Giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng

'Cho đến bây giờ, tôi vẫn ấn tượng khi nói về gói vay Giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Đức Trọng, vì đúng như mọi người vẫn nói: Một miếng khi đói bằng một gói khi no', ông Nguyễn Ngọc Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy (Lado Taxi, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Đồng, Giám đốc Công ty Lado Taxi nói về hiệu quả tích cực của nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Ngọc Đồng, Giám đốc Công ty Lado Taxi nói về hiệu quả tích cực của nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp

Trong gói vay này, Công ty Lado Taxi được Ngân hàng CSXH huyện Đức Trọng giải ngân gần 2,7 tỷ đồng, chia làm 3 đợt, mỗi đợt khoảng 900 triệu đồng. Công ty Lado Taxi đã chia đều, chia đủ cho tất cả nhân viên, mỗi người gần 3 triệu đồng để chi trả tiền ăn uống, phòng trọ, chăm lo việc học hành của con cái. “Hai năm đại dịch COVID-19 (2020 - 2021), không riêng gì Lado Taxi, mà hầu hết các hãng taxi, các doanh nghiệp trên cả nước rất khó khăn. Nhận gói vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Đức Trọng, Lado Taxi như được sống lại”, ông Nguyễn Ngọc Đồng cho biết. Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Lado Taxi có mặt ở 5 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng. Trong bão dịch, Lado Taxi chỉ duy trì hoạt động với công suất 50% ở tỉnh Bình Định và Lâm Đồng, còn các tỉnh khác là ngưng hoạt động, không có doanh thu. “Thời điểm đó, Lado Taxi gặp rất nhiều khó khăn. Lado Taxi đã huy động tới nguồn vốn của bà con, người thân... chỉ chủ yếu là để nuôi nhân viên, cán bộ văn phòng. Nếu Nhà nước không kịp thời kiểm soát được dịch COVID-19, có khi là Lado Taxi đã phá sản”, Giám đốc Công ty Lado Taxi Nguyễn Ngọc Đồng nói thêm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đồng, khoảng 2,7 tỷ đồng là số tiền không lớn nhưng ở thời điểm tháng 6 và tháng 7/2021 thì đúng như mọi người vẫn thường nói: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. “Phải nói rằng, mọi người đều vui mừng vì đã vay được vốn để nuôi sống gia đình và trả tiền phòng trọ. Trước đó, ở địa bàn huyện Đức Trọng, Lado Taxi đã phải cắt giảm lương 70% đối với nhân viên văn phòng, trong khi nhân viên kinh doanh chạy taxi ngoài đường cũng chỉ được tạm ứng lương”, bà Phan Thị Ái Liên, Phụ trách Phòng Tổng đài Công ty Lado Taxi tâm sự. Giám đốc Công ty Lado Taxi Nguyễn Ngọc Đồng cho hay, từ khi tiếp cận nguồn vốn vay cho đến khi được giải ngân, chưa đầy 10 ngày. “Mọi thủ tục vay vốn đều được Ngân hàng CSXH huyện Đức Trọng giải quyết rất nhanh”, ông Nguyễn Ngọc Đồng nói. Lado Taxi hiện dao động khoảng 570 người. Tại địa bàn huyện Đức Trọng 250 - 270 người và địa bàn TP Đà Lạt 300 người.

Nói về gói vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Đức Trọng để sửa sang lại nhà trẻ, mua sắm thêm đồ chơi cho trẻ, thiết bị máy hấp tiệt trùng khăn, ly, chén, bát... phục vụ trẻ ăn uống, cũng như làm sân chơi sạch sẽ cho trẻ, bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Chủ Nhóm trẻ An Nhiên (thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) cho rằng rất hữu ích và kịp thời. Bà Nguyễn Thị Bích Thảo xúc động: “Nhóm trẻ An Nhiên mới thành lập thì phải tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Với những cơ sở trẻ mầm non tư thục như An Nhiên, nếu không có sự quan tâm của Nhà nước thì rất dễ đứt vốn. 80 triệu đồng vốn vay từ chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cơ sở chúng tôi rất nhiều trong việc tái đầu tư cơ sở vật chất”.

Đại diện Ngân hàng CSXH huyện Đức Trọng cho biết thêm: “Ngay sau khi được phân bổ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, đơn vị đã nhanh chóng giải ngân cho các đối tượng được thụ hưởng, góp phần kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 có nguồn vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh”. Ông K’Phán, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất rau hoa công nghệ cao xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) cho biết: “Tôi rất phấn khởi đã vay được 60 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để mua thêm giống, tái sản xuất và đầu tư mua hệ thống béc tưới cây tự động”. Theo bà Nguyễn Thị Kim Chung, Chủ cơ sở sợi phở khô ở thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát như hiện nay, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH thực hiện theo Nghị quyết 11 của Chính phủ là nguồn lực tích cực, tiếp thêm sức mạnh tài chính để doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế. “Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 40 triệu đồng, tôi có thêm điều kiện để mua gạo dự trữ, cũng như chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Kim Chung khẳng định.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202206/20-nam-trien-khai-nghi-dinh-78-cua-chinh-phu-ve-tin-dung-chinh-sach-giup-doanh-nghiep-vuot-qua-khung-hoang-3123010/