Giữa Vườn quốc gia Núi Chúa

Từ tháng sáu đến tháng chín hằng năm, nhiều bạn trẻ cả nước đến các khu vực Bãi Thịt, Bãi Hõm, Bãi Ngang thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) để làm tình nguyện viên bảo vệ an toàn cho loài rùa biển khi chúng lên bờ đẻ trứng. Cùng với đó, họ dạy trẻ em vùng biển học tiếng Anh, tin học, tổ chức nhặt rác làm sạch bãi biển,… đem đến cho làng biển nơi đây không khí mùa hè sôi động.

Nhân viên Vườn quốc gia Núi Chúa và các tình nguyện viên tham gia cứu hộ rùa biển. Ảnh: Thế quang

Nhân viên Vườn quốc gia Núi Chúa và các tình nguyện viên tham gia cứu hộ rùa biển. Ảnh: Thế quang

Từ tháng sáu đến tháng chín hằng năm, nhiều bạn trẻ cả nước đến các khu vực Bãi Thịt, Bãi Hõm, Bãi Ngang thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) để làm tình nguyện viên bảo vệ an toàn cho loài rùa biển khi chúng lên bờ đẻ trứng. Cùng với đó, họ dạy trẻ em vùng biển học tiếng Anh, tin học, tổ chức nhặt rác làm sạch bãi biển,… đem đến cho làng biển nơi đây không khí mùa hè sôi động.

Một đêm cuối hè, tôi cùng nhóm tình nguyện viên do anh Trần Thanh Hải làm trưởng nhóm đi tuần tra khu vực rùa thường lên bãi đẻ trứng để triển khai việc bảo vệ, cứu hộ rùa. Anh Hải là chủ một cơ sở kinh doanh xe gắn máy tại TP Biên Hòa (Ðồng Nai). Tuy công việc kinh doanh bận rộn nhưng với tình yêu thiên nhiên, vào mùa hè hằng năm, anh vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thiên nhiên tại những khu bảo tồn trên cả nước. Nhóm tình nguyện viên của anh Hải được tập huấn trước đó, cho nên nắm khá rõ về tập tính của loài rùa biển: khi lên bờ, nếu có tiếng động, cảm giác không an toàn, thì rùa quay lại biển chứ không tìm chỗ để đẻ trứng nữa. Chính vì vậy, mọi chuyển động của tình nguyện viên phải thật nhẹ nhàng.

Ðang đi, Hải chợt phát tín hiệu để cả nhóm dừng lại. Dưới ánh trăng non, chúng tôi nhìn thấy vài con rùa mẹ đang ngoi khỏi mép nước biển. Chúng trườn khoảng chục mét rồi dừng lại, giương cao đầu quan sát, thấy yên tĩnh bèn trườn tiếp, dần bò sâu vào bãi cát khô ráo để đào ổ. Khoảng gần hai giờ sau đó, các rùa mẹ rời ổ, quay trở lại biển, cả nhóm tổ chức đánh dấu và ghi nhật ký để theo dõi cho đến khi rùa con nở. Việc cứu hộ rùa biển diễn ra khi nhân viên cứu hộ và nhóm tình nguyện viên nhận thấy ổ trứng rơi vào các điểm không bảo đảm an toàn, như: nằm ở vùng có thể bị ngập nước, nơi có người thường qua lại, nơi chăn thả gia súc... khi đó đội cứu hộ sẽ nhanh nhóng đào ổ, thu gom hết số trứng, dời sang nơi an toàn. Hoặc theo dõi, thấy đã quá thời gian trứng vùi trong ổ cát mà không nở rùa con hoặc số lượng nở rùa con không đồng đều, cán bộ bảo tồn nhanh chóng kiểm tra để có biện pháp cứu hộ bằng cách đào bới ổ, để kịp thời đưa các cá thể rùa con sức yếu, không thể ngoi qua khỏi lớp cát về với biển.

Hằng năm, tại Vườn quốc gia Núi Chúa có khoảng 100 lượt rùa mẹ lên bãi cát đẻ trứng. Trước khi đẻ trứng, vào ban đêm, rùa mẹ bò lên các vùng bãi cát ven biển dò tìm vị trí phù hợp. Sau đó, rùa mẹ dùng chân để quạt, đào cát tạo thành một cái ổ đường kính từ 20 đến 30 cm, sâu từ 60 đến 80 cm và đẻ trứng trong khoảng thời gian hai giờ. Rùa mẹ có thể đẻ từ một đến ba lần/năm, mỗi lần từ 70 đến 200 quả trứng. Sau khi đẻ xong, rùa mẹ rời tổ trứng, quay trở lại biển. Tùy vào nhiệt độ môi trường, trung bình từ 45 đến 60 ngày sau, trứng sẽ nở thành rùa con. Nhiệt độ càng cao, tỷ lệ trứng nở nhiều rùa cái và ngược lại, nhiệt độ càng thấp thì trứng nở rùa đực là chủ yếu. Rùa biển con sau khi nở trở về biển theo bản năng tự nhiên.

Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa đã phát động nhiều chương trình bảo vệ thiên nhiên thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên, sinh viên... cả nước hưởng ứng, đăng ký tham gia. Qua chương trình "Ẵm rùa con về biển", Ban quản lý Vườn quốc gia đã hướng dẫn hàng nghìn lượt học sinh và thành viên thuộc "Nhóm gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam" trong cả nước đến tham quan học tập, trải nghiệm các chương trình "cứu hộ rùa biển".

Những năm gần đây, người dân xã Vĩnh Hải luôn phấn khởi mỗi khi mùa hè đến, bởi lực lượng tình nguyện viên khắp nơi tề tựu về đây. Họ vừa tích cực tham gia công tác bảo vệ an toàn cho rùa lên bờ đẻ trứng, vừa là thầy giáo, cô giáo dạy cho con em học hè và tổ chức những cuộc vui chơi, giải trí bổ ích...

Phó Trưởng phòng Bảo tồn biển Vườn quốc gia Núi Chúa Phạm Anh Dũng cho biết, chương trình tình nguyện viên bảo vệ rùa biển đã lan tỏa khắp cả nước. Bên cạnh việc bảo vệ rùa lên bờ đẻ trứng, các tình nguyện viên còn tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân đang nuôi nhốt rùa biển giao lại cho Vườn quốc gia để thực hiện công tác bảo tồn, thả về với tự nhiên. Sau ba năm hoạt động, đến nay đã vận động người dân tự nguyện giao 19 con rùa để thả về biển. Trong ba tháng hè năm 2019, qua tám đợt triển khai công tác bảo tồn, cứu hộ rùa biển, 120 tình nguyện viên đã kịp thời cứu hộ 12 lượt rùa biển lên bãi đào ổ, trong đó có năm ổ đẻ thành công với 418 trứng; đã thả gần 300 rùa con về với môi trường tự nhiên; cứu hộ và chăm sóc bốn cá thể rùa biển tại khu vực cứu hộ sinh vật biển.

Các tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho học sinh ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).

Xong đợt tuần tra vào buổi tối, nhóm tình nguyện viên quay về căn nhà được xây trên lưng chừng Núi Chúa, chuẩn bị sáng hôm sau vào làng Thái An dạy tiếng Anh và tin học cho học sinh nghèo. Anh Nguyễn Trí Thành, giáo viên Trường cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Mình rất yêu thích công tác tình nguyện và đã đi rất nhiều nơi nhưng lần đầu mình tham gia công tác bảo tồn rùa biển. Chương trình ở đây rất thiết thực, ý nghĩa bởi vì ngoài việc chăm sóc rùa đẻ vào ban đêm còn lồng ghép vào các hoạt động xã hội như nhặt rác làm sạch bãi biển và dạy học cho trẻ em ở các thôn lân cận. Mình sẽ tiếp tục đăng ký để tham gia hoạt động tình nguyện bảo vệ rùa biển tại đây trong nhiều năm nữa".

Theo lịch công tác, từ 8 đến 11 giờ 30 phút các buổi sáng thứ hai, tư và sáu hằng tuần, các tình nguyện viên sẽ chia thành hai nhóm để dạy tiếng Anh và tin học cho học sinh nghèo. Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên tại TP Hồ Chí Minh cho biết, các lớp chia nhau nửa thời gian học tiếng Anh và nửa thời gian học tin học, cho nên các em rất thích thú. Thông qua chương trình, lồng ghép các hoạt động giáo dục môi trường, nhằm giúp các em hình thành thói quen tốt góp phần bảo vệ môi trường, thiên nhiên.

Những năm qua, Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến thưởng ngoạn, cho nên công tác bảo tồn tài nguyên rừng, biển tại Vườn quốc gia Núi Chúa được chú trọng nhiều. Thông qua việc xây dựng và hỗ trợ thực hiện dự án "Sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Ra Glai thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải" mở hướng phát triển một cộng đồng du lịch không còn phụ thuộc vào tài nguyên rừng. Ðịa phương đã thành lập các tổ thủ công mỹ nghệ, tổ múa mã la, tổ tham gia hướng dẫn du lịch; hướng dẫn người dân trồng rừng bằng các loài cây bản địa xen với cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Từ mô hình phát triển kinh tế gắn với nhận khoán bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Núi Chúa đã hỗ trợ hàng tỷ đồng giúp đồng bào Ra Glai làm chuồng trại, nuôi hàng trăm con bò, dê, gà,… tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vươn lên thoát nghèo. Nếu trước đây, đồng bào Ra Glai coi rừng là tài nguyên tự do, chỉ biết tận dụng khai thác, đến nay đã hiểu được lợi ích và giá trị kinh tế, môi trường do rừng mang lại, cho nên việc phá rừng đã giảm nhiều, nhờ đó độ che phủ của rừng được tăng lên. Ðồng bào tích cực tham gia công tác bảo vệ tài nguyên biển, không xả thải gây ảnh hưởng đến môi trường biển.

Rời Vườn quốc gia Núi Chúa khi những ngày hè khép lại, mùa rùa biển đẻ trứng trôi qua, các tình nguyện viên bịn rịn, xúc động trong giờ phút chia tay cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia và những trẻ em nghèo vùng biển Vĩnh Hy để trở lại công việc hằng ngày của mình, với lời hứa hẹn sẽ quay trở lại vào mùa hè năm sau. Tôi tin rằng những nỗ lực của họ sẽ góp phần tích cực bảo vệ loài rùa biển vượt qua nguy cơ bị tuyệt chủng, để Vườn quốc gia Núi Chúa mãi mãi là nơi loài rùa biển tìm về cội nguồn sau 30 năm sống dưới đại dương.

Vườn quốc gia Núi Chúa có hệ thực vật rừng có 1.504 loài, trong đó có 54 loài quý hiếm thuộc sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới; hệ động vật rừng có 345 loài, trong đó có 46 loài quý hiếm thuộc sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa Nguyễn Tường Giao cho biết, mỗi năm có ba loài rùa biển đến đây sinh sản, gồm: rùa xanh, đồi mồi và đồi mồi dứa. Ðặc biệt, loài rùa biển 30 năm tuổi mới trưởng thành và có khả năng sinh sản. Rùa biển sinh ra chỗ nào thì 30 năm sau sẽ tìm về nơi đó để đẻ, chính vì điều đó mà Vườn quốc gia Núi Chúa là một trong ba vùng trên đất liền hiện nay, gồm: Vườn quốc gia Côn Ðảo, Núi Chúa và Vũng Tàu có rùa biển lên bãi cát đẻ trứng.

Nguyễn Trung

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41722102-giua-vuon-quoc-gia-nui-chua.html