Giúp bệnh nhân nghèo tiếp cận kỹ thuật cao trong điều trị
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vừa đưa vào sử dụng phòng phẫu thuật tim thứ 2 nhằm góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh tim tại bệnh viện.
Người đầu tiên được phẫu thuật tim tại phòng mổ này là một bệnh nhân nghèo, được phẫu thuật tim hoàn toàn miễn phí do các bác sĩ vận động mạnh thường quân hỗ trợ.
* Bác sĩ đi xin tiền cho bệnh nhân làm phẫu thuật
BS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh nhân là chị N.T.N. (ngụ xã Phú Vinh, H.Định Quán) bị hẹp hở van 2 lá, hở van 3 lá rất nặng gây suy dinh dưỡng, suy kiệt cơ thể. Bệnh nhân bị bệnh tim đã hơn 10 năm nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không thể làm phẫu thuật.
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hiện đang kêu gọi vận động hỗ trợ cho bệnh nhân Đ.T.T. (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom). Cách đây vài năm, ông T. bị tai biến đã được chữa khỏi nhưng gần đây phải nhập viện vì di chứng của bệnh này; đồng thời bị hẹp động mạch cảnh hai bên thận, cần được chữa trị sớm để ngăn ngừa nguy cơ suy thận mãn và phải chạy thận. Dự kiến, chi phí điều trị cho ông T. khoảng 96 triệu đồng.
Trước Tết Nguyên đán năm 2020, bệnh nhân đã được khám và có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, thời điểm sau Tết do dịch bệnh Covid-19 cộng với việc bệnh nhân không có tiền làm phẫu thuật nên đành hoãn lại (chi phí khoảng 90 triệu đồng nếu có bảo hiểm y tế và 150 triệu đồng nếu bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế).
Nhận thấy bệnh tình của bệnh nhân ngày càng nặng, nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm nên trong thời gian hoãn phẫu thuật, BS Đỗ Trung Dũng đã vận động các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện tài trợ tiền để bệnh nhân có cơ hội phẫu thuật và tái khám trong vòng 1 năm.
“Ngoài xin tiền làm phẫu thuật, tôi xin thêm tiền để bệnh nhân đi tái khám vì nếu bệnh nhân chỉ phẫu thuật xong mà không tái khám, bác sĩ không nắm được diễn tiến sức khỏe để có những điều chỉnh, chỉ định sử dụng thuốc phù hợp thì hiệu quả điều trị không cao” - BS Dũng cho hay.
Đến ngày 20-5, bệnh nhân N. được phẫu thuật tim bằng kỹ thuật mổ nội soi. Bác sĩ thực hiện một đường rạch khoảng 2cm ở đùi, sau đó đưa các dụng cụ chạy tim phổi nhân tạo qua đường mạch máu vùng đùi để lên tim. Đồng thời mổ một đường dài khoảng 6cm ở bên ngực phải của bệnh nhân để đưa các dụng cụ vào sâu trong tim, tiếp cận các lá van, tiến hành thay một lá van 2 lá, sửa một lá van 3 lá.
Lá van 2 lá được thay là van sinh học. Loại van này an toàn hơn van cơ học, có thời gian sử dụng 10-20 năm. Số tiền thay van sinh học cao gấp đôi van cơ học nên bác sĩ buộc phải vận động được nhiều tiền ủng hộ hơn mới có thể thực hiện thay van này cho bệnh nhân.
Theo BS Dũng, phẫu thuật tim nội soi là một trong những kỹ thuật cao và khó trong phẫu thuật tim đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề chuyên môn cao. Đây là trường hợp thứ 2 được phẫu thuật tim nội soi tại bệnh viện trong số 41 trường hợp phẫu thuật tim trong hơn 3 năm qua. Phẫu thuật tim nội soi có rất nhiều ưu điểm. 4 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể rút nội khí quản, hồi phục nhanh.
* Hướng đến những điều nhân văn
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, trước đây do điều kiện chưa cho phép nên bệnh viện mới chỉ sử dụng 1 phòng phẫu thuật tim. Nay, bệnh viện được đầu tư thêm 1 phòng mổ tim với đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại, cần thiết để đảm bảo cho một cuộc mổ tim an toàn như: máy tim phổi nhân tạo, đèn mổ, bàn mổ, camera, hệ thống cắt, phẫu thuật, hệ thống nội soi, hệ thống hút, máy siêu âm định hình, dụng cụ mổ…
Cũng theo TS-BS Phạm Văn Dũng, chi phí cho mỗi ca phẫu thuật tim dao động từ 50-400 triệu đồng tùy thuộc vào vật liệu sử dụng trong ca phẫu thuật. 41 bệnh nhân đã được phẫu thuật tim tại bệnh viện phần lớn là những bệnh nhân nghèo, bảo hiểm y tế không chi trả đủ. Do đó, có những bệnh nhân được bệnh viện hỗ trợ một phần, có những bệnh nhân được hỗ trợ toàn bộ và có những bệnh nhân được bệnh viện kết nối với các mạnh thường quân hỗ trợ làm phẫu thuật.
Điểm đặc biệt trong các ca phẫu thuật tim gần đây tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã có thể thực hiện được hầu hết các khâu trong quy trình phẫu thuật tim hở, từ phẫu thuật đến hồi sức, chạy máy, gây mê, hậu phẫu… Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hiện chỉ cần cử 1 bác sĩ phẫu thuật xuống hỗ trợ ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất mà không cần phải đưa cả ê-kíp như trước kia.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, điều này chứng tỏ đề án bệnh viện vệ tinh và việc chuyển giao công nghệ từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã thành công. Bác sĩ ngoại khoa, nhất là bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tim, hồi sức của bệnh viện đã có bước trưởng thành vượt bậc.
“Chúng tôi đang hướng đến mục tiêu sau ca phẫu thuật thứ 100, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất có thể tự tin thực hiện ca phẫu thuật mà không còn cần đến sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên. Đồng thời, sẽ chủ động chào đón, hỗ trợ để phẫu thuật, chữa trị cho càng nhiều bệnh nhân nghèo mắc bệnh tim càng tốt. Từ đó, giúp bản thân người bệnh và gia đình họ bớt đi gánh nặng, đảm bảo an sinh xã hội cho cộng đồng” - TS-BS Phạm Văn Dũng nhấn mạnh.
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật cao trong chỉnh hình, ngoại thần kinh, ngoại niệu, tiết niệu. Dựa vào mô hình bệnh tật và mô hình chuyển viện của bệnh viện, bệnh viện hướng tới xây dựng khoa ung bướu và triển khai các dịch vụ theo nhu cầu của bệnh nhân.