Giúp người dân tự tạo việc làm

Ngày 13-6, ông Đinh Tuấn Kiệt (ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) hoàn thành thủ tục và nhận 50 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Đồng Nai.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa và thành viên Ban Điều hành khu phố 3 thăm bà Nguyễn Thị Nhâm, người được hỗ trợ vốn tự tạo việc làm từ vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp. Ảnh: S.THAO

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa và thành viên Ban Điều hành khu phố 3 thăm bà Nguyễn Thị Nhâm, người được hỗ trợ vốn tự tạo việc làm từ vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp. Ảnh: S.THAO

Ông Kiệt cho hay, ông muốn buôn bán nhỏ tại nhà nhưng thiếu vốn. Được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương và Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai, gia đình ông đã có vốn để tự tạo việc làm.

Tự tạo việc làm từ vốn chính sách

Ông Kiệt chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp lao động tự do tại thành phố Biên Hòa được tiếp cận nguồn vốn chính sách, nguồn vốn cộng đồng để tự tạo việc làm.

Từ đầu năm đến nay, thành phố Biên Hòa đã có trên 2,1 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn chính sách với số tiền 113,7 tỷ đồng. Trong số này, chương trình cho vay vốn hỗ trợ, tạo việc làm chiếm trên 70%, tương ứng gần 1,7 ngàn người vay. Qua đó, nâng tổng số tiền chính sách đang cho vay trên địa bàn thành phố lên gần 430 tỷ đồng, với gần 9,2 ngàn khách hàng vay. Chương trình có quy mô cho vay lớn nhất vẫn là cho vay hỗ trợ, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với 363 tỷ đồng.

Toàn tỉnh hiện có 304 thành viên tham gia vào Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh, huyện, thành phố. Trong đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh và phó chủ tịch UBND các huyện, thành phố làm trưởng ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH cùng cấp.

Mỗi ngày, bà Võ Thị Hạnh bày những chùm dừa tươi ở một góc tại chợ Tân Mai (phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) để bán cho người qua lại. Theo bà Hạnh, một phần vốn của quầy hàng được bà vay từ chương trình cho vay tự tạo việc làm của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai. Đến nay, số tiền vay 50 triệu đồng đã được bà hoàn trả gần xong.

Thành phố Biên Hòa là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai chương trình cho khách hàng là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn chính sách. Đến nay, đã có 2 trường hợp được tiếp cận nguồn vốn này với số tiền vay 130 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn, tái hòa nhập cộng đồng.

Để góp phần tăng cường nguồn vốn chính sách phục vụ cho nhu cầu vay của người dân, thành phố Biên Hòa là địa phương bố trí ngân sách cho Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai cao nhất trong số 11 địa phương trong tỉnh. Cụ thể, mỗi năm ngân sách thành phố chuyển sang Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai là 10 tỷ đồng. Con số này cao gấp 2-2,5 lần so với các địa phương khác. Không chỉ bố trí nguồn vốn lớn mà việc này còn được thành phố chủ động hoàn thành ngay từ đầu năm.

Đa dạng nguồn vốn cộng đồng

Bên cạnh đó, thành phố Biên Hòa cũng là địa phương thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực xã hội để tạo ra nguồn vốn cộng đồng giúp người dân tự tạo việc làm.

Ông Đinh Tuấn Kiệt (ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) nhận 50 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai để tự tạo việc làm.

Ông Đinh Tuấn Kiệt (ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) nhận 50 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai để tự tạo việc làm.

Theo Phó trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Nguyễn Công Ngôn, toàn tỉnh hiện có 200 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thuộc hội người cao tuổi các xã, phường, thị trấn. Các câu lạc bộ này đang là nơi sinh hoạt của khoảng 9 ngàn thành viên là người cao tuổi, mạnh thường quân. Đến thời điểm này, đã có trên 5 tỷ đồng được các câu lạc bộ huy động để thực hiện chăm sóc sức khỏe, tổ chức hoạt động văn hóa - thể thao và quan trọng nhất là hỗ trợ phát triển kinh tế cho hội viên thông qua cho vay số vốn nhỏ.

Thông qua mô hình này, những khoản vay nhỏ từ 10-50 triệu đồng dành cho thành viên đã giúp nhiều người có vốn tự tạo việc làm. Như tại Hội Người cao tuổi phường Long Bình Tân đã xây dựng được nguồn quỹ trị giá hơn 900 triệu đồng. Số tiền này được sử dụng cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn vay làm vốn buôn bán nhỏ.

Mỗi hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã, phường của thành phố cũng gây quỹ và hỗ trợ cho vay vốn từ 2-5 trường hợp với số tiền từ 2-20 triệu đồng, qua đó giúp hội viên cải tạo vườn rau, bán tạp hóa…

Tổng dư nợ Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai đang cho vay và quản lý là hơn 5,3 ngàn tỷ đồng. Trong số này, có 1,37 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện) ủy thác chuyển sang Ngân hàng CSXH.

Cùng với đó, tùy theo khả năng vận động mà mỗi ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thành phố cũng xây dựng mô hình cho vay vốn giúp dân tự tạo việc làm. Chẳng hạn, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Hiệp đã xây dựng mô hình Hỗ trợ người dân thoát nghèo. Với mô hình này, mỗi trường hợp được hỗ trợ không hoàn lại từ 4-8 triệu đồng để tự tạo việc làm. Từ năm 2018 đến nay, đã có 14 trường hợp được hỗ trợ vay vốn.

Ngoài ra, thông qua kết nối của ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường của thành phố, nhiều cơ sở tôn giáo cũng trực tiếp tham gia giúp vốn cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202407/giup-nguoi-dan-tu-tao-viec-lam-17c5c09/