Giúp con nhớ lâu kiến thức
Nhiều bậc cha mẹ phiền lòng khi con học trước quên sau, nói vào tai nọ chảy ra khỏi tai kia. Vậy tại sao con khó có thể nhớ được bài học, khó nhớ kiến thức mới? Và làm thế nào giúp con ghi nhớ lâu và sâu kiến thức?
Chúng ta cần hiểu rõ trí nhớ là gì?
Trí nhớ là một quá trình tiếp nhận, lưu trữ và gợi lại thông tin. Thực tế, việc tiếp nhận và lưu trữ diễn ra khá dễ dàng. Điều khó khăn mà hầu hết chúng ta gặp phải đó là gợi lại những thông tin đã ghi nhớ.
Nếu bạn cho rằng những người có trí nhớ tốt là nhờ bẩm sinh thì có thể bạn đúng.
Nhưng nếu bạn vịn vào cớ đó mà cho rằng những ai sinh ra không có trí nhớ tốt thì mãi mãi sẽ là như vậy thì bạn đã lầm.
Trí nhớ cũng có thể được rèn luyện như bao kỹ năng khác. Hãy cùng tìm hiểu các phương pháp dưới đây để giúp con mình ghi nhớ hiệu quả:
1. Biến mọi thứ thành hình ảnh và "treo" chúng ở một nơi nào đó
Đúng vậy, chúng ta thường có xu hướng nhớ đến những hình ảnh hơn là những con chữ đơn thuần.
Hình ảnh càng sinh động, càng đặc biệt, hài hước thì càng nhớ lâu. Vì vậy thay vì những con chữ và con số, hãy liên tưởng ra hình ảnh để con có thể ghi nhớ hiệu quả hơn.
2. Ghi chép bằng bản đồ tư duy (MindMap)
Bạn thường ghi chép như thế nào?
Để tôi đoán nhé: gạch đầu dòng ghi ý lớn, xuống hàng chấm một cái rồi ghi ý nhỏ hơn,...
Nếu bạn có thói quen ghi chép như vậy thì tôi nghĩ bạn nên áp dụng một cách ghi chép mới hiệu quả hơn. Đó là sử dụng bản đồ tư duy để ghi chép.
Tại sao tôi nói nó hiệu quả hơn? Bởi vì nó không chỉ là ghi ra những dòng chữ đơn thuần mà còn kết hợp với cả hình ảnh. Mà như bạn biết rồi đấy, hình ảnh có tác dụng ghi nhớ tốt hơn so với chữ.
Vì thế, lần tới, nếu bạn muốn ghi chép thông tin gì thì hãy sử dụng bản đồ tư duy thử xem nhé.
3. Lặp đi lặp lại điều cần nhớ
Một nghiên cứu khoa học cho thấy bộ não sẽ quên một lượng thông tin đáng kể sau lần tiếp xúc đầu tiên nếu như bạn không có kế hoạch ôn lại. Nếu bạn không lặp lại điều cần nhớ thì cuối cùng bạn sẽ gần như là quên phần lớn thông tin mà bạn đã tiếp nhận. Do đó, sau các buổi học hoặc họp hành gì đó, bạn phải có kế hoạch để ôn lại chúng. Việc lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ giúp bạn ghi nhớ chính xác thông tin.
4. Hiểu rõ nội dung cần ghi nhớ
Chúng ta thường có thói quen học thuộc lòng như một con vẹt và sau đó chúng ta hầu hết chả nhớ gì nhiều những kiến thức đó. Đơn giản chúng ta chỉ học thuộc lòng mà không hiểu được vấn đề.
Do đó, nếu muốn nhớ một cái gì đó lâu dài, bạn cần phải hiểu được gốc rễ của vấn đề. Bạn không cần phải học thuộc lòng 100% câu chữ. Chỉ cần hiểu được bản chất, bạn có thể diễn đạt lại được theo ý của mình.
Việt Châu
(Theo TS. Ernest Wong)
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giu-p-con-nho-lau-kie-n-thu-c-605174.html