Giữa lúc căng thẳng leo thang ở Ukraine, Nga có thể triển khai tấn công mạng Mỹ
Ông Pelletier cho biết khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây về Ukraine ngày một leo thang, mối đe dọa về các cuộc tấn công mạng của Nga nhằm vào Mỹ cũng ngày càng gia tăng.
Ông Justin Pelletier - GS Thực hành Bảo mật Máy tính tại Học viện Công nghệ Rochester - cho biết các đặc nhiệm tình báo Nga có kỹ năng sử dụng công nghệ, bao gồm cả việc khuếch đại thông tin sai lệch thông qua các tài khoản giả mạo trên nền tảng truyền thông xã hội.
Theo bài bình luận của ông Pelletier trên tờ The Conversation, khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây về Ukraine ngày một leo thang, mối đe dọa về các cuộc tấn công mạng của Nga nhằm vào Mỹ cũng ngày càng gia tăng.
Ngày 23-1, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã cảnh báo rằng Nga có khả năng thực hiện một loạt các cuộc tấn công mạng, từ các cuộc tấn công từ chối dịch vụ vào các trang web đến phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện.
“Chúng tôi đánh giá rằng Nga có thể sẽ việc tiến hành một cuộc tấn công mạng nhằm vào Bộ nếu họ nhận thấy phản ứng của Mỹ hoặc NATO đối với việc Nga có thể tấn công Ukraine đe dọa an ninh quốc gia của họ về lâu dài” - Bộ này tuyên bố.
Đánh lạc hướng, bóp méo và chia rẽ
Các chuyên gia an ninh mạng lo ngại rằng trước các cuộc tấn công mạng gần đây của các tin tặc liên kết với Nga, chính phủ Nga có khả năng thực hiện các cuộc tấn công mang tính phá hoại và gây rối nhằm vào các mục tiêu ở Mỹ.
Cuộc tấn công công ty công nghệ SolarWinds (Mỹ), phát hiện hồi tháng 12-2020, đã cho phép thủ phạm truy cập vào hệ thống máy tính của nhiều cơ quan chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp tư nhân nước này.
DHS và FBI đã cáo buộc tin tặc Nga đã xâm nhập vào mạng lưới năng lượng và cơ sở hạ tầng của Mỹ. Các cuộc tấn công mạng của Nga có thể bao gồm việc liên tục làm giảm niềm tin của người Mỹ vào các cuộc bầu cử, phá hoại sự ổn định kinh tế, làm hỏng mạng lưới năng lượng và thậm chí phá vỡ hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Chính phủ Nga có thể sẽ phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi tiến hành các cuộc tấn công mạng chống lại Mỹ, bởi vì Washington có thể diễn giải các cuộc tấn công như vậy - đặc biệt là những cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng - là những hành động khiêu chiến. Theo bản tin của DHS, khả năng cao các tin tặc Nga sẽ tiến hành các chiến dịch thông tin sai lệch.
Mỹ có thể sẽ chứng kiến Nga tài trợ cho các hoạt động mạng song song với các chiến dịch tuyên truyền. Học thuyết quân sự của Nga bao gồm việc đối đầu thông tin, sử dụng các phương tiện mạng để đưa thông tin sai lệch. Nga sử dụng chiến lược chiến tranh thông tin để tìm cách thao túng thông tin và các mối quan hệ.
Các chiến dịch của Nga đều nhằm mục đích củng cố những thông tin, bài báo, ủng hộ những người và các nhóm ủng hộ lợi ích của Nga và làm suy yếu những người đi ngược lại lợi ích của Moscow. Các chiến dịch này, bao gồm bác bỏ, bóp méo thông tin và làm suy yếu quan điểm của các nhà lãnh đạo thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội.
Quan ngại nhưng không sợ hãi
Theo GS Justin Pelletier, mặc dù chính phủ Nga thường hoạt động thông qua các dịch vụ tình báo của mình, bao gồm các chuyên gia kỹ thuật trong cơ quan tình báo quân đội GRU và các chuyên gia phát sóng trong cơ quan tình báo nội địa FSB, nhưng họ cũng sử dụng các nhóm tội phạm để đạt được mục đích của mình.
Ông cho rằng phòng thủ không gian mạng quốc gia vốn đã đầy thách thức, song Mỹ còn lâu mới mất khả năng tự vệ. Một số nhà phân tích đã lưu ý rằng Mỹ là cường quốc mạng hàng đâùthế giới. Mỹ cũng có 20 năm kinh nghiệm đối phó với hành động tấn công mạng của Nga.
Lập trường cứng rắn của chính quyền ông Biden đối với các cuộc tấn công mạng từ phía Nga đã đạt được một số tiến bộ. Mặc dù thông tin sai lệch là một trong những chiến lược tấn công mạng tồi tệ nhất, các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ cũng rất nhanh nâng cao khả năng bảo vệ an ninh mạng của mình.
Mặc dù Nga có thể tạm thời ngăn chặn phản ứng của Mỹ đối với các động thái của Moscow ở Ukraine bằng cách phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, nhưng Mỹ có khả năng sẽ đưa ra phản ứng mạnh mẽ đối với một cuộc tấn công công khai như vậy. Nhiều khả năng Nga thích con đường phân cực chính trị ngấm ngầm để làm suy yếu ảnh hưởng địa chính trị của Mỹ.
Ngay cả khi Nga tiến hành các cuộc tấn công mạng sâu rộng nhằm vào Mỹ, thì Washington cũng khó có thể bị tổn hại. Việc hạn chế nguồn cung thực phẩm và khí đốt tự nhiên sẽ có tác động kinh tế đáng kể, nhưng rất hiếm khi một cuộc tấn công mạng có thể dẫn đến thiệt hại về nhân mạng, GS Justin Pelletier nhận định.