Giúp công nhân trút bớt gánh lo

Không chỉ ổn định giá thuê phòng, bà Lê Thị Kim Chi còn hỗ trợ công nhân mua điện, nước sinh hoạt đúng giá

"Nhờ cô Chi mua BHYT tự nguyện nên tôi mới an tâm chữa bệnh, không phải lo lắng nữa. Với anh chị em công nhân (CN) ở trọ, cô Chi như người thân trong gia đình" - anh Trương Văn Trường, CN vệ sinh, bày tỏ như vậy khi nói về sự hỗ trợ của bà Lê Thị Kim Chi, chủ nhà trọ tổ 27, khu phố 3, đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, quận 2, TP HCM. Không chỉ anh Trường, bà Chi còn giúp đỡ rất nhiều CN khó khăn ở trọ.

San sẻ kịp thời

Vợ chồng anh Trương Văn Trường quê ở An Giang, là CN chuyên vệ sinh cửa kính cho các công trình xây dựng hơn 10 năm nay. Không chữ nghĩa, không tay nghề nên vợ chồng anh phải chấp nhận công việc đầy rủi ro, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Mới đây, khi cổ họng bị đau dẫn đến tắt tiếng, anh đi khám mới biết mình bị viêm thanh quản (giai đoạn đầu của bệnh ung thư). Cuộc sống vốn đã khốn khó nên khi biết mình bị bệnh hiểm nghèo, tinh thần anh Trường rất suy sụp. Thông cảm với khó khăn ấy, bà Chi đã bỏ tiền túi mua BHYT tự nguyện cho anh. Nhận tấm thẻ BHYT bà Chi trao, anh mừng rơi nước mắt bởi đã trút được phần nào gánh lo. Ngoài anh Trường, bà Chi còn mua BHYT cho 3 trường hợp khó khăn khác trong khu trọ.

Với công nhân ở trọ, bà Lê Thị Kim Chi (bìa trái) như người thân trong gia đình

Với công nhân ở trọ, bà Lê Thị Kim Chi (bìa trái) như người thân trong gia đình

Đến giờ này, CN ở trọ vẫn nhớ như in chuyện bà Chi hỗ trợ một phụ nữ trẻ tuổi vượt cạn thành công. Chồng phụ nữ này làm CN xây dựng, còn chị mang thai bụng vượt mặt nên suốt ngày quẩn quanh ở phòng trọ. Một hôm, thấy người chồng đi ra đi vào với vẻ mặt lo lắng, bà Chi sinh nghi có chuyện chẳng lành. Đến khi nghe người chồng hoảng hốt la lên: "Cô Út và mọi người ơi, cứu vợ con của con với!", bà Chi và nhiều CN chạy sang phòng trọ thì phát hiện người vợ bê bết máu. Không chút chần chừ, bà Chi liền gọi taxi và giúi vào tay người chồng vài triệu đồng để đưa vợ đi bệnh viện. Sau đó, bà còn tự tay soạn quần áo cho hai mẹ con rồi đón xe vào bệnh viện thăm hỏi. Ngày vợ con xuất viện, người chồng không một xu dính túi, bà Chi đứng ra vận động CN ở trọ quyên góp hỗ trợ. Lúc vợ con đã ổn định, người chồng mới cho bà Chi biết là họ quê ở Đồng Tháp, yêu nhau nhưng bị gia đình hai bên cấm cản. Tình thế đó khiến họ phải bỏ quê lên TP kiếm sống. Cuộc sống khó khăn, do vậy khi mang thai, vợ anh không dám về nhà vì sợ gia đình không tha thứ. Lúc vợ biểu hiện chuyển dạ, anh định mượn bà Chi một ít tiền để đưa đi sinh nhưng ngại vì mới chuyển đến ở chưa lâu. Nghe anh tâm sự, bà Chi gọi điện thoại về quê cho 2 gia đình nói rõ tình hình và khuyên họ đón con, cháu về chăm sóc. Nhận được tin, hai gia đình đã đến tận nhà trọ nhận thông gia, đưa con cháu về quê. "Thỉnh thoảng, người chồng gọi điện thoại lên cảm ơn, hỏi thăm cuộc sống của mọi người. Nghe hai đứa sống hạnh phúc và việc làm ổn định, tôi cũng vui lây" - bà Chi bộc bạch.

Thương người

"Cô Út ơi, con đưa thằng nhỏ đi học, cô ngó giùm phòng con với", "Cô Út ơi, hôm nay con chưa lãnh lương, cô cho con nợ tiền nhà tháng này nhe", "Cô Út ơi, coi giùm con bé sao nóng quá"… "Cô Út" là cái tên thân mật mà CN ở trọ thường gọi bà Lê Thị Kim Chi khi muốn nhờ vả hoặc thông báo một chuyện gì đó. Những lúc ấy, bà luôn vui vẻ nhận lời và giúp đỡ họ một cách nhiệt tình. Tấm chân thành của bà khiến tất thảy CN quý trọng.

Bà Chi năm nay 47 tuổi, kinh doanh nhà trọ được 19 năm. Bà kể ngày xưa, vợ chồng bà rất nghèo, chồng làm nghề sửa xe, vợ làm ruộng, nuôi heo quần quật cũng không đủ ăn. Năm 2000, khi làn sóng CN từ các tỉnh đổ về TP HCM làm việc, bà vay tiền xây 10 phòng trọ cho thuê ngay trên mảnh ruộng đang canh tác. Nhờ lấy ngắn nuôi dài, từ 10 phòng trọ ban đầu, nay vợ chồng bà đã sở hữu 40 phòng với hơn 120 CN ở trọ. Ở quận 2, bà là một trong những chủ nhà trọ tiên phong hỗ trợ CN mua điện, nước sinh hoạt đúng giá. Nhờ sự năng động của bà mà CN tiết kiệm được chi tiêu hằng tháng. Phòng trọ của bà diện tích từ 13-15 m2, có gác lửng, cửa sổ, nhà vệ sinh khép kín với giá thuê 2 triệu đồng/phòng. Những CN ở lâu, có hoàn cảnh khó khăn, bà chỉ lấy 1,8 triệu đồng/phòng.

Khu trọ có hệ thống báo cháy, camera an ninh giám sát khắp nơi để bảo đảm an toàn cho CN. "CN ở trọ đa phần làm tại các công trường, tài xế taxi và tài xế xe ôm công nghệ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tôi đã từng trải qua khó khăn nên hết sức thông cảm và cố gắng hỗ trợ họ. Giúp CN ở trọ cũng là thực hiện nghĩa vụ với cộng đồng nên tôi không nghĩ ngợi nhiều" - bà Chi chia sẻ. Có chương trình hỗ trợ CN khó khăn ở phường, quận; chương trình vui chơi cho con CN vào Tết Thiếu nhi, Trung thu…, bà Chi đều đăng ký cho CN và con CN ở khu trọ của mình. Có khi, CN bận tăng ca hay về trễ, bà lấy xe máy chở con CN đến phường vui chơi, nhận quà.

NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA, Chủ tịch Hội LHPN quận 2, TP HCM:

Tấm lòng đáng quý

Quan tâm, lo lắng cho CN ở trọ từng chút, cô Lê Thị Kim Chi xứng đáng là một trong những chủ nhà trọ điển hình ở địa phương. CN xa quê vốn thiếu thốn đời sống vật chất lẫn tinh thần nên tấm lòng bao dung, sẻ chia của những chủ nhà trọ như cô Chi rất đáng quý, đáng trân trọng.

Bài và ảnh: HỒNG ĐÀO

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/giup-cong-nhan-trut-bot-ganh-lo-20191027211810006.htm