Giữa sóng gió đình công toàn nước Pháp, bất ngờ độ 'vô duyên' của lời khuyên chọn rượu
Hôm thứ Năm (5/12) , cuộc đình công toàn quốc lớn nhất dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron đã diễn ra tại Pháp nhằm thể hiện sự phản đối trước kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí của chính phủ.
Tình huống căng thẳng hiện tại thực sự không phải là một thời điểm thích hợp để đưa ra những lời khuyên về ăn uống. Tuy nhiên, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp lại "đổ thêm dầu vào lửa" khi đăng tải một cập nhật trên Twitter đúng ngày 5/12 như sau: "Các dịp lễ cuối năm đang tới, hãy theo dõi lời khuyên của chúng tôi về cách chọn và bảo quan rượu champagne của bạn".
Ngay lập tức, động thái trên đã làm dấy lên một làn sóng giận dữ. Ông Iaan Brossat, phát ngôn viên của Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời là Phó Thị trưởng Paris viết: ""Vào ngày mà cơn giận dữ của xã hội nổ ra, một dòng tweet đáng lưu ý như vậy lại đến từ Bộ Tài chính… Làm sao để chọn champagne của bạn?"
Người dùng mạng cũng lên tiếng chỉ trích chính phủ vì sự thiếu nhạy cảm khi mà cuộc đình công lớn nhất trong nhiều năm trở lại đang khiến toàn nước Pháp hỗn loạn.
Hiện dòng tweet đã bị xóa bỏ.
Khoảng 800.000 (theo ước tính của chính phủ) và 1,5 triệu (theo ước tính của công đoàn) người đã tham gia vào các cuộc diễu hành tại khắp nước Pháp. Đây được đánh giá là cuộc đình công lớn nhất tại Pháp kể từ năm 1995 với đụng độ bạo lực xảy ra ở một vài thành phố.
Tại Pháp, người nghỉ hưu được chia theo 42 đề án hưu trí khác nhau. Ông Macron muốn nhập tất cả thành một hệ thống dựa trên điểm và không phân biệt ngành nghề.
Mục đích của cuộc cải cách là nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt hưu trí đang ngày càng gia tăng – dự kiến đạt mức 19 tỷ USD vào năm 2025 tại Pháp. Tuy nhiên, nó được đánh giá là sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động trong lĩnh vực công, như đường sắt và hàng không. Những lao động này hiện đang được hưởng phúc lợi đặc biệt bao gồm tuần làm việc ngắn hơn và về hưu sớm.
Trong ngày biểu tình thứ hai (6/12), dự kiến 82% tài xế tàu hỏa sẽ tham gia và ít nhất 90% chuyến tàu liên vùng bị hủy bỏ. Hãng hàng không quốc gia Pháp Air France cũng phải hủy 30% chuyến bay nội địa và 10% chuyến bay quốc tế chặng ngắn. Ngoài ra, khoảng 50% giáo viên các trường tiểu học và 42% giáo viên các trường cấp 2, tổ chức đình công. Cho tới thời điểm hiện tại, chính phủ vẫn từ chối nhượng bộ.