Giúp dân thoát nghèo trên vùng biên Sốp Cộp

Hai chục năm trước, muốn lên huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) là cả hành trình dài đầy khó khăn, bởi vùng đất này được ví như 'nơi con chim bay bạc đầu chưa tới'. Nằm ở hợp lưu của 3 dòng suối: Nậm Lạnh, Nậm Ca và Nậm Ban, với đất đai màu mỡ, trồng gì cũng xanh, nuôi gì cũng được, vậy mà cuộc sống người dân cứ mãi nghèo, mãi buồn.

Khi cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 326 (Quân khu 2) tới đây bám dân, bám bản, chia sẻ khó khăn, truyền thụ kinh nghiệm sản xuất, cuộc sống của người dân mới dần trở nên khấm khá.

Kiên trì bám bản, bám dân

Chuyện cảm động liên quan đến cháu Giàng A Khư, bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp được người dân địa phương nhắc mãi về sự quan tâm của cán bộ, nhân viên Đoàn KTQP 326. Sinh ra không được lành lặn, A Khư bị tật sứt môi hở hàm ếch, dù cháu đã lớn mà gia đình không có điều kiện chữa trị. Thương cảm trước hoàn cảnh trên, Thiếu tá QNCN Đặng Tiến Thảo, nhân viên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3 (Đoàn KTQP 326) đã nhiều lần đến vận động bố mẹ A Khư cho cháu đi phẫu thuật với khoản kinh phí 10 triệu đồng do anh vận động cán bộ, chiến sĩ trong đội ủng hộ. Ngày cho A Khư xuống Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) phẫu thuật, lãnh đạo Đoàn KTQP 326 đã cho xe ô tô đưa A Khư cùng bố và ông nội em lên Hà Nội. Đơn vị cũng cắt cử một nhân viên chăm sóc A Khư suốt dọc đường. Thật may, sau khi nghe nhân viên Đoàn KTQP 326 trình bày hoàn cảnh, lãnh đạo bệnh viện đã miễn viện phí, tặng A Khư thêm tiền tàu xe. Khoản 10 triệu đồng kêu gọi trước đó được tặng lại gia đình A Khư.

 Lớp học xóa mù chữ do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 326 phối hợp tổ chức tại bản Cống, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Lớp học xóa mù chữ do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 326 phối hợp tổ chức tại bản Cống, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Cũng tại Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 3, chúng tôi gặp Thượng úy QNCN Trần Ngọc Thu, nhân viên quân y. Nhìn gương mặt dạn dày sương gió, đôi bàn tay nhiều chai sạn cùng khả năng giao tiếp tốt với bà con vùng biên bằng tiếng dân tộc Mông, Thái, chúng tôi hiểu, các anh đã dành nhiều thời gian để gắn bó với mảnh đất vùng biên này. Anh Thu kể, muốn đồng bào tiến bộ, trước tiên phải vận động đồng bào bỏ các hủ tục, như: Để người mất trong nhà từ 3 đến 4 ngày mới chôn cất; mời thầy cúng mỗi khi có người nhà bị đau ốm thay vì gọi cho các y, bác sĩ hay đưa đến cơ sở y tế, rồi tục tảo hôn diễn ra khá phổ biến... Phải rất kiên trì trong nhiều năm, phải học tiếng của đồng bào để nói với đồng bào thì mới nhận được sự đồng cảm, chia sẻ rồi tin tưởng. Đến nay, các hủ tục trên đã gần như được xóa bỏ. Ngoài ra, Đoàn KTQP 326 còn góp phần vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số đến lớp, tổ chức nhiều lớp xóa mù chữ nhằm giúp thế hệ trẻ có kiến thức làm kinh tế giỏi hơn. Thượng tá Nguyễn Hữu Cảnh, Phó chính ủy Đoàn KTQP 326 cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp và các trường tổ chức được 46 lớp học xóa mù chữ cho 1.093 người dân, vận động 1.655 học sinh bỏ học trở lại trường, hướng dẫn 385 lượt học sinh biết cách ăn ở hợp vệ sinh...”.

Những sáng kiến, mô hình thiết thực

Từng có câu ca nói về vùng đất biên giới rằng: "Bao giờ nước chảy ngược non/ Ðèn không hao bấc để con hết nghèo". Tưởng rằng viễn cảnh đó sẽ khó xảy ra thì nay lại linh nghiệm ở mảnh đất Sốp Cộp nhờ công nghệ bơm VA của Đoàn KTQP 326, đưa "nước ngược non" với khả năng bơm nước lên cao chừng 60m. Đây là kỹ thuật đã được Đoàn KTQP 326 ứng dụng, cải tiến, đưa vào sản xuất và "chuyển giao công nghệ" cho người dân trong mấy năm qua. Đứng bên dòng suối Nậm Lạnh, nơi đặt chiếc bơm VA của mình mới được các nhân viên thuộc Đoàn KTQP 326 lắp đặt, anh Huỳnh Văn Công, 35 tuổi (xã Nậm Lạnh) không giấu được niềm vui. Trước đây, mấy sào nương trồng cây ăn quả của anh Công đều phụ thuộc vào thời tiết nên cho năng suất không cao. Từ khi có bơm VA với công suất 100m3 nước/ngày đêm, anh Công đã quyết định đào hai chiếc ao trên đỉnh đồi, mỗi ao 500m2 để trữ nước. “Tôi đang học cách nuôi cá trắm đen. Kiến thức, kỹ thuật nuôi, cách chế biến thức ăn do cán bộ của Đoàn KTQP 326 chỉ dạy”, anh Công vui mừng nói.

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng doanh trại, Trung tá Nguyễn Thành Đông, Giám đốc Xí nghiệp 26 (Đoàn KTQP 326) giới thiệu những vườn ươm cây dược liệu mà đơn vị đang trồng thí điểm. Ngoài mảng dược liệu, đơn vị còn nhiều loại cây ăn trái "hàng độc" như nhãn chín muộn, ổi nữ hoàng, chanh leo siêu ngọt. Trung tá Nguyễn Thành Đông cho biết: “Những năm qua, Xí nghiệp 26 đã tự huy động nguồn vốn để làm các mô hình thử nghiệm. Một số mô hình đã cho thấy hiệu quả cao, được nhiều bà con vùng biên đến học hỏi, áp dụng. Mô hình trồng cây dược liệu được chúng tôi kỳ vọng cao, mong rằng sẽ là giải pháp kinh tế hiệu quả cho bà con nơi đây trong thời gian tới”.

Từ Hà Nội đến huyện vùng biên này, nay chỉ mất chừng 10 tiếng chạy xe, hàng hóa sẽ được lưu thông nhanh chóng, sự chuyển mình của Sốp Cộp vì thế cũng sẽ có bước tiến mạnh mẽ. Với lợi thế sẵn có, với sự kiên trì, sáng tạo của Bộ đội Cụ Hồ nơi biên cương, chắc chắn sẽ có thêm nhiều quả đồi xanh mướt, trĩu quả cùng những ngôi nhà mới khang trang mọc lên trên vùng đất này.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giup-dan-thoat-ngheo-tren-vung-bien-sop-cop-662010