Giúp nông dân thạo nghề, dựng nghiệp

Để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, thời gian qua, huyện Phú Bình luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp gắn với nhu cầu thực tiễn của bà con. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Thông qua các lớp đào tạo nghề, người dân xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) đã áp dụng thành thạo quy trình VietGAP trong sản xuất rau an toàn.

Thông qua các lớp đào tạo nghề, người dân xóm Náng, xã Nhã Lộng (Phú Bình) đã áp dụng thành thạo quy trình VietGAP trong sản xuất rau an toàn.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, theo ông Nguyễn Thế Thụy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình: Hằng năm, Trung tâm đều gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn để rà soát, thống kê nhu cầu học nghề của người dân. Trên cơ sở kinh phí được huyện phân bổ và đề xuất nhu cầu của các địa phương, Trung tâm mở lớp đào tạo các nghề về kỹ thuật trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi lợn, gà; sử dụng thuốc thú y….

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, đa số các học viên sau khi được đào tạo nghề đều có thể áp dụng kiến thức đã được học vào sản xuất tại gia đình một cách hiệu quả. Đặc biệt, có những học viên thuộc hộ nghèo đã tự vươn lên phát triển kinh tế từ chính nghề đã được học, có cuộc sống ổn định và thoát nghèo. Một số ít tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn.

Là học viên từng tham gia lớp đào tạo nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, chị Nguyễn Thị Bẩy, ở xóm Phú Mỹ, xã Lương Phú, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, kinh tế khó khăn. Năm 2020, sau khi được vận động tham gia lớp đào tạo nghề về cách sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, tôi đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà với quy mô hàng trăm con/lứa, 3 lứa/năm. Nhờ biết sử dụng thuốc thú y đúng cách, đàn gà của gia đình tôi phát triển khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, ít bị mắc bệnh và chết so với trước đây. Từ chăn nuôi gà, tôi thu lãi 15 triệu đồng/lứa. Đến nay, gia đình tôi đã ra khỏi diện hộ cận nghèo, cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, hằng năm, chúng tôi tuyên truyền, triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách về dạy nghề và việc làm thông qua các hội nghị, tổ chức, đoàn thể và phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm được thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, dạy nghề… Phòng cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn thu hút nguồn lực để đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho người lao động tại địa phương…

Nhờ đó, năm 2021, trong tổng số gần 93.000 người trong độ tuổi lao động của toàn huyện Phú Bình, có đến 66.370 lao động đã qua đào tạo (chiếm 70,4%); số lao động có văn bằng, chứng chỉ là 33,18% (vượt gần 0,5% so với kế hoạch đề ra); trên 90% người lao động tích cực áp dụng các kiến thức khoa học - kỹ thuật được đào tạo vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, nâng cao thu nhập cho gia đình...

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ trong đào tạo và giải quyết việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phú Bình xuống còn 2,5% (giảm 4,23% so với năm 2018). Huyện phấn đấu năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,7% (tăng 1,1% so với năm 2021), trong đó lao động có văn bằng, chứng chỉ là 30,9%. Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%; tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%; tốc độ tăng năng suất lao động đạt tối thiểu 6,5%/năm; hằng năm có ít nhất 5.000 thanh niên được giải quyết việc làm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Phú Bình vẫn còn gặp phải một số khó khăn, như: Số lượng lao động được đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn khiêm tốn so với nguồn nhân lực và nhu cầu phát triển của địa phương; cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cơ hữu dạy nghề còn thiếu, chưa đáp ứng việc dạy và học; công tác xã hội hóa, thu hút nguồn vốn cho công tác đào tạo nghề còn thấp…

Để giải quyết những vấn đề này, thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động để người dân hiểu và nắm rõ; cân đối, bố trí, bổ sung kinh phí hỗ trợ để thực hiện các chính sách đào tạo nghề trong năm 2022 và những năm tiếp theo; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị cho Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề; tăng cường liên kết với với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để xã hội hóa công tác dạy nghề, chuẩn bị nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Vi Vân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/giup-nong-dan-thao-nghe-dung-nghiep-298499-85.html