Giữa lúc 'bom rơi đạn lạc', Mỹ 'lén trộm' hệ thống Pantsir-S1 của Nga?
Quân đội Mỹ được cho là đã đưa hệ thống phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất ra khỏi Libya, mang đến căn cứ ở Đức để nghiên cứu.
Mỹ đã thu được Pantsir-S1 ở Libya?
Quân đội Mỹ được cho là đã đưa hệ thống phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất ra khỏi Libya vào năm ngoái, sau khi vũ khí này bị thu giữ từ các lực lượng liên kết với tướng Khalifa Haftar.
Hoạt động này nhằm mục đích ngăn hệ thống rơi vào tay các nhóm chiến binh và khủng bố nguy hiểm, nhưng mặt khác việc sở hữu một hệ thống nguyên vẹn của Nga cũng mang lại những lợi ích tình báo rõ ràng.
Thông tin này được đưa ra lần đầu tiên bởi tờ The Times của Anh, trong đó hoạt động thu giữ diễn ra vào tháng 6/2020. Một máy bay vận tải C-17A Globemaster III của không quân Mỹ được cho là đã bay đến sân bay quốc tế Zuwarah, nằm ở phía Tây Tripoli, để đón Pantsir-S1, sau đó bay đến căn cứ không quân Ramstein ở Đức. Hiện chưa rõ phiên bản chính xác của mẫu Pantsir-S1 bị thu giữ.
Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Haftar đã nhận được một số hệ thống này thông qua Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Mặc dù các phiên bản có những khung gầm khác nhau, hệ thống bên trong về cơ bản là giống nhau. Pantsir-S1 bao gồm một tháp pháo được trang bị tối đa sáu tên lửa dẫn đường 57E-series và có hai khẩu pháo tự động 30mm.
Kíp vận hành sử dụng radar tích hợp của hệ thống và cảm biến theo dõi hồng ngoại tầm xa để nhắm mục tiêu các mối đe dọa trên không, trong khi các khẩu pháo được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất.
Các tên lửa có tầm bắn tối đa khoảng 32km và có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao lên đến 15km. Hệ thống được thiết kế chủ yếu cho các mục tiêu tầm thấp, tầm gần, bao gồm bắn hạ tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay chiến thuật và thậm chí cả vũ khí không đối đất.
Điều gì có thể xảy ra với Pantsir-S1 sau khi được đưa đến Ramstein vẫn chưa rõ ràng. Động lực để quân đội Mỹ đưa hệ thống này khỏi Libya được cho là lo ngại rằng nó có thể rơi vào tay kẻ xấu. Tuy nhiên, có những cách khác để giảm thiểu những lo ngại này mà không cần thiết phải mang Pantsir-S1 ra ngoài Libya, bao gồm cả biện pháp phá hủy ngay tại chỗ. Các nhà phân tích cho rằng, giá trị tình báo tiềm ẩn nhiều khả năng là yếu tố thúc đẩy quân đội Mỹ đưa Pantsir-S1 đến một nơi khác.
"Một quan chức Nga cho biết Moscow đã nắm được thông tin Mỹ thu được hệ thống Pantsir nhưng cho rằng việc sở hữu hệ thống này sẽ chỉ có giá trị tình báo hạn chế, vì Mỹ thực chất sẽ có cơ hội nghiên cứu hệ thống tương tự ở UAE", tờ The Times nói thêm.
"Các phiên bản xuất khẩu, chẳng hạn như phiên bản thu giữ ở Libya, được cho là đã loại bỏ cơ sở dữ liệu nhận dạng bạn/thù đối với tất cả các máy bay của không quân Nga".
Mặc dù vậy, tờ The Drive cho rằng, bất kể khả năng còn lại của hệ thống là gì, UAE không bao giờ cho phép tình báo Mỹ khai thác hoặc phá hủy hoàn toàn bất kỳ tổ hợp Pantsir-S1 nào của mình. Thực tế, việc kiểm tra toàn bộ một cách tỉ mỉ hệ thống vẫn có thể thu được nhiều thông tin tình báo có giá trị.
Thậm chí chỉ cần kiểm tra các vật liệu được sử dụng để chế tạo một số bộ phận và chất lượng sản xuất của chúng cũng có thể cung cấp những hiểu biết hữu ích về khả năng công nghiệp hiện tại của Nga.
Mỹ sử dụng Pantsir-S1 làm gì?
Việc có một tổ hợp Pantsir-S1 hoàn chỉnh và tiềm năng cũng sẽ mang lại cho quân đội Mỹ một ví dụ có giá trị về một hệ thống đe dọa, để sử dụng trong quá trình thử nghiệm, bao gồm cả phát triển các biện pháp đối phó.
Hệ thống cũng có thể giúp phát triển các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình mới và sẽ là tài sản quý giá để mô phỏng đối thủ trong các cuộc tập trận lớn, chẳng hạn như Red Flag và Black Flag.
Thời gian qua, Pantsir vẫn còn những tranh cãi về tính hiệu quả thực tế, cũng như chịu những thất bại đáng kể ở Libya, Syria, trước các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Bên cạnh lý do là kíp vận hành kém, những khiếm khuyết lớn của Pantsir-S1 thế hệ đầu tiên cũng đã được phát hiện trong những năm qua, điều này đã dẫn đến những quá trình cải tiến mới.
Danh tiếng tiêu cực của hệ thống cũng dựa trên các video được đăng tải về việc chúng bị tấn công bởi máy bay không người lái và các loại vũ khí khác. Trên thực tế, nếu không có các chiến thuật phòng không phức tạp hơn, bất kỳ hệ thống nào cũng dễ bị tấn công bởi nhiều lý do kỹ thuật và con người.
Bất chấp điều này, Pantsir-S1 tiếp tục gặt hái được thành công đáng kể trên thị trường xuất khẩu và là mối đe dọa tiềm tàng mà lực lượng Mỹ ngày càng có khả năng gặp phải trong các cuộc xung đột trong tương lai.
Với tất cả những lý do trên, Mỹ từ lâu đã nỗ lực có được các hệ thống đại diện cho mối đe dọa vũ khí từ nước ngoài, đặc biệt là máy bay và hệ thống phòng không để dùng thử nghiệm và huấn luyện.
Trong một ví dụ đặc biệt nổi tiếng, các lực lượng đặc biệt của Mỹ, bao gồm các nhân tố của Trung đoàn Hàng không Đặc biệt 160 tinh nhuệ đã thu được một máy bay trực thăng Mi-25 Hind của Libya từ nước láng giềng Chad vào năm 1988.
Trong Chiến tranh Lạnh, không quân Mỹ cũng đã thành lập cả một phi đội tuyệt mật, được gọi là Đại bàng Đỏ, được trang bị các máy bay nước ngoài thu được từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả một số máy bay đã bị tổn hại một phần, để thử nghiệm và huấn luyện cho mục tiêu khắc chế.
Chính vì vậy, dù kịch bản nào xảy ra với tổ hợp Pantsir-S1 mà quân đội Mỹ thu được ở Libya, các nhà phân tích tình báo sẽ tận dụng mọi cơ hội để thu thập bất kỳ thông tin nào có được từ vũ khí của Nga, tờ The Drive kết luận.