Giúp người lao động vượt qua khó khăn

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh Lào Cai cùng cả nước đang nỗ lực triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh xác định công tác giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người lao động là nhiệm vụ quan trọng.

Chia sẻ một phần khó khăn

Anh Hoàng Seo Sáng ở xã Bản Cầm (huyện Bảo Thắng) mới trở về từ tỉnh Bình Dương và đang loay hoay tìm việc làm. Anh Sáng cho biết, trong thời gian chờ tìm được công việc mới phù hợp, anh đã làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp để trang trải cuộc sống. “Các thủ tục để nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện nhanh gọn, tôi không phải đi lại nhiều. Trước mắt, tôi tạm chi trả các chi phí trong cuộc sống bằng số tiền hỗ trợ, sau đó sẽ tìm công việc gần nhà để ổn định cuộc sống” - anh Sáng bộc bạch.

Lào Cai có khoảng 8.000 lao động trở về từ vùng dịch.

Lào Cai có khoảng 8.000 lao động trở về từ vùng dịch.

Chị Nông Thị Xuân, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) làm việc tại một khách sạn ở thị xã Sa Pa 2 năm nay và có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khách sạn khiến chị Xuân cùng nhiều lao động phải nghỉ việc. Khi được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, chị Xuân phấn khởi: Trong thời gian nghỉ việc do dịch Covid-19, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do không có việc làm. Thời gian đó, tôi được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 2.650.000 đồng, giúp tôi phần nào trang trải cuộc sống.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, hiện hơn 2.000 lao động tự do (có hộ khẩu ở Lào Cai) bị mất việc làm, thiếu việc làm thường xuyên dẫn đến mất, giảm thu nhập. Những lao động này đều không được hưởng các chế độ BHXH, thu nhập bấp bênh và thiếu các chế độ chăm sóc y tế. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời những lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 116 ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến ngày 28/10/2021, cơ quan BHXH đã hỗ trợ 1.358 doanh nghiệp, 34.699 lao động đủ điều kiện hưởng chính sách từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí gần 47 tỷ đồng, trong đó 17.618 người được hỗ trợ tiền mặt với kinh phí hơn 45 tỷ đồng; giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0% cho 1.358 doanh nghiệp với 24.800 lao động.

Đặc biệt, thực hiện Nghị Quyết số 68 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định hỗ trợ. Tính đến ngày 28/10, tỉnh đã hỗ trợ 4.429 người, với tổng kinh phí hơn 13,8 tỷ đồng, đạt trên 30% so với dự kiến. Bên cạnh đó, liên đoàn lao động các cấp đã hỗ trợ đoàn viên công đoàn và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và đoàn viên, người lao động là F1 với tổng số 334 người, mức hỗ trợ từ 50.000 đến 100.000 đồng/người, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 350 triệu đồng.

Quan tâm giải quyết việc làm

Bên cạnh việc hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn về sinh kế, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp linh hoạt khác để giải quyết việc làm cho người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống.

Theo rà soát của ngành chức năng, bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động tự do, hộ sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ, làm thuê tại các bến bãi. Tiền lương bình quân tháng của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức ở tất cả các vị trí việc làm, trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, hiện nay về cơ bản các loại hình kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được hoạt động trở lại.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 373 ngày 21/10/2021 về khảo sát nhu cầu học nghề, giới thiệu việc làm đối với lao động trở về địa phương từ các tỉnh trên cả nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động với các địa phương trong và ngoài tỉnh để đưa lao động trở lại làm việc.

Bị thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Vàng Seo Quang ở xã Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương) phải đi làm thuê nhiều nơi. Anh Quang tâm sự: Với mong muốn sớm có việc làm, tôi đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được tư vấn và giới thiệu việc làm. May mắn là tôi đã kết nối để có công việc ổn định tại Công ty TNHH Brother ở tỉnh Hải Dương với mức lương 7 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê của ngành chức năng, trong 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 10.300 lao động, đạt 76,5% kế hoạch năm, trong đó có 1.897 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia việc làm; 66 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉnh còn tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và lưu động tại các huyện: Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà với 11 doanh nghiệp và hơn 900 lao động tham gia.

Đặc biệt, để hỗ trợ người dân Lào Cai đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động phối hợp, nắm tình hình lao động của tỉnh đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; theo dõi tình hình lao động đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương. Trong số hơn 8.000 lao động bị mất việc làm trở về địa phương, có một số người đã chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp, một số đã tìm được việc làm và gần 2.000 người hiện không có việc làm.

Lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai kết nối tìm việc làm.

Lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai kết nối tìm việc làm.

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động; tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân. Đồng thời, ngành sẽ tham mưu với tỉnh có chính sách thu hút, hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động, đặc biệt là vào làm việc trong các khu công nghiệp, như hỗ trợ một phần chi phí đi lại, thuê nhà, chi phí y tế (xét nghiệm, cách ly), các nhu yếu phẩm thiết yếu…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349122-giup-nguoi-lao-dong-vuot-qua-kho-khan