Giúp đồng bào biên giới ổn định cuộc sống

Thực hiện tốt phương châm 'ba bám, bốn cùng' cho nên những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 455 km đường biên giáp hai nước: Lào, Trung Quốc, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, mà còn góp phần quan trọng giúp nhân dân thuộc 16 dân tộc ở 29 xã biên giới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Bởi vậy, với đồng bào vùng cao biên giới tỉnh Điện Biên, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều gần gũi, thân thiết như những người con của bản làng…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia đến đồng bào khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng tuyên truyền Luật Biên giới quốc gia đến đồng bào khu vực biên giới.

Thực hiện tốt phương châm “ba bám, bốn cùng” cho nên những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 455 km đường biên giáp hai nước: Lào, Trung Quốc, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, mà còn góp phần quan trọng giúp nhân dân thuộc 16 dân tộc ở 29 xã biên giới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Bởi vậy, với đồng bào vùng cao biên giới tỉnh Điện Biên, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều gần gũi, thân thiết như những người con của bản làng…

“Dân bản thoát nghèo nhờ bộ đội biên phòng”

Đây là những lời tâm sự từ gan ruột của các trưởng bản và bà con dân tộc thiểu số (DTTS) trên tuyến biên giới thuộc các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên, mà chúng tôi đã được nghe trong nhiều chuyến công tác về cơ sở. Như chuyện ông Chang Chùy Cà (Trưởng bản Sen Thượng); ông Pờ Toán Hừ (Trưởng bản Long San)… xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, đã kể về công sức, tâm huyết cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Sen Thượng đã giúp dân bản làm nhà, phát triển chăn nuôi, khai hoang mở rộng diện tích sản xuất trên đất dốc. “Không phải chỉ một hay vài gia đình mà cả bản Tả Ló San biết phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò là nhờ BĐBP đấy” - ông Chảo Sinh Chừ ở bản Tả Ló San phấn khởi khoe khi được hỏi về đàn trâu, bò của bản. Rồi ông Chừ kể, trước năm 2010 dân bản Tả Ló San còn lạ lẫm với cách nuôi nhốt, dự trữ thức ăn cho gia súc bởi bao đời nay cái quan niệm “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” đã ăn sâu trong suy nghĩ người Hà Nhì ở nơi này. Do vậy việc chăn nuôi cũng phụ thuộc thiên nhiên; năm nào thời tiết khắc nghiệt, có dịch bệnh thì năm đó trâu, bò cả bản chết một lượt chứ không riêng nhà nào. Song từ khi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng hướng dẫn bà con cách dự trữ thức ăn, hạn chế thả rông trong rừng và định kỳ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc thì đàn trâu, đàn bò của bản tăng đều. Từ 75 con giống (trâu, bò) được cấp trong các chương trình: 30a, 135 và xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn xã Sen Thượng đã có gần 1.000 con trâu, bò; nhiều gia đình thoát nghèo, có kinh tế khá nhờ phát triển chăn nuôi trâu, bò, như các ông: Lỳ Khò Chừ (bản Tả Ló San) có 15 con; Chảo Sinh Chừ (bản Tả Ló San) có 40 con bò; ông Lỳ Ha Hừ (bản Sen Thượng) có 11 con. Từ cách chăn nuôi trâu, bò hiệu quả, người Hà Nhì ở xã Sen Thượng đã tự tin học hỏi thêm cách chăn nuôi dê, đào ao thả cá để cải thiện cuộc sống của gia đình và phục vụ bà con dân bản.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Kè hướng dẫn dân bản cấy lúa.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Kè hướng dẫn dân bản cấy lúa.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sen Thượng còn vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ độc canh cây lúa trên nương sang cấy lúa nước, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao, như: cà-phê, mắc ca… Đồn Biên phòng Sen Thượng đã vận động nhân dân không chặt phá rừng làm nương, tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nâng tổng diện tích tự nhiên toàn xã lên hơn 17 nghìn ha; có nước nhờ giữ rừng, bà con xã Sen Thượng khai hoang được 25 ha ruộng trồng lúa nước hai vụ; khai hoang thêm 5 ha trồng ngô, rau xanh, nhờ đó đời sống người Hà Nhì ở vùng biên đã cải thiện rõ rệt. Chủ tịch UBND xã Sen Thượng Chang Phạ Giá, cho biết: Các bản vùng biên giờ cũng có ao cá, vườn rau quanh năm xanh tốt; bà con dùng xe máy đi nương, dùng ô-tô chở trâu, bò về thành phố bán. Tự chủ với cuộc sống của mình, người Hà Nhì ở Sen Thượng còn biết góp vốn là quyền sử dụng đất cùng doanh nghiệp trồng cây mắc ca; thí điểm trồng cây sa nhân tím, với tổng diện tích gần 1.000 ha. “Tất cả những thành quả đó đều có công sức của BĐBP; nhờ các anh BĐBP vận động, hướng dẫn, bà con dân bản đã “sáng con mắt” và biết cách làm theo khoa học kỹ thuật chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm người này truyền sang người khác như trước nữa!” - ông Chang Phạ Giá khẳng định.

Còn với bà con dân tộc Dao ở bản Huổi Thanh 1, ở xã biên giới Nậm Kè (huyện Mường Nhé) thì câu chuyện về ruộng lúa hai vụ mà bộ đội Đồn Biên phòng Nậm Kè triển khai từ năm 2018 đến nay vẫn còn nguyên tính “thời sự”. Bởi khi đi ruộng hay ở nhà thì người Huổi Thanh 1 đều nhắc chuyện “ruộng mẫu” của BĐBP. Chuyện bắt đầu từ ngày cuối tháng 10 năm 2018 khi lúa vụ mùa mới nằm gọn trong bồ thì dân bản Huổi Thanh 1 đã nghe cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Kè vận động làm đất để cấy vụ đông xuân, khiến không ít người hồ nghi. Ngay ông Bàn Văn Hoại, Trưởng bản Huổi Thanh 1 cũng rất băn khoăn: “Ruộng gần rừng lạnh lắm, cây lúa không sống được mùa đông đâu (vụ đông xuân)”, nhưng rồi vì tin tưởng, quý mến BĐBP cho nên ông Hoại đã tiên phong đăng ký thực hiện mô hình. Để rồi theo gương ông Hoại bốn gia đình khác cùng bản đã đăng ký góp 15.000 m2 tham gia mô hình. Ròng rã suốt bốn tháng liền, hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ được cử thực hiện mô hình đã mải miết trên các thửa ruộng như những nhà nông thực thụ. Bắt đầu từ khâu làm đất, gieo mạ, cấy lúa, rồi làm cỏ, bón phân… từng công đoạn đều do BĐBP làm mẫu rồi sau đó lại tỉ mẩn hướng dẫn bà con. Ngày bộ đội thu thóc về chia cho từng nhà có người còn ngạc nhiên, bởi chưa vụ nào lúa ở Huổi Thanh 1 lại được mùa như thế.

Kể về quãng thời gian triển khai mô hình, Đại úy Đặng Văn Toan, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nậm Kè, cho biết: Với tinh thần “giúp dân, làm cho dân tin”, cán bộ, chiến sĩ đã không quản khó khăn khi thực hiện mô hình “cấy lúa ruộng hai vụ” làm mẫu cho nhân dân. Theo cách làm “cầm tay chỉ việc”, vụ thí điểm đầu tiên (đông xuân 2018) cán bộ, chiến sĩ đồn Nậm Kè đã thực hiện gần 130 ngày công chăm sóc và thu hoạch lúa; từ chín triệu đồng đầu tư giống, phân bón đến khi thu hoạch cho năng suất gần năm tấn thóc (trị giá 28,8 triệu đồng). Sau thành công đó, vụ đông xuân năm 2020 đã có thêm hàng chục gia đình các dân tộc: Thái, Cống, H’Mông, Dao thuộc sáu bản ở Nậm Kè đăng ký trồng thêm lúa vụ đông xuân, mở rộng diện tích cấy lúa hai vụ trong xã thêm hơn 10 ha. Nhờ nguồn thu tăng thêm từ lúa ruộng, người dân Nậm Kè đã yên tâm sinh sống, không còn tư tưởng di cư đi nơi khác như trước nữa; tình hình an ninh trật tự, tội phạm ma túy, tuyên truyền đạo trái pháp luật cũng giảm rõ rệt.

Nhiều mô hình vận động vì dân

Trao đổi về nhiệm vụ giúp nhân dân biên giới ổn định cuộc sống, Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên, cho biết: Quán triệt quan điểm “Dân vững biên giới vững”, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh luôn chú trọng thực hiện các mô hình giúp nhân dân biên giới phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Với mô hình “Cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã biên giới”, từ năm 1999 đến nay, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã tăng cường hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ về 29 xã biên giới làm Phó Bí thư Đảng ủy xã và hỗ trợ các xã biên giới xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chống di dịch cư tự do; hiện trong số 37 đồng chí được tăng cường về 29 xã biên giới có 29 đồng chí được tín nhiệm bầu Phó Bí thư Đảng ủy xã. Mô hình “Kết nghĩa hai bên biên giới” được triển khai đã tám năm, đến nay các đồn biên phòng trong tỉnh đã tổ chức lễ kết nghĩa tại chín cặp cụm dân cư trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc (một cặp), biên giới Việt Nam - Lào (tám cặp). Với nhiệm vụ giúp đỡ bốn xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải, theo quyết định của UBND tỉnh, từ năm 2017 đến nay các đồn: A Pa Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn đã giúp bà con nhân dân trong khu vực 1.115 ngày công lao động sản xuất, tu sửa 53 km đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân trồng rừng, khai hoang phục hóa 75 ha; giúp 93 hộ dân trên địa bàn bốn xã thoát nghèo. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đồn còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân tổ chức thăm hỏi, tặng 2.735 suất quà (trị giá hơn 659 triệu đồng) động viên hộ nghèo, gia đình chính sách trong các dịp lễ, Tết; huy động 1,4 tỷ đồng làm 13 phòng học mới tại các xã: Chung Chải, Sen Thượng.

Từ năm 2005, đến nay mô hình “Thầy thuốc quân hàm xanh” của BĐBP Điện Biên góp phần quan trọng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên khu vực biên giới. Trong công tác chuyên môn, cán bộ quân y các đồn chủ động hỗ trợ y tế xã trên địa bàn đóng quân xây dựng kế hoạch hoạt động theo tháng, quý; phối hợp trung tâm y tế tuyến huyện, y tế xã, bản, lồng ghép thực hiện có hiệu quả các nội dung chương trình y tế quốc gia. Đặc biệt với việc duy trì bốn trạm “Quân dân y kết hợp” tại các xã: Sín Thầu (huyện Mường Nhé), Vàng Đán (huyện Nậm Pồ), Mường Lói (huyện Điện Biên) và một trạm tại huyện Phôn Thoong (Lào), lực lượng quân y BĐBP Điện Biên đã thực hiện tốt mục tiêu phòng và chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới và nhân dân nước bạn Lào, giúp đồng bào nâng cao nhận thức về sức khỏe, các gia đình có người ốm đau, bệnh tật đều đưa đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh chứ không để ở nhà cúng bái như trước. Cũng nhờ có sự hỗ trợ của BĐBP nhiều ca nguy hiểm ở biên giới Mường Nhé, huyện Điện Biên được cứu kịp thời, như trường hợp sản phụ Vàng Thị Nhìa ở xã Na Tông, huyện Điện Biên. Chiều ngày 27-2, khi được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã sinh nở thì sản phụ Nhìa vỡ ối trên đường - nơi bìa rừng, cách trạm y tế gần 20 km. Nhận tin báo, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Nhà đã khẩn trương cùng cán bộ y tế xã đến tận nơi cấp cứu, hỗ trợ chị Nhìa được mẹ tròn con vuông…

Điểm thêm kết quả các mô hình, chương trình khác, như: Hũ gạo chiến sĩ, Con nuôi đồn biên phòng, Nâng bước em đến trường… Đại tá Nguyễn Thanh Dịu đánh giá, mỗi mô hình một cách làm khác, song đều hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc. Bằng những việc làm, hành động cụ thể, BĐBP Điện Biên đã góp phần quan trọng giúp người dân thuộc 16 dân tộc trong 29 xã biên giới thuộc bốn huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên xóa đói giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đã, đang triển khai trên địa bàn. Như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có sáu trong 29 xã biên giới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: Thanh Chăn, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa (huyện Điện Biên); xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ); xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) và một xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới là xã Mường Mươn (huyện Mường Chà). Tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực biên giới giảm còn 46,86%; điện lưới quốc gia được kéo về 258 trong số 312 bản và 294 trong số 312 bản đã có sóng điện thoại di động… Đời sống mọi mặt được nâng lên, đồng bào DTTS vùng biên giới ngày càng tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và BĐBP; thế trận lòng dân ngày càng vững chắc làm tiền đề cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh, để Điện Biên luôn xứng đáng là vùng phên giậu vững chắc ở phía tây của đất nước.

Bài và ảnh: Lê Lan

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43463302-giup-dong-bao-bien-gioi-on-dinh-cuoc-song.html