Giúp nạn nhân da cam vượt qua khó khăn
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn hiện hữu trong nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Để góp phần chia sẻ, xoa dịu nỗi đau ấy, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã quan tâm hỗ trợ nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Gia Lai hiện có hơn 13.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có trên 6.000 người nhiễm trực tiếp và gần 7.000 người nhiễm gián tiếp, gần 500 người thuộc thế hệ thứ 3. Đa số nạn nhân đều có độ tuổi tương đối cao, sức yếu; nhiều gia đình có con, cháu bị dị dạng, dị tật, không thể tự chăm sóc bản thân, tự chủ sinh hoạt hàng ngày. Đây là những hoàn cảnh khó khăn rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ từ cộng đồng.
Ông Ksor Chet (làng Kueng, xã Hbông, huyện Chư Sê) là nạn nhân chất độc da cam/dioxin gián tiếp có hoàn cảnh rất khó khăn, 2 chân bị liệt, không có khả năng lao động. Căn nhà của ông nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có tiền sửa chữa. Để giúp ông có nơi ở ổn định, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã trích 45 triệu đồng từ Quỹ “Nạn nhân chất độc da cam” hỗ trợ ông xây ngôi nhà mới với diện tích 40 m2. Ông Chet bộc bạch: “Cả đời tôi không bao giờ dám mơ ước có được ngôi nhà như thế này. Tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm giúp đỡ”.
Cũng như ông Chet, gia đình ông Đinh Loắt (làng Vơng Chép, xã Ayun) và bà Ksor Kyoh (làng Klăh, xã Al Bá, huyện Chư Sê) là nạn nhân chất độc da cam, gặp khó khăn về nhà ở vừa được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ làm nhà tình thương, mỗi căn nhà có diện tích 45 m2. Có nơi sinh sống ổn định lâu dài, họ đều cảm kích trước sự quan tâm dành cho bản thân và gia đình.
Khốn khó không kém là hoàn cảnh của ông Đinh Bim (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ). Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, sau giải phóng, ông lập gia đình và lần lượt sinh được 3 người con. Không may, người con trai út (SN 1992) bị thiểu năng trí tuệ do di chứng chất độc da cam để lại; hoàn cảnh kinh tế gia đình lại rất khó khăn. Do vậy, ông được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tặng 1 con bò sinh sản. Ông Bim thổ lộ: “Cuộc sống tuy nghèo khổ nhưng gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh nên rất ấm lòng. Với sự hỗ trợ quý báu đó, gia đình tôi sẽ cố gắng để vươn lên thoát nghèo”.
Xác định chăm lo đời sống gia đình các nạn nhân da cam là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa sâu sắc như: phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”, đồng thời vận động với các cơ quan, ban ngành, nhà hảo tâm hỗ trợ. Đa phần cuộc sống của các nạn nhân hiện còn nhiều khó khăn nên tùy điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, Hội hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở hoặc triển khai các mô hình chăn nuôi bò, dê giúp phát triển kinh tế. Cùng với đó, Hội cũng tổ chức thăm, tặng quà nhân dịp lễ, Tết nhằm động viên các nạn nhân tiếp tục cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8) năm 2019, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã vận động và trao tận tay 3.041 phần quà với số tiền trên 1 tỷ đồng tới gia đình các nạn nhân. Phối hợp tặng sổ tiết kiệm và hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất không lấy lãi cho các gia đình ở huyện Chư Sê, Krông Pa, Đức Cơ và Đak Pơ với số tiền trên 150 triệu đồng. Vận động các nhà hảo tâm nhận nuôi dưỡng suốt đời 16 cháu là nạn nhân da cam tại huyện Chư Sê, Kbang và Đức Cơ. Tổ chức 9 đợt xông hơi giải độc cho 167 người. Công tác nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho các cháu nạn nhân và trẻ khuyết tật luôn được duy trì số lượng bình quân gần 30 cháu...
Ông Bùi Thanh Hoàng-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh-cho biết: “Thời gian đến, các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ “Nạn nhân chất độc da cam”, cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp các nạn nhân vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Hội tổ chức rà soát nắm bắt tình hình con, cháu của người hoạt động kháng chiến bị dị tật, dị dạng do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin và đề nghị giám định để hưởng các chính sách theo quy định, nhất là đối tượng ở vùng sâu, vùng xa”.