Giữa tình trạng hỗn loạn, những thế lực nào đang xâu xé Syria?
Ngày 9/12, Nga chính thức xác nhận ông Bashar al-Assad và gia đình đã đến Moscow. Nga đã cho phép họ tị nạn chính trị, ông Assad đã tuyên bố từ chức Tổng thống Syria và cuộc xâu xé quốc gia này bắt đầu.
Các thế lực thắng thế cát cứ Syria
Đối với các lực lượng nổi dậy đang gây hỗn loạn hiện nay ở Syria, những kẻ đến từ tỉnh Idlib ở phía bắc là tổ chức Tahrir al-Sham (HTS) và “Chính phủ Cứu quốc” được họ dựng lên, cùng Bộ chỉ huy Chiến dịch Chinh phục thuộc Chính phủ Cứu quốc, thủ lĩnh của nhóm này là Abu Mohammad al-Julani.
Tổ chức này chiếm cứ Idlib, Aleppo, Hama và Homs. Quân lính của họ được trang bị tốt nhất, sức chiến đấu tốt nhất và thực lực mạnh nhất. Tuy nhiên, do không tiến vào Damascus kịp thời nên họ đã lỡ một nước cờ. Phải đến ngày 8/12 Julani mới tiến vào Damascus và nhận lời chúc mừng từ các thủ lĩnh nhóm khác.
Có hai đội quân nổi loạn từ phía nam, đó là Mặt trận phía Nam của Quân đội Syria Tự do ở tỉnh Dara và Suweida, còn được gọi là Bộ chỉ huy tác chiến phía nam. Nhóm người này được Jordan và các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) khác hỗ trợ trong cuộc nội chiến Syria, nhưng sau đó dễ dàng bị tiêu diệt do hiệu quả chiến đấu quá kém. Nhưng giờ, nhóm này một lần nữa trỗi dậy.
Nhóm còn lại là Quân đội Tự do FSA/SFA thân Mỹ từ tỉnh Tanf. Họ đã nằm im đợi thời cơ với sự hỗ trợ của Mỹ, và bây giờ mới nổi lên.
Hai nhóm này mới bắt đầu cuộc nổi dậy vào ngày 6/12 và đã xông vào Damascus vào ngày 7/12. Đồng thời, họ cũng ra tay trước Julani, bắt giữ Thủ tướng Syria. Tuy nhiên, hai nhóm này chiến đấu kém cỏi nhất nên hiện đang chiêu mộ quân đội, thu thập vũ khí, cướp bóc dân thường ở Damascus, phân phát vũ khí bừa bãi…gây ra rất nhiều vụ việc.
“Quân đội Quốc gia Syria” (SNA), ẩn mình dưới sự bảo vệ của Thổ Nhĩ Kỳ, là một tổ chức vũ trang được thành lập ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria năm 2017 khi Thổ Nhĩ Kỳ tập hợp lực lượng nổi dậy phân tán trong cuộc nội chiến ở Syria, cùng với một số người Syria tị nạn.
SNA được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện và trang bị như những lính nô lệ làm bia đỡ đạn Ghulam trong Đế chế Ottoman. Họ được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng làm bia đỡ đạn và điều khiển để chiến đấu với người Kurd.
Ưu điểm của SNA là quân số rất đông, khoảng 30.000-40.000, nhưng nhược điểm là đội quân ô hợp, từ những kẻ khủng bố đến binh lính nổi loạn, từ xã hội đen đến tiểu thương, người bán hàng rong. Mỗi khi xung đột nổ ra, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại phải đến dàn xếp. Sau chiến đấu, họ đốt phá, giết chóc, hãm hiếp và cướp bóc không chút do dự.
Mặt trận Dân chủ người Kurd (SDF) có mối quan hệ tốt với Mỹ, ban đầu là chi nhánh của PKK ở Syria. Năm 2015, lực lượng này đã lợi dụng tình hình hỗn loạn chiếm đóng một khu vực rộng lớn ở miền đông Syria sau khi cùng SAA (quân đội chính phủ Assad) đánh bại phiến quân IS. Về cơ bản SDF đã hình thành được một khu vực cai trị với Raqqa là trung tâm.
Tổ chức này được coi là gương mặt tương đối sáng láng và có khá nhiều người ủng hộ ở phương Tây. Các lực lượng vũ trang chính dưới trướng nó là Quân đội Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) và Quân đội Bảo vệ Phụ nữ người Kurd (YPJ). Nó cũng có các ủy ban quân sự ở nhiều thành phố khác nhau.
Tổ chức này trước đây đã từng vừa hợp tác vừa đấu tranh với SAA. Điều quan trọng là tổ chức này còn chiếm giữ phần phía đông của Syria, nơi giàu tài nguyên nhất và được quân đội Mỹ bảo vệ.
Ngoài các thế lực lớn hơn kể trên, còn có rất nhiều lãnh chúa quân phiệt với quy mô nhỏ ở Syria. Ở phía đông, có lực lượng dân quân Arab trước đây duy trì mối quan hệ tốt với SAA (quân đội chính phủ). Ngoài ra còn có tàn quân của IS và Al Qaeda ẩn náu trong sa mạc; các bộ tộc, các giáo phái cũng có lực lượng dân quân.
Syria sẽ trở thành "miếng bánh" bị tranh giành
Hiện nay, xung đột giữa các phe phái đã bắt đầu nổ ra. Đầu tiên là sự xung đột giữa HTS và FSA. Thủ lĩnh HTS Julani hiện là một nhân vật có rất nhiều quân, mạnh mẽ, sức chiến đấu mạnh và lai lịch sáng láng. Quân của ông ta đang càn quét đất nước Syria. Những trận chiến về cơ bản đều do nhóm của ông ta ra tay.
Khi Julani tiến vào Damascus, đài phát thanh đã bị chiếm, Thủ tướng Jalali đã bị bắt đi và thông báo hòa bình đã được đưa ra. Ngoài việc được tôn vinh là "nhà lãnh đạo vĩ đại", Julani dường như không lấy gì làm vui vẻ.
Ở phía bên kia, SNA và SDF đã bắt đầu giao tranh với nhau. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/12 đã nói rất rõ ràng rằng ông sẽ tiếp tục chống khủng bố ở Syria.
Ngay khi SAA sơ tán khỏi Aleppo, SNA và SDF bắt đầu giao tranh với nhau ở bờ tây sông Euphrates, thành trì của SDF ở bờ tây nhanh chóng trở thành tâm điểm của cuộc giao tranh.
Bắt đầu từ ngày 7/12, giao tranh giữa hai bên ở Manbij đã nóng lên. Điều này cho thấy rõ chính quyền trung ương Damascus tan rã là cơ hội cho sự trả thù, báo oán lẫn nhau. Vào ngày 8/12, cuộc giao tranh lan ra ngoại ô Manbij và biến thành một cuộc hỗn chiến; ngày 9/12 SDF đã đánh mất hoàn toàn thị trấn quan trọng này ở bờ tây sông Euphrates.
Trên thực tế, không chỉ SNA muốn tiêu diệt SDF, mà cả HTS và FSA hiện cũng đang cố gắng tiêu diệt lực lượng người Kurd. Điều này là do SDF hiện kiểm soát một vùng đất nông nghiệp rộng lớn dọc theo sông Euphrates có thể trồng lúa mì. Thêm nữa, SDF nắm giữ ít nhất một nửa sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên của Syria.
Bất kể nhóm nào thắng thế, tiền và lương thực đều là những thứ cần thiết cơ bản. Do đó, SNA hiện đang đánh từ phía trước, nhưng Julani có lẽ đã nhắm mục tiêu vào SDF.
Về phía FSA, họ đã tấn công thăm dò Deir ez-Zor vài ngày trước, nhưng đã bị quân đội Mỹ ngăn chặn - không được đánh người Kurd, còn lại có thể làm bất cứ điều gì nếu muốn.
Vì vậy, sau sự sụp đổ của SAA, giữa HTS và FSA đã nảy sinh rạn nứt về vấn đề ai vào Damascus trước và ai là "vua".
Hiện tại, dù là Julani hay Bộ chỉ huy tác chiến miền Nam, cả hai bên đều đang tuyển quân, tập hợp lực lượng và ca bài ca hòa giải chính trị, hòa giải dân tộc, cai trị cởi mở.
Hai thế lực này đều không bị tước vũ khí. Nếu không giải trừ quân bị, một cuộc nội chiến có thể nổ ra.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải để ý đến Mỹ và không dám tỏ ra quá lộ liễu. Nếu sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền và có ý định rút quân khỏi Syria, SDF chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu của tất cả các bên còn lại.
Các phe phái chính trị khác nhau ở Syria cũng sẽ phải tính đến việc Israel bắt đầu sáp nhập đất đai của Syria sau khi họ cho quân chiếm một dải đất dọc theo vùng đệm ở Cao nguyên Golan.