Giúp người nghèo an cư
Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm giải quyết vấn đề nhà ở và ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống, hỗ trợ hộ nghèo có nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Lào Cai có 4 huyện nghèo (Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát) theo Quyết định 353 ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách huyện nghèo trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025. Đời sống của người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương này còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nhà ở. Chất lượng nhà ở thường thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn tỉnh.
Gia đình anh Lò A PLấu, dân tộc Mông ở thôn Ngải Phóng Chồ, xã Sín Chéng (Si Ma Cai) gặp rất nhiều khó khăn khi ra ở riêng. Vợ chồng có 4 người con. Trong căn nhà tường trình đất rộng 50 m2 đã bị nứt, xiêu vẹo, 6 người luôn thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa đến. Mơ ước có được căn nhà vững chắc là điều anh PLấu luôn mong mỏi để yên tâm an cư, lạc nghiệp.
Tương tự, gia đình chị Ma Seo Súng, ở thôn Sả Chải, xã Pha Long (Mường Khương) luôn ước ao có ngôi nhà mới, bởi đã gần 50 tuổi nhưng vẫn phải sống trong căn nhà gỗ cũ kỹ, xuống cấp. Để vượt qua những ngày mưa bão, chị vẫn thường xuyên gia cố thêm bằng cây chống, vách nứa, nhưng không biết sẽ trụ được bao lâu. “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, chồng qua đời năm 2018. Bản thân thường xuyên đau ốm, tôi cũng không biết đến khi nào mới có thể làm được một căn nhà gỗ, chứ chưa nói gì đến nhà xây” - chị Súng tâm sự.
Gia đình chị Ma Seo Súng ở thôn Sả Chải, xã Pha Long (Mường Khương) luôn ước ao có ngôi nhà mới, khang trang hơn.
Nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người. Đối với mỗi gia đình, nhà ở là tài sản có giá trị rất lớn. Trong khi thu nhập bình quân người dân còn thấp thì việc tự làm nhà ở khang trang, chắc chắn là vấn đề không đơn giản đối với nhiều gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo. Mặt khác, giao thông khó khăn, chi phí vận chuyển lớn nên rất khó mua các loại vật liệu hiện đại làm nhà, buộc người dân chủ yếu tận dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên, vật liệu thô sơ, dễ cháy, thời gian sử dụng ngắn. Rất nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh mong đời sống được cải thiện, có “an cư” thì mới “lạc nghiệp”.
Việc UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2695 ngày 10/11/2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, có ý nghĩa rất quan trọng. Gia đình bà Súng, anh PLấu và nhiều hộ nghèo khác trên địa bàn tỉnh sau khi được thông tin, tuyên truyền về quyết định này rất đồng thuận, phấn khởi. Theo đó, đến năm 2025, trên địa bàn 4 huyện nghèo sẽ có 7.555 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ làm nhà ở (hỗ trợ xây mới 2.808 nhà; sửa chữa 4.747 nhà) với tổng kinh hơn 414 tỷ đồng.
Các cấp, các ngành liên quan đã tham mưu, hướng dẫn các hộ tiếp cận chính sách và kinh phí hỗ trợ. Các huyện nghèo đang khẩn trương rà soát, lập danh sách nhu cầu nhà ở của các hộ. Đơn cử như tại huyện Si Ma Cai, ngay từ đầu năm 2023, Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch hỗ trợ làm mới 73 nhà và hỗ trợ cải tạo, sửa chữa 214 nhà với tổng kinh phí 7,2 tỷ đồng.
Ông Đỗ Ngọc Đoàn, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Si Ma Cai cho biết: Huyện đã rà soát, bình xét đảm bảo dân chủ, sát thực từ cơ sở, đảm bảo đúng đối tượng và công bằng. Để triển khai, thực hiện hiệu quả kế hoạch hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện đề ra 3 giải pháp, 9 nhiệm vụ, phân công các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện.
Tại huyện Mường Khương, sau khi rà soát có 1.282 hộ có nhu cầu hỗ trợ làm nhà ở trong cả giai đoạn, riêng trong năm 2023 sẽ hỗ trợ xây dựng mới 252 nhà ở cho các hộ nghèo. Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ làm nhà của Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện chỉ đạo, triển khai và huy động xã hội hóa các nguồn lực để hỗ trợ một phần đối ứng kinh phí của người dân.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương cùng vào cuộc. Việc triển khai hỗ trợ đảm bảo nghiêm túc, đúng đối tượng và đúng quy định. Kết quả xây dựng, sửa chữa nhà ở phải đảm bảo quy định về diện tích, tiêu chí “3 cứng”. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; huy động lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên, công chức, viên chức đóng góp ngày công, kết hợp giữa Nhà nước và Nhân dân cùng làm nhà ở cho hộ nghèo.
Việc triển khai chính sách hỗ trợ làm nhà ở tại các huyện nghèo thể hiện sự nhân văn, tinh thần “tương thân, tương ái”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần trợ giúp người nghèo cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365484-giup-nguoi-ngheo-an-cu