Giúp công nhân tránh 'bẫy' tín dụng đen

Thời gian qua, tín dụng đen bùng phát như dịch bệnh len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, nhất là khu vực đông dân cư lao động, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp...

Tín dụng đen hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, biến tướng. Các đối tượng liên quan sử dụng nhiều thủ đoạn uy hiếp, bôi nhọ, xâm phạm đời tư, gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động.

Các đối tượng hoạt động tín dụng đen công khai phát tờ rơi, quảng cáo trên không gian mạng với những hình thức như “hỗ trợ tài chính”, “cho vay tiền góp”, "dịch vụ cầm đồ", "vay nhanh, trả gọn"... thông qua các app cho vay trực tuyến. Dễ dàng mượn, nhưng lãi suất rất cao kèm theo các khoản “lệ phí dịch vụ” khiến người vay bị thiệt hại ngay từ đầu. Hệ lụy từ tín dụng đen rất nguy hiểm, nhất là trong những trường hợp người vay do thiếu trước hụt sau không kịp trả lãi, nợ chồng nợ khiến nhiều nạn nhân không còn lối thoát đành phải bán tài sản hoặc bỏ xứ trốn đi nơi khác. Những người thân, gia đình, bạn bè của nạn nhân cũng chịu liên lụy, bị các đối tượng cho vay quấy rầy, đe dọa...

Ảnh minh họa: Báo Công an nhân dân

Ảnh minh họa: Báo Công an nhân dân

Tín dụng đen là một vấn nạn. Sự tồn tại và phát triển của nó, dù dưới hình thức, quy mô nào cũng đều gây ra những hiện tượng tiêu cực cho đời sống xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống của đại đa số công nhân, người lao động còn nhiều khó khăn; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định diễn ra phổ biến... thì tín dụng đen càng có môi trường, điều kiện tấn công vào các đối tượng yếu thế, gặp khó khăn. Giải quyết căn cơ vấn đề này đòi hỏi phải có những giải pháp tổng thể, quyết liệt từ cả hai phía: Xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng bất hợp pháp và cải thiện, nâng cao mức sống cho công nhân, người lao động. Cùng với sự điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô, rất cần có những mô hình năng động, chủ động, hiệu quả từ cơ sở.

Vừa qua, tổ chức tài chính vi mô (CEP) cùng Liên đoàn Lao động 9 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long đã ký kết phối hợp tham gia phòng, chống tín dụng đen trong công nhân lao động. Theo nội dung ký kết, 3 nhóm giải pháp được CEP cùng liên đoàn lao động các tỉnh triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023-2028 gồm: Tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ CEP cho người lao động; nâng cao kiến thức tài chính, giúp người lao động phòng tránh tín dụng đen và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động. Cụ thể, trong giai đoạn 2023 -2028, CEP sẽ cung cấp cho hơn 1,41 triệu lượt công nhân, hộ gia đình công nhân vay vốn từ CEP với số tiền gần 50.060 tỷ đồng...

Đây là một mô hình tiêu biểu, có tính khả thi cao, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Để phòng, chống hiệu quả tín dụng đen trong công nhân, cần nhiều hơn nữa sự cố gắng của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính bản thân người lao động mà trước hết là sự học tập, nhân rộng, áp dụng, triển khai các hình thức, mô hình, giải pháp cụ thể từ cơ sở.

HOÀNG NGÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giup-cong-nhan-tranh-bay-tin-dung-den-735907