Giúp nông dân ứng dụng công nghệ mới

Áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT), xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết... là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.

Áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết... là hướng đi mới giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.

Tại huyện Cẩm Thủy, từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở các lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật gieo cấy vụ mùa, kỹ thuật chăn nuôi... cho người dân. Chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích người dân bỏ dần các giống lúa thuần chất lượng thấp để thay thế bằng các giống lúa mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, như: Lam Sơn 8, Thiên Ưu 8, DQ11... Nhờ ứng dụng KHKT, đưa các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất đã đưa giá trị thu nhập tăng lên 3-5 lần so với cây trồng cũ.

Tại huyện Như Thanh, những năm qua, huyện đã chú trọng chuyển giao tiến bộ KHKT cho bà con nông dân, như: xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi. Từ đó, người dân đã từng bước áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, đến khâu bảo quản và chế biến nông sản. Ngành nông nghiệp huyện cũng chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng KHKT, như: Mô hình mạ khay, máy cấy; trồng cây ăn quả áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và trong nhà lưới... Đặc biệt, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... Trong chăn nuôi, huyện đang chỉ đạo chuyển từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, áp dụng công nghệ sinh học, như: Hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm balasa,... sử dụng các giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao...

Đặc biệt, thời gian qua, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới. Để nâng cao giá trị sản phẩm, tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng cánh đồng lớn... Đồng thời cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi KHKT nông nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để giành những vụ mùa bội thu, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi, các địa phương trong tỉnh thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: sản xuất rau hữu cơ, trồng cây có múi, chăn nuôi... Đây là những chuỗi giá trị liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp thông qua kết nối của các HTX và tổ hợp tác, theo phương thức doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp và bao tiêu đầu ra của sản phẩm. Đối với chuỗi liên kết sản xuất rau hữu cơ là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa.

Để thúc đẩy sự hình thành, phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, các ngành liên quan sẽ tiếp tục đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản cho nông dân và HTX; xây dựng phát triển các chuỗi cung ứng rau, củ, quả, thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Bài và ảnh: Tr.H

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cong-nghe-moi/giup-nong-dan-ung-dung-cong-nghe-moi/124567.htm