Giúp dân vượt qua thiên tai

Từ lâu, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã in sâu trong trái tim người dân ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Trong ngày lũ lụt, hình ảnh ấy càng trở nên đậm nét. Vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, những người lính mang quân hàm xanh đã tận tụy bám địa bàn, giúp dân vượt qua thiên tai.

 Dù đã nhận quyết định điều động công tác nhưng Đại úy Nguyễn Văn Bằng (đứng ngoài cùng, bên trái) vẫn nán lại cùng đồng đội giúp dân vượt qua mưa lũ

Dù đã nhận quyết định điều động công tác nhưng Đại úy Nguyễn Văn Bằng (đứng ngoài cùng, bên trái) vẫn nán lại cùng đồng đội giúp dân vượt qua mưa lũ

Những ngày này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo hiếm có thời gian ngơi nghỉ. Bất kể ngày đêm, mưa gió, họ căng mình làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; di dời, sơ tán người dân cùng tài sản lên khu vực an toàn; lo lắng cho từng bữa ăn, giấc ngủ của bà con… Thiếu tá Ngô Quang Thuyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo kể, tối 3/9/2019, các cán bộ, chiến sĩ của đồn chia làm 5 tổ về địa bàn bị ngập lụt nặng thuộc các thôn của thị trấn Lao Bảo gồm: Vĩnh Hoa, Ka Túp, Duy Tân, An Hòa, Đông Thành… để làm nhiệm vụ. Thấy nước lên nhanh, suốt đêm ấy, các cán bộ, chiến sĩ đã thức trắng phối hợp với chính quyền và lực lượng chức năng địa phương sơ tán gần 500 hộ dân với hàng nghìn người cùng tài sản của bà con đến nơi an toàn. “Sáng ra, ai nấy đều mệt lả. Thế nhưng, anh em vẫn nỗ lực tiếp tục làm nhiệm vụ, luôn có mặt khi bà con trên địa bàn cần. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là giữ được sự an toàn cả về tính mạng và tài sản của người dân”, Thiếu tá Thuyên chia sẻ.

Công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vốn đã quá quen với thiên tai, lũ lụt nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay vẫn không cho phép mình lơ là trong quá trình làm nhiệm vụ, ứng trực 24/24 giờ. Ngay ngày đầu nhận thông tin về việc áp thấp nhiệt đới có thể gây ra mưa lớn kéo dài, lãnh đạo đồn đã nhóm họp cán bộ, chiến sĩ để phân công nhiệm vụ cụ thể. Theo dõi tình hình, thấy mưa lớn làm chia cắt những tuyến đường trên địa bàn xã A Bung và A Ngo, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng về cơ sở, chốt chặn tại các ngầm tràn để ngăn người qua lại, đảm bảo an toàn; vận động dân bản không ra sông vớt củi, bắt cá; giúp bà con chằng chống nhà cửa, sẵn sàng phòng chống thiên tai… Cũng như đồng đội của mình, Đại úy Nguyễn Văn Bằng luôn ở tư thế sẵn sàng hỗ trợ người dân. Ít ai biết, Đại úy Bằng nhận quyết định điều động công tác từ ngày 29/8/2019. Thế nhưng nhưng, anh vẫn nán lại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế La Lay để tham gia chuyến tuần tra biên giới đúng vào ngày Quốc khánh 2/9, rồi sau đó tiếp tục cùng các cán bộ, chiến sĩ trong đồn ứng trực để phòng chống thiên tai. “5 năm gắn bó với mảnh đất này, mình làm sao nỡ ra đi khi đồng đội và dân bản đang căng sức phòng chống mưa lũ. Chỉ mong trời quang, mây tạnh sớm, lúc đó mình chia tay đơn vị, chia tay dân bản ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới sẽ nhẹ nhàng hơn”, Đại úy Bằng bộc bạch.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, những ngày qua, mưa lớn kéo dài xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh, có nơi lượng mưa đo được trên 800 mm. Mưa lớn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bà con ở huyện Hướng Hóa và Đakrông. Nước sông, suối dâng cao khiến hàng trăm ngôi nhà ở hai huyện vùng cao phía tây tỉnh Quảng Trị bị ngập lụt. Mưa to, gió lớn cũng khiến hàng nghìn héc ta lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng, gãy đổ. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch… hư hại trong sự bất lực của người dân. Do nước sông, suối dâng cao và sạt lở đất nên nhiều tuyến đường trên địa bàn bị chia cắt. Một số thôn, bản của huyện Hướng Hóa và Đakrông bị cô lập hoàn toàn. Đó cũng chính là nỗi trăn trở của những người lính biên phòng vốn gắn bó với miền biên viễn.

Ngay những ngày đầu xảy ra mưa lớn trên địa bàn tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trên hai tuyến biên giới và lực lượng cơ động nhanh chóng triển khai phương châm “4 tại chỗ” gồm: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ cùng với 10 ca nô, xuồng đã được huy động đến vùng xung yếu để phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền, vận động, đưa người dân, tài sản lên vị trí tránh trú an toàn. Cùng với đó, các cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ phối hợp san lấp đất đá, dọn dẹp cây cối trên các trục đường bị sạt lở; hỗ trợ mì ăn liền, gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân vùng bị ngập lụt; túc trực 24/24 giờ tại các khu vực bị sạt lở, ngập nước để thông báo cho người dân…

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng trên địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông đều căng sức làm nhiệm vụ. Không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, các cán bộ, chiến sĩ về từng thôn, bản, đặc biệt là khu vực xung yếu để kịp thời hỗ trợ người dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã thức trắng đêm, dầm mình trong mưa gió để đưa người dân địa phương và tài sản của bà con đến nơi an toàn; trực chốt tại các cầu tràn để làm nhiệm vụ cảnh báo; mang từng két mì ăn liền đến với người dân ở tại nơi sơ tán hoặc trong vùng ngập lụt… Ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, một số cán bộ, chiến sĩ đã nhiều đêm thức trắng. Nỗ lực, tấm lòng ấy được chính quyền và người dân địa phương rất ghi nhận. Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, nếu thiếu sự vào cuộc đầy trách nhiệm, nghĩa tình của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, chính quyền và người dân địa phương có lẽ khó xoay xở kịp trước những diễn biến phức tạp, khó lường của mưa lũ. “Các cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn có mặt khi người dân cần, đặc biệt là những lúc khó khăn, hoạn nạn”, ông Dũng khẳng định.

Theo Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, ngay khi nhận thông tin về tình hình áp thấp nhiệt đới có thể gây ra mưa lớn trên diện rộng, lũ lụt, Bộ Chỉ huy đã yêu cầu lãnh đạo các đồn, đặc biệt là trên địa bàn hai tuyến biên giới tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo, duy trì trực ban nghiêm túc, thực hiện nhanh, quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai có thể xảy ra. Điều đáng ghi nhận là cán bộ, chiến sĩ các đồn đều làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, kịp thời hỗ trợ người dân. Nếu không gắn bó với bản làng vùng cao, xem người dân như anh em ruột thịt, có lẽ các cán bộ, chiến sĩ khó làm tròn nhiệm vụ. “Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trực tiếp đến các địa phương của huyện Hướng Hóa và Đakrông để nắm bắt tình hình và gặp gỡ, động viên anh em vượt qua khó khăn, làm tốt nhiệm vụ. Theo ghi nhận, những ngày qua, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng công tác tại huyện Hướng Hóa và Đakrông đều duy trì nghiêm túc chế độ trực 24/24 giờ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thức trắng, dầm mình trong mưa lũ để hỗ trợ người dân. Để hỗ trợ người dân vùng bị ngập lụt, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã huy động thêm lực lượng, phương tiện cho các địa bàn xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao”, Đại tá Lê Văn Phương cho biết.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=142065