Giúp con trưởng thành qua 20 phim kinh điển

'Cùng con trưởng thành qua những bộ phim thiếu nhi kinh điển' không đơn thuần là cuốn cẩm nang phim ảnh, mà nó còn chứa đựng những giá trị, phẩm chất cần có cho lứa tuổi thiếu nhi.

 Phù thủy xứ Oz (1939) là tượng đài của dòng phim thiếu nhi.

Phù thủy xứ Oz (1939) là tượng đài của dòng phim thiếu nhi.

Là người có nhiều năm theo dõi các vấn đề về giáo dục, trẻ em, nhà văn, nhà bình luận, nghiên cứu tin tức Tào Bảo Ấn - Giám đốc Viện Nghiên cứu Truyền thông Tin tức Bắc Kinh - đã phát hiện ra một số chân lý giáo dục, một số vấn đề mà người khác thường bỏ sót, chẳng hạn ý nghĩa giáo dục của những bộ phim điện ảnh kinh điển.

Theo ông, điện ảnh có ảnh hưởng rất lớn đối với lứa tuổi thiếu nhi và thanh niên, sức ảnh hưởng của một bộ phim đôi khi còn vượt qua một cuốn sách.

Giáo dục, định hướng con

Từ việc phát hiện ra giá trị của điện ảnh đối với giáo dục thanh thiếu niên, Tào Bảo Ấn đã coi việc xem phim cùng con gái ông là phương thức và phương pháp giáo dục tốt hơn cho con. Ông đã cất công tìm kiếm những bộ phim có thể đồng hành cùng sự trưởng thành của con, đi vào cuộc sống trẻ thơ một cách thực thụ.

Cuốn sách Cùng con trưởng thành qua những bộ phim thiếu nhi kinh điển là thành quả bước đầu của Tào Bảo Ấn. Cuốn sách giống những con đường tắt dẫn đến thế giới tâm hồn trẻ thơ và giúp chúng ta hiểu được rằng, điện ảnh có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với lứa tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên.

Trong cuốn sách, Tào Bảo Ấn đã chọn các chủ đề như yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu cuộc sống, theo đuổi ước mơ, yêu tuổi trẻ (tương ứng với 5 chương sách) để giới thiệu toàn diện 20 bộ phim điện ảnh kinh điển thế giới dành cho thiếu nhi. Tiêu chí để ông lựa chọn những bộ phim này là giá trị mà chúng truyền tải đều là kinh điển, dành cho thiếu nhi, nhân văn và có giá trị phổ biến.

Cuốn sách mở đầu bằng chủ đề “Hãy để con trở thành người biết yêu thương gia đình” (chương 1). Theo Tào Bảo Ấn, lý do ông bắt đầu cuốn sách bằng chủ đề này là vì cuộc đời ông từng trải qua nỗi đau tột cùng khi cả bố mẹ ông và bố mẹ vợ đều qua đời sớm, từ nhỏ đã mất đi chỗ dựa, không còn nơi nương tựa.

Ông hiểu được rằng, để con học cách yêu thương gia đình, tránh mọi sóng gió cuộc đời dưới mái nhà, cảm nhận được sự ấm áp từ ngọn lửa trong tổ ấm là một điều rất quan trọng và có ý nghĩa lâu dài.

Mặt khác, theo Tào Bảo Ấn, hầu hết phim và các tác phẩm thiếu nhi kinh điển trên thế giới đều lấy tình yêu thương gia đình làm giá trị cốt lõi, từ đó thấm nhuần vào thế giới tinh thần của trẻ một cách tinh tế lâu dài. Các nhà sản xuất điện ảnh và các nhà văn kiệt xuất đều biết rõ, gia đình đối với trẻ em hay người lớn đều tượng trưng cho tình yêu trong sáng và hạnh phúc. Một người không có gia đình sẽ rất đau khổ. Mất đi gia đình là mất đi tất cả.

Và trong chương mở đầu này, tác giả sách đã phân tích kỹ 4 bộ phim là: Phù thủy xứ OZ, Hoa Mộc Lan, Những đứa trẻ thiên đường, Ở nhà một mình (Phần 1). Từ việc phân tích này, ông nêu các suy nghĩ và chỉ ra cách làm thế nào để trẻ học cách yêu tổ ấm của mình, đấu tranh vì danh dự, sự an toàn, hạnh phúc và niềm vui gia đình.

Ở chương 2 “Hãy để con trở thành người yêu cuộc sống”, tác giả đã chọn, phân tích 4 bộ phim gồm: Lạc vào thế giới kiến, Chú chó dẫn đường Quill, Bảo Liên Đăng, Đi tìm Nemo. Thông qua việc phân tích giáo dục về sinh mệnh, cái chết từ các bộ phim, tác giả chỉ ra cách giúp trẻ vượt lên nghịch cảnh và trân trọng hơn cuộc sống của mình.

Chương 3 “Hãy để con trở thành người biết yêu thương bạn bè”, tác giả sách phân tích 4 bộ phim: Lưới nhện của Charlotte, Hàng xóm của tôi là Totoro, 101 chú chó đốm, Gã chằn tinh tốt bụng.

Theo tác giả các bộ phim trên có những hình thức diễn đạt nghệ thuật khác nhau, nhưng cùng diễn đạt một chủ đề đó là trung thực, hợp tác, bạn bè. Đây cũng là những đức tính giúp con trẻ sau này có được nhiều người tín nhiệm và sự tôn trọng, nhờ đó mà các con kết bạn được nhiều người và con đường dưới chân càng thêm rộng mở.

 Cùng con trưởng thành qua những bộ phim thiếu nhi kinh điển. Ảnh: TV.

Cùng con trưởng thành qua những bộ phim thiếu nhi kinh điển. Ảnh: TV.

Cùng con thưởng thức cái hay, cái đẹp

Chương 4 “Hãy để con thành trở thành người biết theo đuổi ước mơ”, tác giả phân tích 4 bộ phim: Nàng Bạch Tuyết, Aladin, Vua sư tử, Gấu trúc Kung Fu.

Thông qua việc đưa ra những câu hỏi và lời đáp như: “Người đẹp nhất thế gian” được dạy dỗ như thế nào? “Hoàng tử đích thực trên thế giới” được dạy dỗ ra sao? “Quốc vương vĩ đại nhất trên thế giới” được tôi luyện thế nào? Hiệp sĩ siêu phàm nhất thế giới luyện tập ra sao, tác giả muốn gửi đến ông bà, bố mẹ và những người đọc sách một thông điệp rất rõ ràng: Hãy để trẻ trở thành người thích theo đuổi ước mơ và hiện thực hóa ước mơ.

Có như vậy thì sau khi khôn lớn, trẻ mới thành “người đẹp nhất”, “hoàng tử đích thực”, “quốc vương vĩ đại”, “hiệp sĩ siêu phàm”. Theo Tào Bảo Ấn, có thể cách nói này là ví von, nhưng nó có ý nghĩa rèn luyện cho trẻ những đức tính tốt như yêu lao động, trung thực, nhân hậu, tự cứu mình và kiên trì…

Chương 5 “Hãy để con trở thành người biết yêu tuổi trẻ”, tác giả đã tổng hợp nội dung 4 bộ phim liên quan đến tuổi mới lớn đó là: Cuộc đời đen như chó, Sen và Chihiro ở thế giới thần bí, Le Choirites (Dàn đồng ca), Câu chuyện của đồ chơi. Các bộ phim này có điểm tương đồng đó là nói về những đứa trẻ “có vấn đề”.

Theo tác giả tuổi dậy thì là giai đoạn phức tạp và quan trọng trong quá trình trưởng thành. Trong giai đoạn này, việc cha mẹ quan sát, giáo dục và định hướng con cái yêu thương tuổi trẻ của mình là điều rất quan trọng.

Không dừng lại ở việc chỉ ra giá trị giáo dục từ 20 bộ phim điện ảnh kinh điển, tác giả còn khuyến khích các bậc cha mẹ cùng con xem phim và cùng con đọc sách để bổ sung hỗ trợ cho nhau.

Theo tác giả, cha mẹ và con cái cùng xem phim có thể tạo ra bầu không khí tràn ngập yêu thương, khiến gia đình luôn ấm áp, các thành viên không nỡ rời xa. Còn việc đọc một cuốn sách rồi xem một bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ cuốn sách đó, hoặc ngược lại, sau khi xem xong phim mới tìm đọc lại nguyên tác, người đọc sẽ thu hoạch được nhiều hơn so với chỉ xem phim và chỉ đọc sách đơn thuần.

Hơn nữa nó còn gợi ý cho người đọc và người xem cách quan sát, thể hiện suy nghĩ các vấn đề từ nhiều góc độ, nhiều hướng khác nhau.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/giup-con-truong-thanh-qua-20-phim-kinh-dien-post1481347.html