Giúp học viên an tâm cai nghiện
Lực lượng mỏng, cơ sở vật chất thiếu bảo đảm là 2 trong nhiều nguyên nhân khiến học viên cai nghiện gây náo loạn. Trước điều này, nhiều địa phương đã có giải pháp để quản lý tốt hơn
Những ngày qua, vụ gần 200 học viên đập phá, gây náo loạn rồi trốn ra khỏi Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng gióng thêm hồi chuông cảnh báo nhiều bất cập xung quanh việc quản lý cũng như điều kiện ăn ở, làm việc của các học viên tại nhiều nơi trong cả nước.
Buổi chiều sợ hãi
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng, việc bỏ trốn đồng loạt nhen nhóm từ trưa 24-2. Khi đó, khoảng 20 học viên xảy ra mâu thuẫn rồi đánh nhau. Họ được công an mời làm việc nhưng có biểu hiện chống đối.
Khoảng 17 giờ cùng ngày, rất nhiều học viên phá cửa phòng, đập phá một số phòng quản lý, cổng cơ sở rồi chạy ra ngoài, tản ra những con đường nhỏ, ruộng lúa bỏ trốn. Đến tối 27-2, khoảng 100 học viên được tìm thấy, số còn lại cơ quan chức năng tiếp tục truy tìm, vận động.
"Hàng trăm người thoát ra, trên tay cầm cây gỗ, thanh sắt rồi hô hào, la hét làm tôi và gia đình rất sợ, không dám ra ngoài, phải khóa chặt cửa" - chị Thạch Thị Lương, người dân ở gần Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng, nhớ lại.
Nói về nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng, cho biết cơ sở có số học viên đông, với hơn 410 người, trong khi cơ sở vật chất xuống cấp, đang trong quá trình nâng cấp nên dẫn đến việc thiếu các phòng ở cho học viên. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý mỏng nên quá tải trong khâu quản lý học viên.
Theo ông Lâm Tấn Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp khắc phục thiệt hại, đẩy nhanh tiến độ cải thiện cơ sở vật chất cho cơ sở cai nghiện. Đồng thời, củng cố lại tổ chức bộ máy bao gồm cả cán bộ quản lý, cán bộ dạy nghề, lực lượng bảo vệ của cơ sở cai nghiện.
"Cơ sở phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chế độ dành cho học viên. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các ngành, đặc biệt là công an, để tăng cường biện pháp quản lý học viên, xử lý nghiêm trường hợp chống đối, cố tình vi phạm quy định" - ông Hòa nhấn mạnh.
Chủ động nhiều phương án
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, từ năm 2015 đến tháng 7-2020 có 421 học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện, một trong những nguyên nhân là cơ sở vật chất thiếu thốn. Vì thế mà sau khi đầu tư mở rộng, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh chuyển học viên sang các khu ở mới, tách riêng đối tượng cá biệt nên tình hình an ninh trật tự dần ổn định, đi vào nền nếp.
Ông Đặng Tuấn Sinh, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng tỉnh Kiên Giang, cho hay khi biết vụ việc học viên ở Sóc Trăng bỏ trốn, đơn vị đã tập trung cảnh giác cao độ. Ngoài phương pháp mềm mỏng thì việc can thiệp cứng rắn khi cần thiết cũng được tính tới.
"Khi phát hiện học viên có biểu hiện bất thường, chúng tôi lập tức xác định người cầm đầu, mời lên làm công tác tư tưởng và xử lý kỷ luật theo quy chế của cơ sở ngay" - ông Sinh nói. Theo ông Sinh, từ chỗ thiếu cơ sở vật chất lẫn nhân sự, đơn vị phải quản lý theo cách lắp đặt camera giám sát, rồi phân công tổ tự quản, lấy học viên quản học viên. Trong năm qua, chưa xảy ra trường hợp người nghiện gây mất trật tự.
Là một học viên tự nguyện quay lại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng, anh Lý Minh L. kể thấy mọi người chạy trốn ra ngoài nên cũng chạy theo. Về đến gia đình, tự thấy việc làm của bản thân là sai nên đã nhờ người nhà liên hệ trình báo công an địa phương để được đưa vào lại.
Tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, từ đó học viên sẽ nghĩ đúng, làm đúng.
Với tỉnh Cà Mau, Sở LĐ-TB-XH tỉnh này trực tiếp làm việc và chỉ đạo cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn chủ động xây dựng phương án xử lý mọi tình huống. Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Bảo Trân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2024, lãnh đạo sở đã quán triệt trong cán bộ, nhân viên tại cơ sở về việc tăng cường trách nhiệm trong quản lý và canh trực để không xảy ra tình trạng học viên trốn trại...
Cần chú trọng hơn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH cho biết tính đến cuối năm 2023, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đang tổ chức cai nghiện cho 40.606 người, trong đó cai nghiện bắt buộc 33.000 người.
Trước Tết Nguyên đán 2024, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản gửi các Sở LĐ-TB-XH trên cả nước đề nghị thực hiện đúng chế độ đối với học viên trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Trong đó lưu ý các địa phương tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học viên gây kích động, bỏ trốn tập thể, phá hoại cơ sở vật chất, gây mất ổn định tình hình chính trị, xã hội tại địa phương.
Bộ LĐ-TB-XH cho rằng nhiều cơ sở xây dựng đã lâu hoặc tiếp nhận cơ sở vật chất từ hệ thống khác nên không có thiết kế phù hợp với việc tổ chức cai nghiện ma túy. Đến nay, chỉ 8/63 tỉnh, thành quan tâm, bố trí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện theo Nghị định 116/2021/NĐ-CP. Số vốn được bố trí cũng ở mức rất thấp... Do đó, Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị các địa phương có sự thay đổi.
Tổ chức đối thoại định kỳ
Ông Trịnh Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Trà Vinh, thông tin sở thường xuyên chỉ đạo cơ sở cai nghiện nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cai nghiện, chữa bệnh, giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề cho đối tượng cai nghiện ma túy. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống ma túy cho học viên sau khi cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, cơ sở cũng tổ chức lớp học nghề sửa chữa xe máy và sửa chữa điện lạnh cho học viên đăng ký học nghề.
"Ban giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cũng tổ chức đối thoại định kỳ với học viên nhằm lắng nghe tâm tư, tình cảm, giải đáp những thắc mắc của họ. Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh cùng sở, ngành đã đến thăm, tặng quà cho người cai nghiện tại cơ sở" - ông Hùng cho biết.
Đề nghị có công an hỗ trợ
Sáng 28-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cho biết lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm - về vụ việc học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng bỏ trốn.
Trong báo cáo đã nêu những nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến 191 học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện và làm 3 cảnh sát cơ động bị thương. Trong đó có những nguyên nhân như cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải; số lượng nhân viên làm việc tại cơ sở cai nghiện chưa đáp ứng mức quy định tối thiểu so với quy định, không đủ sức quản lý số lượng học viên khi có gần 40% người có tiền án, tiền sự và khoảng 25% nhiễm HIV, lao, viêm gan A, B...
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Công an tỉnh cử tổ công tác đặc trách, hỗ trợ bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở cai nghiện; chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH rà soát tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân sự và đề xuất giải pháp nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tối thiểu để thực hiện công tác cai nghiện ma túy.V.Duẩn
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giup-hoc-vien-an-tam-cai-nghien-196240228212448308.htm