'GIỮA NGÀN KHƠI': Bài học vỡ lòng của tuổi trẻ
Sử dụng thành thục nghệ thuật kể chuyện cổ điển, ẩn dưới lớp vỏ một câu chuyện về danh dự, lòng trung thành cũng như phẩm giá của con người, Kipling theo đuổi thứ tư tưởng song hành cùng ông suốt đời, niềm tin vào sức mạnh cải tạo những thứ ông cho là sơ khai
Tháng 11-1896, văn hào Rudyard Kipling bắt đầu cho khởi đăng kỳ đầu tiên trên tạp chí McClure cuốn tiểu thuyết mà sau này chúng ta quen thuộc với tên gọi "Captains Courageous" (tạm dịch: "Những thuyền trưởng dũng cảm"). Sau hơn trăm năm, tác phẩm vẫn tiếp tục hành trình chinh phục độc giả của mình với một bản dịch tiếng Việt hoàn toàn mới: "Giữa ngàn khơi" (Nhã Thuyên dịch, NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành 2019).
Một tác phẩm kinh điển
Sau cậu bé Mowgli của "Chuyện rừng xanh" ("The Jungle Book", 1894) và "Chuyện rừng xanh 2" ("The Second Jungle Book", 1895), Kipling khai sinh ra chàng thiếu niên Harvey và ném cậu ra giữa trùng dương, đối diện với những ngọn sóng, bão biển và lòng người.
Dường như có một đề tài trở đi trở lại trong sáng tác của Kipling khiến ông cứ liên tục khắc họa những con người nhỏ bé trong thiên nhiên vĩ đại. Từ cái thế giới rừng thâm u, cổ sơ đến một đại dương hoang dã, nơi mà nền văn minh của con người bị thử thách trước trí tuệ của vũ trụ. Trong các thế giới mà Kipling tạo ra, con người trở nên nhỏ bé nhưng đầy kiêu hãnh, họ bị lạc vào thiên nhiên vừa kỳ bí, vừa xinh đẹp. Họ bị tách ra khỏi xã hội con người nhưng không đánh mất mình trong cái man dại của thiên nhiên mà để tìm lại phần người trọn vẹn và đầy đủ nhất.
Như nhân vật Harvey trong "Giữa ngàn khơi" lúc mở đầu truyện là một thiếu niên mười lăm tuổi ngỗ ngược và hách dịch. Nghĩ mình là con trai của "vua đường sắt", cậu khinh thường tất cả, đối với cậu, trên đời này chỉ có một sức mạnh duy nhất đó là kim tiền, thứ bùa chú vạn năng có thể giải quyết mọi rắc rối ở đời. Nhưng giữa ngàn khơi, thứ bùa chú đó hóa ra là những tờ giấy lộn không hơn. Bị nạn rồi được cứu sống, lần đầu tiên trong đời, Harvey bị đẩy ra bên ngoài xã hội văn minh, cũng là lần đầu tiên cậu biết đến một thế giới khác ngoài thế giới của những tiện nghi vật chất, một xã hội giàu có, hãnh tiến nhưng thiếu vắng những nền tảng luân lý. Cậu dấn mình vào tự nhiên, một thế lực mà cậu không bao giờ biết đến, hay lãng quên dù nó tồn tại trong chính con người cậu, để rồi đợi chờ được đánh thức, cái phần người bản năng, nguyên sơ có thể giao hòa với tự nhiên.
Tự nhiên trong "Giữa ngàn khơi" được cụ thể hóa bằng Bãi Lớn ở Bắc Đại Tây Dương, một "vùng tam giác 250 dặm trải ra mỗi phía, vùng biển hoang lầy, phủ đặc sương mù, náo động gió bão, phiền nhiễu băng trôi". Bãi Lớn hiện ra như một đại diện của tự nhiên, đồng thời là không gian sinh tồn của những ngư dân, nơi con người nương tựa vào thiên nhiên. Đối với Harvey, Bãi Lớn là một "luyện ngục" mà cậu phải đi qua đó để trở thành thanh niên trưởng thành về tư tưởng.
Sự giằng co giữa tự nhiên với kỹ thuật
Dĩ nhiên, nếu "Giữa ngàn khơi" đơn giản chỉ là tiểu thuyết phiêu lưu, kể về quá trình trưởng thành của một cậu nhóc thì có lẽ nó đã không tồn tại lâu đến vậy. Sử dụng thành thục nghệ thuật kể chuyện cổ điển, ẩn dưới lớp vỏ một câu chuyện về danh dự, lòng trung thành cũng như phẩm giá của con người, Kipling theo đuổi thứ tư tưởng song hành cùng ông suốt đời, niềm tin vào sức mạnh cải tạo những thứ ông cho là sơ khai.
Nhiều năm sinh sống ở Ấn Độ, bị quyến rũ bởi vùng đất phương Đông kỳ bí nhưng tư tưởng Kipling bị bó hẹp trong ánh nhìn phương Tây thuần nhất. Đối với ông, Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ. Trong "Giữa ngàn khơi", song hành cùng con tàu đánh cá ngoài đại dương, trên đất liền diễn ra hành trình bằng hỏa xa của nhà triệu phú đi tìm con, băng ngang nước Mỹ với tốc độ kỷ lục. Trên hết, Kipling là con người say mê những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chàng Harvey sau chuyến hải trình mơ về những con tàu hơi nước đủ sức chinh phục những vùng biển xa xôi.
"Giữa ngàn khơi" mang trong mình nhiều tham vọng và vì thế tự làm đơn giản hóa chính nó để trở thành một dụ ngôn mà ai cũng có thể hiểu. Nhưng cái cuộc chiến hay đúng hơn là sự giằng co giữa tự nhiên với kỹ thuật mà Rudyard Kipling chỉ ra vẫn chưa hạ hồi phân giải. Nền khoa học tiến bộ ngỡ tưởng chinh phục được vũ trụ đã nhiều lần thất thủ trước những thảm họa thiên nhiên. Vì thế, hôm nay đọc "Giữa ngàn khơi" vẫn thấy được một cuộc đua song hành, như cuộc chạy đua với thời gian của con tàu đánh cá băng mình ra Bãi Lớn.
Nhà văn trẻ nhất đoạt giải Nobel
Rudyard Kipling (1865 - 1936) là nhà văn người Anh đầu tiên đoạt giải Nobel Văn chương (1907). Đến nay, ông vẫn được xem là người trẻ tuổi nhất được trao giải thưởng này khi nhận giải ở tuổi 42.
Tiểu thuyết "Giữa ngàn khơi" nằm trong tủ sách Suối Thơm của Quỹ Nguyễn Hiến Lê, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước. "Captains Courageous" từng được NXB Trẻ phát hành năm 1988 dưới nhan đề "Những thuyền trưởng dũng cảm" do Hoàng Hưng và Hùng Thao dịch từ bản tiếng Pháp. "Giữa ngàn khơi" được dịch từ nguyên bản tiếng Anh.