Giữa những tầng sâu bình yên
Một sáng tháng Bảy. Nắng chưa kịp đổ đầy phố thì tôi đã ngồi ở hiên nhà, nhấm nháp ly cà phê sớm và đọc báo như một thói quen cũ. Trong dòng tin tức sáng ấy, một dòng nhỏ lướt qua mắt tôi: 'Kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân 12/7…'.
Một mốc thời gian mà có lẽ, nhiều người ngoài ngành sẽ đọc qua rồi quên. Nhưng với tôi, 12/7 là một cánh cửa dẫn về một vùng ký ức rất sâu. Ở đó, có người chú ruột của tôi - một người đàn ông trầm lặng với ánh mắt luôn như đang nghĩ điều gì đó rất xa, rất kín. Chú từng là chiến sĩ an ninh - và suốt tuổi thơ tôi, chú là dấu hỏi lớn không ai trả lời được.

Ảnh minh họa
Chú sống một mình trong căn phòng nhỏ ở cuối dãy nhà tập thể cũ kỹ. Căn phòng luôn đóng cửa, và trong đôi mắt trẻ con của tôi ngày ấy, chú là người “khó gần” nhất nhà. Ít khi đi đám cưới, hiếm khi ngồi tụ tập nhậu nhẹt, không bao giờ kể về công việc của mình - dù tôi nhiều lần tò mò hỏi.
Mãi sau này tôi mới biết, chú từng tham gia phá một vụ án gián điệp lớn ở miền Trung, từng hoạt động bí mật ở biên giới Tây Nam, từng có tên trong danh sách bị truy sát của một tổ chức phản động. Nhưng những điều đó, chú chưa bao giờ tự kể. Gia đình chỉ lờ mờ biết qua vài dòng hồ sơ cũ và một lần duy nhất - hôm nhà có đám giỗ - một đồng đội cũ của chú ghé đến, uống nửa ly rượu, rưng rưng bảo: “Nếu ngày đó không có chú mày liều mạng cứu chú, chắc giờ chú đã nằm mãi trong rừng sâu rồi…”.
Tôi lớn lên trong sự bao bọc của một gia đình yên ổn, không hề hay biết rằng có những đêm chú về nhà với chiếc áo thấm mồ hôi, đôi mắt đỏ hoe vì mất ngủ, và đôi bàn tay run run vì vừa bước ra khỏi một cuộc truy bắt nghẹt thở. Chú hay ngồi trước hiên nhà, lặng lẽ nhìn ra con đường đầy cát bụi. Mẹ tôi từng bảo: “Chú mày là người tốt, nhưng chọn một nghề mà người tốt hay bị quên mất”. Hồi ấy, còn nhỏ, tôi cũng chưa hiểu lắm lời mẹ. Rồi trưởng thành, chứng kiến nhiều hy sinh thầm lặng của chú, tôi mới bắt đầu hiểu hơn.
Có lần, tôi hỏi chú: “Sao chú không đi dạy học hay làm công chức như người ta? Làm ngành an ninh vất vả, có được ai biết đâu…”.
Chú cười, đôi mắt như trôi về một miền cũ: “Có những thứ không cần ai biết, miễn là con cháu mình được sống yên ổn”.
Tôi từng nghĩ chiến tranh đã lùi xa, súng đạn đã cất vào bảo tàng, thì những người lính an ninh cũng được sống an nhàn. Nhưng rồi tôi gặp một người bạn - làm trong ngành an ninh mạng. Bạn kể: “Có những đêm phải thức trắng chỉ vì phát hiện một dòng mã độc từ bên kia biên giới. Một cú click chuột có thể khiến hàng triệu dữ liệu công dân bị rò rỉ. Nhưng có ai biết đâu. Báo chí không nhắc. Chỉ có mình và những con số”. Tôi bỗng nhớ đến ánh mắt của chú tôi - cũng từng như thế. Cũng từng trở về sau những đêm trắng, có khi còn với một cánh tay băng bó mà ai hỏi chú cũng chỉ bảo, không cẩn thận nên bị ngã xe…
Một người chị khác - làm trong lĩnh vực an ninh văn hóa - nói đùa: “Tụi chị là những biên tập viên không tên. Phát hiện nội dung xuyên tạc, kịp thời ngăn chặn thì không ai vỗ vai. Mà để lọt một dòng, hậu quả khó lường”. Và tôi hiểu, thời đại ngày nay, mỗi ngày với một “hòn núi” tin giả nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ đầu độc biết bao tâm hồn con trẻ.
Tôi nghĩ, thật kỳ lạ, những người giữ cho đất nước khỏi rạn vỡ từ bên trong lại là những người không tên tuổi, không cần hào quang. Họ sống như cái bóng. Nhưng cái bóng ấy lại là nền móng cho ánh sáng được tỏa rạng.
Có năm chú tôi nhập viện vì đột quỵ. Trong căn phòng nhỏ của bệnh viện, tôi thấy chiếc ví cũ của chú đặt trên bàn, bên trong có vài tấm ảnh đen trắng - ảnh chụp tập thể một đội công tác. Mặt ai cũng lấm lem, tóc ướt mồ hôi, nhưng ánh mắt thì sáng đến lạ. Dưới bức ảnh, chú tôi ghi chú bằng mực tím: “Giữ cho ngày mai không bị … giật mình”.
Tôi đọc đi đọc lại câu đó hàng chục lần. Và bất giác nhận ra - bình yên không phải là điều ngẫu nhiên. Nó được tạo nên từ những người lặng lẽ hy sinh một phần đời mình để những phần đời khác được an yên. Bình yên không có tiếng vỗ tay. Không có sân khấu. Nó hiện diện bằng sự “bình thường” của những ngày không biến động, bằng nụ cười của đứa trẻ đến trường, bằng tiếng mẹ ru con ngủ yên giữa đêm. Nhưng để có được bình yên ấy, không phải ai cũng hiểu rằng luôn có những hy sinh lặng thầm của biết bao chiến sĩ an ninh nhân dân.
Giờ đây, chú tôi đã mất. Ngày 12/7 năm nào, tôi cũng tự tay mua một cành hoa trắng, cắm lên bàn thờ nhỏ chú đặt trong phòng - nơi có di ảnh vài đồng đội đã khuất. Không ồn ào. Không lễ lạt. Nhưng tôi tin, trong lòng những người hiểu, đó là ngày thiêng liêng. Mỗi lần thắp hương, tôi lại thấy như có ánh mắt chú dõi theo - trầm tĩnh và nhân hậu. Giữa bao xô bồ của cuộc sống, tôi học được từ chú một điều giản dị: muốn giữ bình yên cho mai sau, phải biết sống lặng lẽ hôm nay. Và có lẽ, ở đâu đó, những người trẻ của ngành hôm nay cũng đang âm thầm tiếp bước - như những ngọn gió không tên, thổi về phía sáng.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/giua-nhung-tang-sau-binh-yen-i775978/