Giúp đỡ người dân vùng bão lũ sớm ổn định cuộc sống

Ngày 13/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng phát động, kêu gọi ủng hộ để giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Kêu gọi ủng hộ người dân cả vật chất và tinh thần

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh tham gia ủng hộ. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh tham gia ủng hộ. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Ngày 13/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng phát động, kêu gọi ủng hộ để giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng Vũ Đình Quang, thời gian qua, tỉnh có mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng. Bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh, Thạch An và thành phố Cao Bằng. Đến ngày 13/9, mưa lũ đã khiến 54 người chết và mất tích, 15 người bị thương; 1.740 ngôi nhà bị thiệt hại; gần 1.850 ha lúa, hoa màu bị ngập; hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều khu vực dân cư chia cắt, cô lập; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc... bị hư hỏng nặng nề.

Đại diện các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Đại diện các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn lực, khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, chăm sóc sức khỏe, ổn định đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã nỗ lực giúp đỡ người dân vùng thiên tai. Tuy nhiên vẫn còn hàng nghìn người dân, hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, đời sống gặp nhiều khó khăn do nhà ở bị hư hỏng, thiếu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là ở vùng sâu, vùng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ, động viên, hỗ trợ về tinh thần và vật chất.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng (Khu đô thị mới, Km5, phường Để Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) tiếp nhận đóng góp, ủng hộ qua Tài khoản tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Cao Bằng, mã Kho bạc 2361. Tên tài khoản: Quỹ Cứu trợ tỉnh Cao Bằng, số tài khoản: 3761.0.9109404.91049; tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh tỉnh Cao Bằng, tên tài khoản: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cao Bằng, số tài khoản: 8300.3333.8.5555. Nội dung chuyển tiền đề nghị ghi rõ: Tên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân; nội dung ủng hộ “Ủng hộ nhân dân tỉnh Cao Bằng khắc phục hậu quả thiên tai”. Thời gian tiếp nhận ủng hộ từ ngày 10/9 đến ngày 30/10.

Đại diện doanh nghiệp tham gia ủng hộ. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Đại diện doanh nghiệp tham gia ủng hộ. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Từ ngày 10-13/9, Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận ủng hộ 12,8 tỷ đồng; 20 tấn gạo; trên 2.000 thùng mì tôm; 20 tấn hàng nhu yếu phẩm. Ủy ban MTTQ tỉnh đã phân bổ hỗ trợ tới gần 1.000 hộ ở 4 huyện Nguyên Bình, Hà Quảng, Quảng Hòa, Bảo Lạc; hỗ trợ các nạn nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện; người tử vong do thiên tai…

Những đóng góp của cộng đồng xã hội thực sự là nguồn lực cần thiết, góp phần giúp đỡ nhân dân tỉnh Cao Bằng khắc phục hậu quả thiên tai. Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng cam kết sẽ tham mưu, phối hợp, phân bổ kịp thời đúng đối tượng để nhân dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Quảng Bình hỗ trợ Quảng Ninh khắc phục lưới điện

Các công nhân, kỹ sử Điện lực Quảng Bình kiểm tra, chuẩn bị phương tiện, thiết bị, vật tư trước khi lên đường tham gia hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát

Các công nhân, kỹ sử Điện lực Quảng Bình kiểm tra, chuẩn bị phương tiện, thiết bị, vật tư trước khi lên đường tham gia hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát

Đội xung kích Công ty Điện lực Quảng Bình với gần 50 thành viên là kỹ sư, công nhân lành nghề, có sức khỏe và nhiều kinh nghiệm khắc phục sự cố lưới điện do thiên tai, cùng đầy đủ các phương tiện, thiết bị, vật tư và 3 xe nâng cẩu, máy phát điện, đã lên đường đến Quảng Ninh để hỗ trợ, giúp đỡ khắc phục thiệt hại do bão số 3.

Trước giờ xuất phát, ông Hoàng Hiếu Trung, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình đã động viên các cán bộ, kỹ sư, công nhân của đội giữ gìn sức khỏe, đặc biệt chú trọng đến an toàn lao động trong quá trình công tác. Ông mong muốn cán bộ, kỹ sư, công nhân phát huy kinh nghiệm và bản lĩnh của những “người lính áo cam”; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tại hiện trường, đoàn kết, đồng tâm hợp lực, hỗ trợ nhau để nhanh chóng khôi phục lưới điện, phục vụ việc cấp điện lại ở vùng bị ảnh hưởng của mưa bão, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Hoàng Chiến Sinh, Giám đốc Xí nghiệp Lưới điện Cao thế, Đội trưởng Đội xung kích Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết: Các thành viên trong đội, với tinh thần quyết tâm cao, tự chủ tự động, phối kết hợp chặt chẽ với đơn vị điện lực của tỉnh Quảng Ninh, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhanh chóng cấp điện lại cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng và đảm bảo an toàn cao nhất.

Đội xung kích cùng phương tiện, thiết bị, vật tư và 3 xe nâng cẩu, máy phát điện của Công ty Điện lực Quảng Bình tham gia hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát

Đội xung kích cùng phương tiện, thiết bị, vật tư và 3 xe nâng cẩu, máy phát điện của Công ty Điện lực Quảng Bình tham gia hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN phát

Nhằm chung tay chia sẻ khó khăn với người dân các tỉnh, thành phố phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Công ty Điện lực Quảng Bình đã kêu gọi cán bộ, công nhân viên quyên góp ủng hộ 1 ngày lương. Đến ngày 12/9, tổng số tiền quyên góp ủng hộ 100 triệu đồng của các cá nhân, tập thể đơn vị đã được lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Bình trao đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình.

Cùng với Đội xung kích của Công ty Điện lực Quảng Bình, 5 đội xung kích khác đến từ các Công ty Điện lực khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng đã được huy động để lên đường tiếp sức, hỗ trợ khắc phục lưới điện tại các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra

Thái Bình chủ động phòng, chống dịch bệnh sau bão

Ngành Y tế tỉnh Thái Bình thông báo đến sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thành phố và đơn vị liên quan tăng cường phối hợp phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm và đảm bảo khám, chữa bệnh sau bão.

Sở Y tế tỉnh Thái Bình yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình rà soát, phân tích, đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những nơi bị ảnh hưởng nặng bởi mưa bão, khu vực ngập lụt và xây dựng phương án đáp ứng theo các tình huống cụ thể. Đồng thời chủ động dự trù, tiếp nhận, phân bổ thuốc, hóa chất và các sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau bão, lũ...

Trung tâm Y tế huyện, thành phố đảm bảo cung cấp hóa chất vệ sinh môi trường, hóa chất xử lý nước sạch hộ gia đình cho các khu vực bị ngập lụt, khu vực bị tạm dừng cung cấp nước sạch nhiều ngày do ảnh hưởng của bão. Cùng với đó là giám sát, phát hiện, xử lý sớm ca mắc, ổ dịch bệnh truyền nhiễm, vụ việc về ngộ độc thực phẩm tại cơ sở y tế và cộng đồng; chủ động triển khai và thực hiện phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng điều kiện cần thiết để đảm bảo công tác điều trị bệnh truyền nhiễm trong mùa mưa bão, điều trị ngộ độc thực phẩm; thực hiện điều trị tích cực, chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tối đa ca bệnh diễn biến nặng, không để bệnh nhân tử vong…

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là các loại hình sản xuất kinh doanh có nguy cơ mất an toàn thực phẩm sau bão.

Các sở, ban, ngành chỉ đạo cơ quan, đơn vị thông tin kịp thời, chính xác đến cơ quan y tế về ca nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, ngộ độc thực phẩm; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình chỉ đạo các đơn vị thú y và liên quan tăng cường chỉ đạo, triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở động vật có khả năng lây truyền sang người như cúm gia cầm, liên cầu lợn, dại và gây mất an toàn thực phẩm; phối hợp và chia sẻ thông tin với ngành Y tế trong giám sát, phòng ngừa, xử lý mất an toàn thực phẩm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, Thái Bình có mưa lớn diện rộng gây ra ngập lụt nhiều nơi làm cho các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh...

Chu Hiệu, Võ Dung, Vũ Quang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/giup-do-nguoi-dan-vung-bao-lu-som-on-dinh-cuoc-song-20240913150716028.htm