Giữa thách thức muôn trùng, APEC vẫn quan trọng hơn bao giờ hết

Trang Diễn đàn Đông Á ngày 14/11 đăng bài viết của Peter Drysdale, Giáo sư danh dự, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Đông Á, Đại học Quốc gia Australia, trong đó phân tích vai trò quan trọng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong bối cảnh khu vực hiện nay.

Các kết quả quan trọng

Giáo sư Peter Drysdale nhận định, trong chương trình nghị sự của APEC năm nay, nước chủ nhà New Zealand đã nỗ lực đạt được thỏa thuận trong các chính sách kinh tế và thương mại để tăng cường phục hồi sau đại dịch Covid-19, tăng tính bao trùm và bền vững của quá trình phục hồi cũng như nâng cao vai trò của đổi mới sáng tạo dựa vào số hóa.

Các mục tiêu đặt ra tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2020 ở Malaysia đã được củng cố với việc các nền kinh tế thành viên đưa ra cam kết chi tiết cho việc thực hiện các mục tiêu này vào năm 2040.

Các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 12/11/2021. (Nguồn: APEC)

Các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 12/11/2021. (Nguồn: APEC)

Hội nghị đã ghi nhận những tiến bộ thực tế trong việc loại bỏ thuế quan và các hạn chế thương mại đối với sản phẩm thuốc điều trị Covid-19, ủng hộ việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 và số hóa các thủ tục thông quan hàng hóa thương mại.

Các kết quả quan trọng khác bao gồm thỏa thuận của 21 nền kinh tế APEC về việc ngừng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vào năm 2022, các mục tiêu cao hơn về năng lượng tái tạo đến năm 2030, danh sách bổ sung hàng hóa môi trường và dịch vụ không còn phải chịu các hạn chế thương mại.

Một số kết quả có ý nghĩa khác liên quan đến việc tái ổn định Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cải cách thương mại (bao gồm trợ cấp nông nghiệp và thủy sản).

Thời gian qua, APEC đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các nguyên tắc đa phương thương mại khi Mỹ rời bỏ các nguyên tắc này dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và tìm cách hạ thấp vai trò của WTO.

Việc tham dự APEC lần này đánh dấu một bước quan trọng trong việc đưa chính quyền của Tổng thống Joe Biden trở lại tham gia APEC, mặc dù chính quyền mới của Mỹ vẫn tiếp tục các quy tắc thương mại do ông Trump áp dụng với Trung Quốc và trong việc giải quyết vấn đề thép và nhôm với châu Âu.

Những "người chơi" lớn

Trật tự kinh tế toàn cầu thời hậu chiến vốn định hình mối quan hệ giữa Mỹ và châu Á, cũng như nền tảng cho sự thịnh vượng và an ninh của châu Á, đang bị ảnh hưởng.

Các cường quốc nhỏ và trung bình như New Zealand và Australia phải dựa vào trật tự đa phương cũng như các mối quan hệ đồng minh với Mỹ như một trụ cột trong an ninh quốc gia, nhằm củng cố sự hội nhập vào nền kinh tế năng động của khu vực châu Á.

Trong khi đó, cơ cấu quyền lực toàn cầu đã thay đổi đáng kể. Sự thay đổi này phần lớn là nhờ thành công của trật tự thời hậu chiến, khi châu Á (đặc biệt là Trung Quốc) tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Mỹ và các nước khác giờ đây không coi sự trỗi dậy của Trung Quốc, với sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị mới, là một lý do để ăn mừng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 12/11/2021. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 12/11/2021. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin vào hệ thống thương mại toàn cầu. Những áp lực này đã gia tăng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và tác động đến tâm lý căng thẳng giữa các cường quốc và kinh tế toàn cầu.

Vì vậy, nền tảng cho những thành tựu của APEC 2021 là một trận đấu cam go tiếp tục diễn ra giữa những người chơi lớn trong cuộc đấu tranh lớn về cách vận hành thế giới ngày nay. Trong đó, các nhân vật chính là thành viên của APEC, bao gồm cả Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Năm nay, cả Trung Quốc và Đài Loan đều đã nộp đơn xin tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà New Zealand hiện có trách nhiệm điều phối. Điều này làm tăng thêm những khó khăn ngoại giao cần được quản lý.

Vai trò của APEC

Trong bối cảnh đó, APEC đã cho thấy giá trị to lớn của mình. Mỹ và Trung Quốc đều quan tâm đến cuộc chơi APEC. Bối cảnh cả hai cường quốc phải xử lý là diễn đàn đa phương và mọi giao dịch của họ đều diễn ra trước sự theo dõi của 19 thành viên khác.

APEC không phải một diễn đàn đàm phán nhằm đưa ra thỏa thuận chính thức giữa các quốc gia. Tổ chức này mang lại tiếng nói bình đẳng và đòi hỏi sự đồng thuận giữa tất cả các thành viên, cả lớn, trung bình và nhỏ.

Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc lại diễn ra ngay sau Hội nghị Cấp cao APEC.

Các tiến trình hợp tác hiện nay của APEC giúp xây dựng sự gắn kết giữa các quan chức và doanh nghiệp. Tư cách thành viên tại diễn đàn cung cấp một nền tảng lý tưởng cho các cuộc đối thoại về các vấn đề phức tạp và khó khăn, tìm hiểu các giải pháp và định hình các chiến lược đàm phán riêng giữa các thành viên với nhau.

Cấu trúc của hợp tác và gắn kết khu vực thông qua APEC đã được xây dựng với mục đích bổ sung và củng cố trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, chứ không phải để thay thế cho trật tự này.

Diễn đàn đã làm được điều này một cách mẫu mực trong một số trường hợp, ví dụ như cải cách thương mại liên quan đến công nghệ và môi trường hàng hóa.

Bên cạnh đó, việc duy trì các nguyên tắc và quy tắc cốt lõi của hệ thống thương mại, đầu tư và tài chính toàn cầu hiện là ưu tiên chiến lược.

Việc rút lui khỏi các quy tắc đa phương sẽ làm xáo trộn các thỏa thuận kinh tế và chính trị trên toàn cầu và châu Á sẽ đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề do tính chất và cấu trúc mạnh mẽ của các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong khu vực.

Các quy tắc thương mại toàn cầu đã lỗi thời và sau mỗi năm lại giảm mức độ chi phối. Do đó, cần có thêm các quy tắc đối với thương mại dịch vụ, đầu tư và nền kinh tế số, đồng thời cần có các nguyên tắc mới về trợ cấp cho ngư nghiệp, nông nghiệp và công nghiệp.

Việc nâng cấp các quy tắc khi có khoảng trống đáng kể xuất hiện, như các quy định điều chỉnh nền kinh tế số, cũng là một ưu tiên khác. APEC có nhiệm vụ huy động các nguồn lực chính trị để thúc đẩy gói cải cách toàn diện WTO, cũng như định hướng cho khu vực trong quá trình khôi phục kinh tế hậu Covid-19, và đạt được các mục tiêu tiếp theo về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Trong một thế giới đã thay đổi rất nhanh và mạnh mẽ, những thách thức lớn hiện nay là phải xác định những vấn đề quan trọng trong trật tự kinh tế toàn cầu, những gì đã bị phá vỡ và những gì cần làm để hoàn thiện trật tự này, cũng như làm thế nào để lấp đầy những khoảng trống đã xuất hiện do các quy tắc không theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng.

Đây chính là vai trò cốt lõi của APEC và năm đăng cai của New Zealand chứng minh rằng vào thời điểm toàn cầu đầy biến động và bất định này, vai trò của APEC càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giua-thach-thuc-muon-trung-apec-van-quan-trong-hon-bao-gio-het-165119.html