Giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH và huyện Phú Hòa tặng quà cho trẻ khuyết tật huyện Phú Hòa. Ảnh: KIM CHI

Mặc dù còn khó khăn nhưng hàng năm, Phú Yên vẫn lồng ghép công tác người khuyết tật (NKT) nói riêng và chương trình an sinh xã hội nói chung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó giúp NKT có cơ hội hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động ở địa phương.

Qua hơn 7 năm thực hiện đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn tỉnh, một số kết quả nhất định đã đạt được ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, giao thông, phòng chống bạo lực, chống phân biệt đối xử, thực hiện trợ giúp pháp lý, hỗ trợ NKT trong cuộc sống…

Hỗ trợ, can thiệp sớm

Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Để thực hiện tốt công tác trợ giúp NKT, tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về khuyết tật và cách chăm sóc sức khỏe cho NKT tại cộng đồng, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội, nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên và toàn xã hội về đề án và những điều cần thiết hỗ trợ NKT, để họ khắc phục những khó khăn của bản thân, phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai các chương trình như can thiệp sớm, cung cấp hỗ trợ một số dụng cụ nẹp chỉnh hình, dép nâng đế, thẻ BHYT… cho 100% NKT nặng và đặc biệt nặng. Đồng thời, địa phương còn mở các lớp tập huấn cho người nhà NKT; phối hợp với Trung tâm Giám định y khoa khám, giám định y khoa cho 5.000 NKT; phối hợp với Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn đo, khám làm dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng cho 250 đối tượng, làm chân tay giả miễn phí...

Hoạt động trợ giúp cho trẻ em khuyết tật tham gia giáo dục hàng năm đều được Sở GD-ĐT hướng dẫn. Số lượng trẻ khuyết tật được huy động đến trường và hỗ trợ giáo dục hàng năm đều tăng, từ đó góp phần quan trọng cho công tác chăm sóc, giáo dục các em, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học tập và phát triển.

Em Lê Thị Kim Vy (11 tuổi, ở thôn Lạc Nghiệp, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa), cho biết: “Em bị hở van tim. Nhà em nghèo, ba mẹ chỉ làm ruộng để mưu sinh. Thời gian qua, được nhà trường, bạn bè hỗ trợ trong học tập, các nhà hảo tâm tặng sách vở, quần áo để đến trường”. Còn bà Đặng Thị Quàng (xã Hòa An, huyện Phú Hòa), mẹ của em Đỗ Chí Công bị câm bẩm sinh, cho biết: “Lúc nhỏ, gia đình cứ tưởng cháu bị chậm nói. Đến 4 tuổi, cháu vẫn không nói, gia đình đưa đi khám mới biết cháu bị bệnh. Chúng tôi đã đưa cháu vào TP Hồ Chí Minh 3 lần nhưng cũng không chữa khỏi. Mấy năm nay, hàng ngày tôi đạp xe gần 10 cây số, chở cháu xuống Tuy Hòa theo học lớp can thiệp sớm tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên, rất vất vả. Mới đây, được Sở LĐ-TB-XH tặng xe đạp điện, hỗ trợ dụng cụ học tập..., mẹ con tôi rất vui mừng”.

Để NKT tự khẳng định mình

Thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho NKT được hưởng các chế độ, chính sách bảo trợ xã hội; khuyến khích NKT tham gia học nghề để có việc làm, thu nhập bằng chính sức lao động của mình.

Theo ông Võ Văn Binh, đối với các hoạt động trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông, tỉnh đều chú trọng để đảm bảo nhu cầu của NKT. Các đơn vị vận tải thực hiện các chính sách miễn, giảm giá vé cho NKT khi tham gia giao thông công cộng. Các hoạt động như tổ chức chương trình văn nghệ, hội thao dành cho NKT đã tạo sân chơi vui tươi, bổ ích, lành mạnh, tạo cơ hội để NKT thể hiện năng lực và niềm đam mê, sống lạc quan, vượt qua mặc cảm, khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Anh Hoàng Quỳnh ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, bị mù bẩm sinh nhưng có năng khiếu âm nhạc, chia sẻ: “Dù tật nguyền nhưng tôi vẫn chịu khó vừa học chữ vừa học đàn guitar, học hát. Tôi thường xuyên tham gia chương trình tiếng hát NKT của tỉnh, rất vui và bổ ích. Được thể hiện khả năng của mình và chia sẻ những kỹ năng sống với người cùng cảnh ngộ, tôi thấy cuộc đời này đáng yêu hơn nhiều”.

Đánh giá về thời gian triển khai đề án, ông Võ Văn Binh cho biết: Những NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đa số thuộc các dạng tật về thần kinh, vận động, nghe nhìn... nên nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bên cạnh đó, do mặc cảm, ngại va chạm nên NKT thường ngại tiếp xúc và phần lớn chưa biết quyền được trợ giúp pháp lý, hoặc biết nhưng không thể tiếp cận dịch vụ này. Cũng do mặc cảm trong việc tham gia các hoạt động trợ giúp nên nhiều NKT còn chưa thực sự cố gắng để vượt qua khiếm khuyết, hòa nhập cùng cộng đồng và khẳng định bản thân.

Trong thời gian tới, cùng với trợ giúp tiếp cận giáo dục; dạy nghề, tạo việc làm và thực hiện chính sách xã hội hóa cho NKT, Sở LĐ-TB-XH tham mưu UBND tỉnh kêu gọi doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đầu tư nhiều công trình giúp NKT tiếp cận, hòa nhập cộng đồng. Phấn đấu 100% NKT được tiếp cận dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 100% trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 100% trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Võ Văn Binh

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/231062/giup-nguoi-khuyet-tat-vuon-len-hoa-nhap-cong-dong.html