Giúp người dân dễ tiếp cận vốn vay, ngăn ngừa từ xa 'tín dụng đen' (bài 2)
Thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen' sẽ có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng xuất hiện nhiều loại hình, phương thức, thủ đoạn mới, ẩn danh, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý, lãnh thổ. Do đó, không chỉ Cục Cảnh sát hình sự mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành địa phương không ngừng đấu tranh với tội phạm này.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó đã tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân; triển khai cung ứng tín dụng qua các phương tiện điện tử dựa trên đánh giá thông tin khách hàng qua dữ liệu dân cư; hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng chính sách Nhà nước. Điều hành tín dụng và lãi suất thông qua ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tăng cường, mở rộng mạng lưới tổ chức tín dụng để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá tín nhiệm khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không đảm bảo bằng tài sản; triển khai nhiều chương trình tín dụng tiêu dùng với các ưu đãi về lãi suất và điều kiện vay.
Đẩy mạnh triển khai Đề án 06, ngành Ngân hàng đã kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác thực trên 52 triệu khách hàng vay, trên 3 triệu tài khoản ngân hàng, trên 20 triệu ví điện tử, trên 154 triệu thuê bao di động, triển khai cho vay qua phương thức điện tử số tiền trên 959.000 tỷ đồng. Thường xuyên rà soát, phát hiện, giám sát và xử lý các tài khoản ngân hàng có giao dịch đáng ngờ, tài khoản ảo nghi vấn hoạt động phạm tội; tổ chức kiểm tra các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán để phát hiện, xử lý các vi phạm, phòng ngừa, khắc phục sơ hở mà tội phạm lợi dụng.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, đã chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền để phòng, chống hoạt động “tín dụng đen”, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về các rủi ro khi sử dụng sim đăng ký không đúng quy định. Chỉ đạo các Sở Thông tin truyền thông thanh tra, xác minh, xử lý các trường hợp nhắn tin, đăng tin, rao vặt, quảng cáo liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay trực tuyến không đúng quy định.
Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông tăng cường bảo mật thông tin khách hàng, cảnh báo, hỗ trợ bảo vệ người dùng; chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao di động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tổ chức thanh tra diện rộng về quản lý thông tin thuê bao di động trên địa bàn cả nước đối với các doanh nghiệp viễn thông di động. Làm việc với các mạng xã hội xuyên biên giới yêu cầu chấp hành quy định pháp luật tại Việt Nam, hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an địa phương đề nghị cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với những cơ sở vi phạm; kịp thời phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ có liên quan nắm tình hình, trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và VPPL liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Từ đầu năm đến tháng 11/2024, đã kiểm tra 17.740 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, xử lý hình sự 18 vụ với 24 đối tượng (trong đó liên quan đến cho vay lãi nặng là 17 vụ), xử phạt vi phạm hành chính 2.217 trường hợp vi phạm với số tiền gần 11 tỷ đồng; thu hồi 133 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT để kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và VPPL liên quan đến “tín dụng đen”, thời gian tới, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, làm tốt công tác nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn của tội phạm và VPPL liên quan hoạt động “tín dụng đen”. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng ngừa, nhất là đối với những người yếu thế, có nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo; tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các giải pháp an sinh xã hội, hỗ trợ vay vốn ưu đãi….; làm tốt công tác quản lý Nhà nước về ANTT, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và cơ sở kinh doanh biến tướng, núp bóng hoạt động “tín dụng đen”.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, hạn chế nguyên nhân, điều kiện của tội phạm (làm sạch sim rác, tài khoản ảo…); phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng các thành tựu khoa học để tạo thuận lợi cho người dân, phục vụ quản trị xã hội, phát triển kinh tế, giảm chi phí, hạn chế các rủi ro, gian lận.
Tiếp tục đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ tội phạm và VPPL liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ cao, sử dụng phương thức, thủ đoạn mới, phối hợp chặt chẽ với VKSND, TAND các cấp điều tra, xử lý nghiêm để răn đe tội phạm.
Có thể nói, qua 5 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 12, các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bám sát nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gắn với trách nhiệm của từng bộ, ngành, UBND các cấp, tổ chức triển khai một cách kịp thời, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý với nhiều cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, làm chuyển biến tình hình trong công tác phòng, chống tội phạm và VPPL liên quan “tín dụng đen”.