Giúp học sinh hình thành văn hóa giao thông
Thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Hiện tượng học sinh sử dụng phương tiện giao thông cá nhân không đúng quy định còn phổ biến. Số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh chưa có dấu hiệu giảm, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Tại Hà Nội, trong tháng 10 vừa qua - tháng cao điểm xử lý học sinh vi phạm pháp luật về giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã xử lý 7.614 trường hợp vi phạm thuộc nhóm lứa tuổi học sinh, tạm giữ 3.495 phương tiện; xử lý 453 trường hợp phụ huynh, chủ xe giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển; xác minh và lập danh sách hơn 3.000 trường hợp học sinh vi phạm để gửi thông báo đến Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội... Trên phạm vi cả nước, theo đánh giá của Bộ Công an, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều học sinh thiếu kiến thức về pháp luật giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn; còn thiếu giám sát từ phía gia đình; chưa nghiêm minh trong xử phạt học sinh vi phạm…
Nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 498/TB-VPCP (ngày 1-11-2024) về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm rà soát, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự an toàn giao thông cho học sinh các cấp; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, chính quyền địa phương, gia đình để quản lý học sinh trong việc chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông...
Chúng ta cần nhớ rằng, trước khi có Thông báo số 498/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 31/CT-TTg (ngày 21-12-2023) về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới. Chỉ thị này đã nhấn mạnh đến việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.
Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần lập lại an toàn giao thông trước cổng các trường học, cũng như bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông, thời gian tới, các địa phương cần tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, như: Điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông; chạy xe dàn hàng ngang, đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng trên đường; tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép...
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của phụ huynh và học sinh, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật và kéo giảm các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với học sinh.
Các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các trường học thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Sự phối hợp này phải được mở rộng tới phụ huynh, nhằm nhấn mạnh vai trò của gia đình trong việc giám sát và nhắc nhở con em thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông, qua đó xây dựng thói quen, nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giup-hoc-sinh-hinh-thanh-van-hoa-giao-thong-683707.html