Giúp dân thoát nghèo bền vững

Anh Phạm Xuân Quang đan lưới để mưu sinh. Ảnh: KIM CHI

Thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhiều mô hình giảm nghèo phát huy hiệu quả.

Trao “cần câu” cho người nghèo

Mô hình thoát nghèo nhờ ngư cụ được TX Sông Cầu triển khai trong những năm gần đây đã giúp nhiều hộ thoát nghèo. Anh Phạm Xuân Quang (thôn Hòa An, xã Xuân Hòa) thuộc diện cận nghèo, được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua sắm ngư cụ mưu sinh. Từ khi có ngư cụ, anh Quang chủ động công việc đánh bắt hải sản hàng ngày, thu nhập ổn định từ 120.000-300.000 đồng mỗi ngày. Hôm nào gặp cá nhiều, thu nhập từ 500.000- 700.000 đồng. Anh Quang tâm sự: “Đâu ai muốn nghèo mãi, nhưng biển giã thất thường, mình lại thiếu “cần câu” nên khó chồng khó. Mấy năm qua, nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn sắm ngư cụ đánh bắt hải sản, đời sống dần ổn định, gia đình tôi đã thoát diện cận nghèo”. Ông Bùi Minh Quốc, Trưởng thôn Hòa An cho biết toàn thôn có 623 hộ. Những năm qua, nhờ được hỗ trợ vốn mua sắm ngư cụ, bà con ngư dân nghèo có điều kiện đánh bắt hải sản nên thu nhập ổn định. Tỉ lệ hộ nghèo trong thôn nhờ đó đã giảm mạnh. Riêng năm 2019 giảm 18 hộ nghèo, giờ Hòa An chỉ còn hơn 20 hộ nghèo.

Mô hình trồng mía, chăn nuôi dê ở huyện miền núi Sông Hinh cũng đang phát huy tác dụng, giúp hộ nghèo vươn lên. Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Oanh (thôn Tân Yên, xã Ea Ly) không chỉ thoát nghèo mà đã vươn lên trở thành hộ khá từ mô hình này. Chị nói: “Gia đình tôi không có đất sản xuất, nên khó mưu sinh. Từ khi được xã xét cho vay vốn để mua bò giống, tôi vừa chăn bò thuê, vừa chăm bò của gia đình nên cũng tiện. Sau bò sinh bê, nuôi bán có vốn nên gia đình mạnh dạn vay thêm ít nữa để nuôi dê. Hiện nay, gia đình đã có thu nhập ổn định từ đàn dê 19 con này”.

Không chỉ các mô hình giảm nghèo nói trên, thời gian qua tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, dự án để các địa phương hỗ trợ bà con thoát nghèo như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Từ các chính sách, dự án đó, các địa phương, ngành liên quan đã tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng khó khăn, hỗ trợ cho vay vốn, kỹ thuật cho hộ nghèo phát triển sản xuất. Các chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở cho hộ nghèo cũng được quan tâm thực hiện hàng năm và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tiếp tục triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững

Theo ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã cấp 183.967 thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân đang sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn, các xã bãi ngang ven biển; hỗ trợ tiền điện cho hơn 10.000 hộ nghèo; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất cho 5.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Công tác xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo đang được các địa phương triển khai từ nguồn Quỹ Vì người nghèo với 100 nhà, nhờ đó nhiều hộ có thêm cơ hội thoát nghèo.

“Tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2020. Các dự án sẽ được triển khai theo hướng tập trung, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và đi vào những nội dung cụ thể, ưu tiên cho các địa phương có số lượng hộ nghèo đông, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tăng cường phối hợp với Mặt trận và đoàn thể tỉnh, các tổ chức, cá nhân... đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo và các chương trình đảm bảo an sinh xã hội; gắn công tác hỗ trợ vốn tín dụng với việc đào tạo tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, lâm, ngư, dạy nghề tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định thu nhập và thực hiện xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững”, ông Hậu cho biết.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/242031/giup-dan-thoat-ngheo-ben-vung.html