Giúp nông dân sản xuất theo hướng an toàn

Nhằm khuyến khích người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, từ năm 2016 đến nay, huyện Định Hóa đã triển khai hỗ trợ người dân, hợp tác xã (HTX) xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông sản an toàn, từng bước mở ra hướng canh tác mới cho người nông dân.

Áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất dưa lê siêu ngọt tại HTX nông sản an toàn ATK Định Hóa tại xã Phượng Tiến.

Áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất dưa lê siêu ngọt tại HTX nông sản an toàn ATK Định Hóa tại xã Phượng Tiến.

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà màng (được che bằng nilon) trồng rau của gia đình rộng gần 1.500m² tại xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường, chị Nguyễn Thị Điệp chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng rau theo phương pháp thông thường nên phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Mỗi khi gặp thời tiết khắc nghiệt như: Nắng nóng, mưa bão, sương muối… thì rau sinh trưởng, phát triển kém và phát sinh nhiều sâu bệnh, dẫn đến năng suất và sản lượng thấp. Được sự hỗ trợ của huyện, gia đình quyết định chuyển sang mô hình trồng rau trong nhà màng (được che bằng nilon).

Mô hình có tổng chi phí thực hiện trên 150 triệu đồng (trong đó huyện hỗ trợ 100 triệu đồng), trồng các loại rau theo mùa vụ như: Cải xanh, cà chua, mướp đắng, su hào… Nhờ đó, rau ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cho năng suất tốt hơn hẳn. Ngay từ lứa đầu tiên, sản lượng rau tăng 30-40% so với trồng dưới điều kiện tự nhiên. Do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên rau trồng trong nhà màng đảm bảo các tiêu an toàn và được người tiêu dùng ưa chuộng, lượng rau thu hoạch đều được thương lái đặt mua trước. Trong năm đầu, gia đình tôi đã thu về gần 100 triệu đồng.

Còn HTX Nông sản an toàn ATK Định Hóa (xã Phượng Tiến) hiện đang là HTX có diện tích trồng nông sản an toàn với diện tích lớn nhất huyện Định Hóa (khoảng 1,5ha). Trong đó, HTX có 8.000m² nhà màng để trồng dưa lưới, dưa lê siêu ngọt (trong đó huyện hỗ trợ 3.705m²) và gần 7.000m² được dùng để trồng rau an toàn.

Anh Hoàng Đình Lập, Giám đốc HTX cho biết: Do áp dụng khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới, dưa lê siêu ngọt trong nhà màng, năng suất của 2 loại cây trồng này có thể tăng năng suất gấp 1,5-2 lần so với trồng ngoài điều kiện tự nhiên. Hiện nay, với diện tích 2.000m² trồng dưa lưới đang cho sản lượng khoảng gần 5 tấn/vụ và 6.000m² dưa lê siêu ngọt cho sản lượng 3 tấn/vụ. Bên cạnh cây trồng chủ đạo là 2 loại dưa kể trên, HTX còn cung cấp ra thị trường khoảng 1,5-2 tấn rau củ quả/tháng. Mặt hàng này được bà con rất ưa chuộng do HTX áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hiện đại.

Hiện nay, toàn huyện Định Hóa có khoảng 10 hộ dân và 2 HTX gồm: HTX Chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng; HTX sản xuất nông sản an toàn ATK Định Hóa đang thực hiện sản xuất nông sản an toàn. Ông Ma Đình Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Những năm gần đây, ngoài việc khuyến khích người dân, HTX phát triển các sản phẩm nông sản an toàn, huyện Định Hóa còn hỗ trợ trực tiếp các mô hình xây dựng nhà màng. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, có 5 hộ và 2 HTX đã được hỗ trợ xây dựng nhà màng với tổng kinh phí là 1,1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện để những cơ chế, chính sách thuận lợi hơn nữa kịp thời đến với các hộ dân, HTX sản xuất nông sản an toàn. Bên cạnh đó, những sản phẩm có chất lượng, đặc trưng của địa phương cũng sẽ được hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm OCOP.

Việt Dũng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/giup-nong-dan-san-xuat-theo-huong-an-toan-276366-108.html