Giúp nông dân giảm nghèo bền vững

Cùng với nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội, hội viên nông dân vững mạnh, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động hỗ trợ nông dân, nhất là hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh. Từ đó mang lại kết quả tích cực, góp phần giúp nông dân làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Phát triển cây ăn quả có múi đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của nông dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình)

Phát triển cây ăn quả có múi đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của nông dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình)

Quảng Kim là xã nằm dưới chân dãy đèo Ngang thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Người dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Trước thực tế ấy, Hội Nông dân xã Quảng Kim đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân về vốn, kỹ thuật chăn nuôi để hướng tới chăn nuôi gia súc theo hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Quảng Trạch, Hội Nông dân xã lập dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” và tổ chức giải ngân 300 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho sáu hộ hội viên thực hiện dự án. Các hộ tham gia dự án được vay 50 triệu đồng trong thời gian 3 năm với cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích để phát triển chăn nuôi có hiệu quả, hoàn trả gốc và phí đầy đủ, đúng hạn.

Nuôi bò lai giúp thoát nghèo ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình)

Nuôi bò lai giúp thoát nghèo ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình)

Hội viên Lê Thị Hòa, thôn 5 xã Quảng Kim được vay 50 triệu đồng để mua bò giống, sửa chuồng trại, mua thuốc thú y phục vụ chăn nuôi. Hiện tại gia đình có ba con bò sinh sản, năm vừa rồi đã sinh ra ba con bê, trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi 25-30 triệu đồng. Từ nguồn thu ban đầu đó, gia đình chị Hòa đang có kế hoạch tăng đàn bò để thoát nghèo một cách bền vững.

Tương tự, ông Chu Quốc Việt hiện đang nuôi năm bò cái, năm con bê và có 10 con chăn thả khu vực đồi núi gần nhà. Qua khảo sát của Hội Nông dân xã, tất cả hội viên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân đều có đàn trâu, bò phát triển tốt, thu nhập từ nghề chăn nuôi giúp các gia đình vượt qua khó khăn, bắt đầu có tích lũy để phát triển.

Hằng năm, Hội Nông dân xã Quảng Kim còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, Hội Nông dân xã quản lý năm tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ gần 15 tỷ đồng, cho hơn 200 lượt hội viên vay phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp ở huyện Bố Trạch tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ để làm “bà đỡ” cho hội viên khó khăn tìm hướng vươn lên. Đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân toàn huyện có tổng nguồn vốn gần 20 tỷ đồng. Hội Nông dân các cấp chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai cho vay ưu đãi nhằm tạo thêm nguồn lực, kích thích sản xuất.

Cùng với đó, Hội Nông dân phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của hội viên để bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả.

Chị Dương Thị Hiệp ở thôn Cà, xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch là hội viên được vay vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân ngay từ khi quỹ mới thành lập. Từ những đồng vốn ít ỏi ban đầu đó, chị Hiệp nuôi bò lai sinh sản rồi tăng đàn trong các năm kế tiếp. Bây giờ, chị đã xây dựng được một trang trại có quy mô 1,5 ha, nuôi bò lai sinh sản, lợn thịt và cá các loại, mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình chị Hiệp thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Chị Hiệp chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn do thiếu vốn để phát triển sản xuất. Nguồn vốn ban đầu của Quỹ hỗ trợ nông dân đã tiếp thêm động lực để tôi cố gắng vươn lên, tạo lập nên trang trại chăn nuôi có quy mô như hiện nay. Trách nhiệm của tôi bây giờ là đóng góp lại xây dựng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để giúp các hội viên khác được vay vốn phục vụ sản xuất, vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống no ấm”.

 Nông dân thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) trồng dưa lưới trong nhà màng đem lại doanh thu cao

Nông dân thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) trồng dưa lưới trong nhà màng đem lại doanh thu cao

Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Bố Trạch, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân không chỉ giúp hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hội viên cũng gắn kết hơn với tổ chức hội.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Sỹ cho biết, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho hội viên trong những năm qua đã góp phần đáng kể giúp nông dân làm giàu và giảm nghèo bền vững. Các mô hình Quỹ hỗ trợ nông dân đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Bên cạnh đó, các cấp hội chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) nhận tín chấp và ủy thác cho hội viên nông dân vay với số vốn khá lớn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Hội Nông dân Quảng Bình, hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, dịch vụ, hỗ trợ cho nông dân vẫn còn thụ động, trông chờ vào nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Một số nơi, các cấp hội chưa phát huy hết vai trò trong việc huy động và sử dụng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân một cách hiệu quả.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu nhấn mạnh, bước vào giai đoạn chuyển đổi số, không chỉ là chủ thể mà còn là trung tâm của quá trình phát triển, người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất và phương thức quản trị. Muốn vậy, bên cạnh việc mỗi nông dân cần phải thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò là cầu nối liên kết “6 nhà” (nhà nông-Nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà cung ứng vốn và nhà phân phối) để hình thành các chuỗi giá trị nông sản, mang lại hiệu quả trong kinh tế nông nghiệp.

Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác hỗ trợ vốn cho nông dân thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn phát triển sản xuất kinh doanh để thoát nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Tại tỉnh Quảng Bình, công tác xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân và tổ chức hoạt động tạo vốn cho hội viên nông dân vay đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2018-2023, Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Bình tăng gần 35 tỷ đồng, với tổng nguồn vốn hiện có hơn 56 tỷ đồng; nguồn Trung ương hội ủy thác 15,5 tỷ đồng. Nguồn vốn này được cho 4.134 lượt hộ vay và đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và phát huy hiệu quả.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giup-nong-dan-giam-ngheo-ben-vung-post796532.html