Giúp dân bằng những mô hình kinh tế hiệu quả

Nghệ An có tuyến biên giới đất liền dài hơn 468km, biên giới tuyến biển dài 82km, nằm trên địa bàn 61 xã của 11 huyện, thị xã. Để phát triển kinh tế vùng biên giới, ven biển, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An có những cách làm sáng tạo và phát huy hiệu quả.

Đảng ủy BĐBP tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các huyện, thị xã biên giới, ven biển tổ chức triển khai thành công phong trào bảo vệ an ninh biên giới (ANBG), các mô hình phát triển kinh tế vùng biên rất hiệu quả như: Mô hình kết nghĩa “bản-bản”, “Con nuôi biên phòng”, Đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai”... Đặc biệt, mô hình “Vườn mẫu” được Đồn Biên phòng Ngọc Lâm phối hợp với Hội Nông dân xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương) triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình này, đơn vị đã vận động anh Lương Văn Hoài ở bản Tân Lâm (xã Ngọc Lâm) tổ chức trồng 45 cây ổi, 45 cây táo, 20 cây mít và cây đu đủ trên tổng diện tích 3.700m2 đất của gia đình. Cùng với đó, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm còn hỗ trợ gia đình 3 con lợn đen giống bản địa để phát triển chăn nuôi. Đơn vị còn cử Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng Đội vận động quần chúng trực tiếp theo dõi, hướng dẫn và giúp đỡ gia đình anh Hoài về kỹ thuật chăm sóc cây, con. Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Mới đầu gia đình chưa quen với mô hình "Vườn mẫu" đa canh nên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do nghiên cứu kỹ điều kiện thổ nhưỡng, cùng với việc triển khai đúng kỹ thuật và được chăm sóc đúng cách, sau một năm, mô hình "Vườn mẫu" đã mang lại cho gia đình anh Hoài nguồn thu nhập với số tiền 50 triệu đồng. Đây là số tiền tương đối lớn so với thu nhập của người dân địa phương”.

 Bộ đội Biên phòng giúp nhân dân bản Huội Sơn, xã Tam Hợp (Tương Dương) trồng lúa nước. Ảnh: Hải Thượng.

Bộ đội Biên phòng giúp nhân dân bản Huội Sơn, xã Tam Hợp (Tương Dương) trồng lúa nước. Ảnh: Hải Thượng.

Cùng với các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phong trào xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền ANBG quốc gia cũng được các cấp quan tâm và phát huy hiệu quả. Xã Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) là một trong những địa phương tiêu biểu về thực hiện phong trào này. Ông Lầu Bá Thái, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: “Các bản trên địa bàn xã đều tổ chức tổ tự quản với quân số 3 người/tổ. Ngoài việc thường xuyên nắm chắc tình hình, cung cấp thông tin kịp thời cho chính quyền và lực lượng chức năng, các tổ tự quản của xã còn phối hợp với dân quân và BĐBP tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc. Nhờ thực hiện tốt phong trào này nên trong thời gian qua, địa bàn biên giới của xã bảo đảm an toàn, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên”. Được biết hiện nay, trên các tuyến biên giới của tỉnh Nghệ An đang duy trì hoạt động hiệu quả 84 tổ với 498 người tham gia tự quản đường biên, mốc giới và 716 tổ với gần 4.000 người tự quản an ninh thôn, bản.

Nói về vấn đề này, Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An khẳng định: “Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy BĐBP và cấp ủy, chính quyền các địa phương biên giới, ven biển đã phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả chỉ thị, nghị quyết, đề án, kế hoạch của Trung ương và các cấp trong phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc. Các địa phương cũng đã phối hợp xử lý kịp thời các vụ việc, không để bị động, bất ngờ; đồng thời thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới; công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh đạt kết quả tốt...”.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền các địa phương biên giới, ven biển. BĐBP không những thể hiện rõ vai trò lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, ANBG quốc gia mà còn có những đóng góp rất quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực biên giới, ven biển phát triển. Đặc biệt, những mô hình giúp dân phát triển kinh tế không những trực tiếp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân mà quan trọng hơn là làm thay đổi cách nghĩ trong tổ chức đời sống và sản xuất của nhân dân địa phương; tăng cường đoàn kết, giao lưu, mở rộng hợp tác, góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình và xây dựng đường biên giới hữu nghị với các nước láng giềng...

Bài và ảnh: LÊ ANH TẦN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/giup-dan-bang-nhung-mo-hinh-kinh-te-hieu-qua-647909