Giữa lúc thương vụ Twitter còn ngổn ngang, Elon Musk 'thao thao bất tuyệt' về chính trị
Trên tài khoản Twitter có gần 110 triệu người theo dõi của mình, tỷ phú Elon Musk từng nói ông muốn đứng ngoài các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, hiện tại, giữa lùm xùm liên quan tới thương vụ mua lại Twitter, tỷ phú này liên tục bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính trị nhạy cảm ở Mỹ và trên thế giới...
Những tuần gần đây, ông Musk đăng nhiều dòng tweet nói về chiến tranh Nga-Ukraine cũng như vấn đề chính trị ở Đài Loan.
Theo tờ Wall Street Journal, sau khi cố gắng “quay xe” bất thành và phải tuyên bố khôi phục thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD để tránh rắc rối pháp lý, nếu thương vụ hoàn tất, ông Musk có thể quan tâm nhiều hơn tới vấn đề chính trị.
Với vai trò như một nền tảng mạng xã hội phổ biến của các chính trị gia, người trong giới giải trí, nhà báo… Twitter đã trở thành tâm điểm của các tranh luận về việc các công ty công nghệ nên kiểm soát nền tảng của mình như thế nào.
Tự nhận mình là người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận, ông Musk từng mô tả Twitter là “quảng trường kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng với tương lai của nhân loại được tranh luận”. Ông cũng nói rằng muốn hạn chế việc kiểm duyệt nội dung trên nền tảng này.
Trong một cuộc họp hồi tháng 6 với nhân viên Twitter, vị tỷ phú nhấn mạnh mọi người nên được phép nói phát ngôn bất kỳ thứ gì - dù chúng hơi thái quá - trên Twitter, miễn là họ tuân thủ pháp luật.
Một số người ủng hộ cho biết họ hoan nghênh sự thay đổi này. Trong khi đó một số khác từng thực hiện và tiến hành nghiên cứu việc kiểm duyệt nội dung nói rằng rất khó để đạt được sự cân bằng. Nhóm này cũng đồng thời lưu ý rằng các nền tảng mạng xã hội đã phải chật vật với những quyết định về kiểm duyệt trong suốt nhiều năm qua.
Từng tự gọi mình là “cánh tự do ngôn luận của đảng tự do ngôn luận” nhưng những năm gần đây, Twitter đã tích cực hành động để hạn chế những nội dung được cho là lạm dụng. Điều này có thể thấy rõ qua quyết định cấm Tổng thống Donald Trump sử dụng Twitter vĩnh viễn sau cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021.
Hồi tháng 5, trong một đăng tải, ông Musk chỉ trích Twitter “thiên vị cánh tả”, "định kiến thiên về cánh tả mạnh mẽ”. Cũng trong tháng này, ông chỉ trích Đảng Dân chủ đã trở thành một đảng của sự “chia rẽ và thù địch”.
Tỷ phú này cũng nói rằng ông sẽ cho phép ông Trump trở lại Twittter dù vị cựu Tổng thống cho biết không có ý định quay trở lại nền tảng này kể cả khi ông Musk đảo ngược lệnh cấm.
Cũng giống như nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ông Musk từ lâu cũng tham gia các vấn đề chính trị ở mức độ nhất định. Theo dữ liệu liên bang, trong nhiều năm, ông đã quyên góp cho cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, dù không nhiều như một số tỷ phú khác. Hai công ty nổi bật nhất của ông, Tesla và SpaceX, cũng vận động các nhà lập pháp về những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình trong nhiều năm.
Trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19 năm 2020, tỷ phú này đã chỉ trích các biện pháp hạn chế phòng dịch tại bang California, nói rằng chúng gây gián đoạn hoạt động sản xuất của Tesla. Ông kêu gọi “Trả lại tự do cho mọi người” trong một đăng tải trên Twitter.
Tuy nhiên, cách thể hiện sự quan tâm của ông Musk với chính trị không giống lúc trước. Vài tháng trở lại đây, tỷ phú này nói nhiều hơn về quan điểm và khuynh hướng chính trị của mình, thường là trên Twitter.
Hồi tháng 5, ông cho biết đã bỏ phiếu bầu ông Biden làm tổng thống hồi năm 2020 nhưng sẽ bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng sau. Ông nói rằng nguyên nhân là do “các cuộc tấn công vô cớ của các nghị sĩ Dân chủ đối với ông và Tesla, SpaceX”.
Gần đây hơn, sau một bài phỏng vấn nói về các vấn đề ở Đài Loan, ông Musk nói rằng Crimea – khu vực từng thuộc Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập năm 2014 – thuộc về Moscow. Chưa dừng lại ở đó, ông liên tục nói về các vấn đề liên quan tới cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Hôm thứ Sáu tuần trước, ông Musk nói rằng SpaceX không thể tiếp tục tài trợ vô thời hạn cho hệ thống mạng Starlink ở Ukraine- mạng lưới đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì liên lạc của Ukraine trong cuộc xung đột. Ông cho biết chi phí duy trì hệ thống ở Ukraine lên tới 20 triệu USD mỗi tháng.
Tuy nhiên, sang thứ Bảy, ông chia sẻ trên Twitter: “Dù Starlink vẫn thua lỗ và các công ty khác đang thu được hàng tỷ USD tiền thuế của người dân, chúng tôi sẽ tiếp tục tài trợ miễn phí cho chính phủ Ukraine”.
Ông Musk không cung cấp thêm chi tiết trong dòng tweet của mình. Theo tờ Financial Times, vị tỷ phú này cho biết ông dự định tiếp tục trả tiền cho dịch vụ Starlink ở Ukraine vô thời hạn. Thông báo của ông nhận được sự hoan ngênh của các quan chức cấp cao Chính phủ Ukraine.
Trở lại với vụ mua lại Twitter, ông Musk và công ty này có thời hạn tới ngày 28/10 để hoàn tất thương vụ, nếu không hai bên sẽ lại phải chuẩn bị hầu tòa. Vấn đề lớn nhất với ông Musk giờ đây là nguồn tiền để thực hiện thương vụ.