuyên gia thông qua một hội đồng công tư mới được thành lập.
Trong bối cảnh các công ty Nhật Bản tại Hàn Quốc có thể đứng trước nguy cơ bị tịch thu tài sản theo lệnh của tòa án Hàn Quốc với cáo buộc không bồi thường cho một số lao động thế kỷ trước, Tokyo đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu lệnh này được thực thi.
Một quan chức phía Hàn Quốc cho biết chính quyền của ông Yoon đang tìm kiếm một "đề xuất khả thi, thực tế" có thể nhận được sự đồng ý của cả các nạn nhân và chính phủ Nhật Bản.
Một quan chức khác từ phía Hàn Quốc thì tỏ ra thận trọng hơn, nói rằng vấn đề bồi thường nên được giải quyết cùng với với vấn đề thương mại và các hàng hóa khác, một quá trình có thể khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên khó khăn hơn.
Yuko Nakano, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết bất kỳ thỏa hiệp nào cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và cam kết từ cả ông Yoon và ông Kishida.
Bà Yuko nói: "Các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao thường thu hút sự chú ý, nhưng điều quan trọng không kém là tiếp tục xây dựng dựa trên những nỗ lực đang diễn ra bên dưới bề mặt".