Giữa 'sốt đất', Bắc Giang công khai 40 dự án nhà ở, khu đô thị chưa được phép bán
Động thái công khai danh sách 40 dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện được phép bán, chuyển nhượng của chính quyền tỉnh Bắc Giang giữa thời điểm địa phương này đang diễn ra 'sốt đất' được đánh giá là góp phần minh bạch thông tin, ngăn chặn đầu cơ và thổi giá nhà đất.
Thị trường bất động sản (BĐS) cuối năm tại Bắc Giang "sốt" nóng khi các phiên đấu giá đất có mức trúng chênh lệch hàng trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm. Thậm chí các khu vực đất giáp núi cũng hút người mua, nhưng sau đó nhiều phiên lại phải hủy kết quả trúng vì nhà đầu tư liên tục bỏ cọc. Bên cạnh đó là việc, “cò”, mồi, môi giới nhà đất rầm rộ rao bán các dự án nhà ở, khu đô thị (KĐT) chưa đủ điều kiện mua bán theo quy định vì đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hạ tầng còn đang ngổn ngang, chưa xong giải phóng mặt bằng (GPMB).
Mới đây, Sở Xây dựng Bắc Giang đã công bố 72 dự án nhà ở, KĐT, khu dân cư (KDC) mới đang thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh và 5 dự án BĐS hình thành trong tương lai để minh bạch hóa thông tin về các dự án, góp phần ngăn chặn việc đầu cơ, “thổi giá” ảo.
Cụ thể, tính đến ngày 17/12, Bắc Giang có 32 dự án đủ điều kiện chuyển nhượng và 40 dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng (TP Bắc Giang 12, huyện Lục Nam 7, huyện Việt Yên 6, huyện Lạng Giang 6, huyện Yên Dũng 5, huyện Tân Yên 2, Yên Thế và Hiệp Hòa mỗi huyện có 1 dự án).
Điều đáng nói là, trong số 40 dự án dù chưa đủ điều kiện chuyển nhượng nhưng đã có nhiều dự án được môi giới, “cò” mồi đất rao bán rầm rộ trên mạng xã hội, website và các trang môi giới nhà – đất. Danh sách 40 chưa đủ điều kiện chuyển nhượng dự án lần này phần lớn là các dự án nằm trong danh sách 28 dự án chưa được phép bán mà Sở Xây dựng Bắc Giang công bố vào cuối tháng 7/2021.
Theo đó, dự án lớn nhất là KĐT mới xã Nội Hoàng (huyện Yên Dũng) với quy mô 89,85 ha, do liên danh Công ty CP phát triển nhà đẹp Vinaland và Công ty CP đầu tư Sun Grand làm chủ đầu tư. Hiện dự án vẫn đang trong quá trình lập báo cáo (BC) nghiên cứu khả thi.
Tiếp đến là dự án KĐT mới phía Đông thị trấn Vôi (huyện Lạng Giang) do Công ty TNHH MTV BT Lạng Giang làm chủ đầu tư. Dự án đang thực hiện thi công trên quy mô 56,05 ha.
Hay dự án Khu số 5, số 9 thuộc khu đô thị phía Nam, TP Bắc Giang do liên danh Công ty CP Đầu tư 379 và Công ty CP - Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 43,8 ha, hiện đang trong quá trình GPMB.
Ngoài ra còn có dự án KĐT số 1 thị trấn Nham Biền (huyện Yên Dũng) do Cty CPXD và dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh làm chủ đầu tư với quy mô 27,32 ha. Hiện dự án đang trong quá trình lập BC nghiên cứu khả thi,… Và còn nhiều dự án có quy mô từ nhỏ đến lớn trong danh sách.
Danh sách 40 dự án nhà ở, khu đô thị, khu dân cư đang thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.
Liên quan đến tình hình thị trường BĐS tại Bắc Giang, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh này cũng vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc chấn chỉnh một số nội dung trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Trong đó yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tư duy, nghiên cứu phương án chuẩn bị sẵn sàng việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các huyện, thành phố; có văn bản hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí, lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo có được sản phẩm đầy đủ, chất lượng cao.
Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, phường, thị trấn lập sổ theo dõi riêng, thiết lập hồ sơ quản lý chặt chẽ, không để xảy ra lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất nông nghiệp nằm ngoài chỉ giới thực hiện dự án đã thu hồi, bồi thường hoặc nhận chuyển nhượng nhưng không chuyển mục đích sử dụng đất và được UBND tỉnh giao cho UBND cấp xã quản lý tại các Quyết định giao đất, cho thuê đất,…
Trước đó, ông Đào Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho biết, ở thời điểm hiện tại, thị trường BĐS Bắc Giang phát triển chưa lành mạnh. Bởi thời gian qua, một số nhóm môi giới BĐS lập nhiều trang web, đưa lên các hội, nhóm Facebook, mạng xã hội thông tin mời gọi người dân tham gia đặt cọc giữ chỗ, để giữ phần đất định mua và khi nào dự án đủ điều kiện sẽ bán cho người dân. Những tín hiệu này khiến chính quyền địa phương lo ngại về việc đầu cơ, thổi giá khiến thị trường lại “sốt ảo” như hồi đầu năm.
Theo ông Hùng, để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, trong thời gian tới, Sở sẽ đề ra thêm một số giải pháp nhằm tăng cường công tác thông tin minh bạch về các dự án một cách thường xuyên. Đẩy nhanh tiến độ các khu đô thị, khu dân cư để dự án có nhiều mặt hàng nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân.
Ngoài ra, UBND các huyện cũng sẽ điều tiết các phiên đấu giá, không chia nhỏ các phiên đấu giá, tập trung đấu giá với số lượng lớn để môi giới không đủ sức “ôm hàng”; Thành lập tổ liên ngành để kiểm soát thị trường và bình ổn giá.