Giúp phụ nữ phát triển nghề truyền thống
Nhiều năm nay, mô hình Đan lác, mây, tre của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, không chỉ góp phần duy trì nghề truyền thống của địa phương mà còn giúp hội viên (HV), PN nơi đây tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Đến ấp Bến Long, xã Tân Mỹ, hỏi thăm nghề đan lác, mây, tre, hầu như ai cũng biết. Nghề truyền thống này đã có từ rất lâu và được duy trì đến nay theo kiểu “cha truyền con nối”. Theo Chủ tịch Hội LHPNVN xã Tân Mỹ - Nguyễn Thị Bích Liểu, khi mới thành lập, mô hình có 22 HVPN tham gia. Từ nguồn vốn 4,4 triệu đồng của Tổ Tiết kiệm Tín dụng, các chị em chia nhau mỗi người 200.000 đồng để chẻ nan, đan thúng, rổ,... Ban đầu, do chị em tự đan tại nhà, quy mô nhỏ, lẻ nên hiệu quả không cao.
Chính vì thế, Chi hội PN ấp vận động HVPN tập trung tại một điểm cùng nhau đan lác, tạo không khí thi đua để làm ra số lượng sản phẩm nhiều hơn. Bình quân hàng tháng, mỗi HVPN có thể kiếm thêm thu nhập gần 2 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của mô hình nên một số HVPN tự nguyện xin tham gia, nâng số thành viên hiện nay lên 161 người.
Bà Nguyễn Thị Thủy (ấp Bến Long, xã Tân Mỹ) chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề đan lác, mây, tre này hơn 20 năm nay. Trước đây, tôi thường đan thúng, rổ, cần xé,... Do nhu cầu của thị trường nên thời gian gần đây, tôi chỉ đan nia. Mỗi ngày, tôi và chồng tôi vừa chẻ nan, vừa đan thì có thể làm được 10 cái nia. Sản phẩm làm ra có thương lái đến thu mua tại nhà với giá khoảng 17.000 đồng/cái. Nghề này tuy cực nhưng tôi vẫn mong muốn duy trì được nghề truyền thống của ông cha để lại và có thể kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi”.
Nhằm giúp HVPN mở rộng quy mô sản xuất, Hội LHPNVN xã Tân Mỹ phát huy vai trò "cầu nối", tích cực hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. “Qua kiểm tra, HVPN sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, sản phẩm có chất lượng cao, đầu ra ổn định. Nhờ đó, giúp các chị em tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững, có điều kiện để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” - chị Nguyễn Thị Bích Liểu cho biết.
Được nghe chia sẻ của những người gắn bó với nghề đan lác, mây, tre có tiếng ở ấp Bến Long, xã Tân Mỹ và tận mắt chứng kiến, chúng tôi càng thấu hiểu những giá trị của nghề truyền thống. Tuy vất vả nhưng những người thợ nơi đây vẫn cần mẫn với nghề bằng kỹ năng đan rất thành thạo. Tin rằng, với sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực từ Hội LHPNVN xã, nghề đan truyền thống này tiếp tục được lưu giữ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của HVPN trên địa bàn./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giup-phu-nu-phat-trien-nghe-truyen-thong-a153330.html