Giúp phụ nữ, trẻ em vùng cao cải thiện cuộc sống

Bắc Giang là một trong những tỉnh được thụ hưởng dự án 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' (gọi tắt là dự án 8). Sau ba năm thực hiện, tình trạng định kiến giới, bạo lực gia đình ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi tại các địa phương thuộc vùng dự án chuyển biến theo hướng tích cực, mang lại sự thay đổi trong đời sống của phụ nữ, trẻ em.

Đa dạng hình thức hoạt động

Dự án 8 là dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam chủ trì. Mục tiêu của dự án là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi. Được thụ hưởng dự án, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện, bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư và UBND tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, các cấp hội tập trung cho công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình.

 Đồng chí Ngụy Thị Tuyến trao đổi với các thành viên tổ truyền thông cộng đồng huyện Sơn Động.

Đồng chí Ngụy Thị Tuyến trao đổi với các thành viên tổ truyền thông cộng đồng huyện Sơn Động.

Nhằm triển khai sâu rộng dự án, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: Lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, xây dựng và phát các ấn phẩm truyền thông, xây dựng phóng sự, tọa đàm, hội thảo, hội thi, tuyên truyền qua mạng xã hội, nhóm zalo…

Điểm nhấn trong công tác tuyên truyền, góp phần lan tỏa dự án là Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN các huyện thuộc dự án đã tổ chức hàng chục cuộc liên hoan, giao lưu, biểu dương chủ tịch hội LHPN cơ sở, chi hội trưởng tiêu biểu ở vùng DTTS; phối hợp tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới thu hút hàng chục nghìn lượt người tham gia. Trong 3 năm gần đây đã phát 90 nghìn tờ rơi, 1,5 nghìn ấn phẩm tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân cận huyết thống tại các xã thuộc vùng dự án.

Để dự án đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em DTTS, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo điểm và hướng dẫn hội LHPN các địa phương xây dựng các mô hình hoạt động nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm tiếng nói của trẻ em DTTS, miền núi. Đó là: Tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.

Đến nay, toàn tỉnh thành lập và duy trì 287 tổ truyền thông cộng đồng với hơn 2 nghìn thành viên; 40 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi’ với 778 thành viên là các em học sinh từ 10 - 15 tuổi tại các trường học, thôn/bản; củng cố 48 “Địa chỉ tin cậy” hỗ trợ hàng trăm trường hợp bị bạo hành tạm lánh, ổn định tâm lý, sức khỏe. Các tổ truyền thông cộng đồng đã thực hiện hàng nghìn buổi tuyên truyền về bình đẳng giới, tham gia giải quyết nhiều vụ việc cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em; giúp bà con vùng DTTS, miền núi "giảm nghèo" về thông tin, tiến tới giảm nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở

Sau 3 năm nỗ lực xây dựng, duy trì hoạt động các mô hình của Dự án 8, đời sống, nhận thức của người dân, nhất là hội viên phụ nữ vùng DTTS, miền núi có sự chuyển biến, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện. Hội viên phụ nữ từng bước vượt qua rào cản bản thân, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao vị thế trong gia đình và cộng đồng.

 Hội viên phụ nữ xã Hồng Kỳ (Yên Thế) vệ sinh môi trường.

Hội viên phụ nữ xã Hồng Kỳ (Yên Thế) vệ sinh môi trường.

Để đạt được kết quả này, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã quan tâm đào tạo, phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Hằng năm tổ chức các lớp tập huấn trang bị kiến thức pháp luật, bình đẳng giới, kỹ năng vận động, truyền thông cho cán bộ hội cũng như thành viên tổ truyền thông cộng đồng. Trong đó chú trọng triển khai các hội nghị chuyên đề để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm duy trì, thúc đẩy hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ.

Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội quan tâm công tác thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ hội ở các thôn, bản, khu dân cư. Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết của hội viên cơ sở, giúp họ phát huy khả năng, vai trò của mình trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện bình đẳng giới. Hằng năm có hơn 95% hội viên, phụ nữ DTTS được tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 100% hộ nghèo do hội viên phụ nữ DTTS làm chủ hộ được hỗ trợ vay vốn, trong đó hơn 80% hộ thoát nghèo.

Giai đoạn 2026 - 2030, Dự án 8 sẽ chú trọng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp; ứng dụng công nghệ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên; tạo điều kiện để cán bộ nữ DTTS tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng quá trình triển khai một số hoạt động của dự án vẫn còn khó khăn, lúng túng. Có nơi, cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân tiếp cận dự án còn chậm. Do đó, để nâng cao hiệu quả triển khai dự án, thời gian tới, Hội LHPN các cấp tổ chức các hội nghị, hội thảo sơ kết đánh giá giai đoạn 2021-2025, tiến tới xây dựng nội dung, giải pháp thực hiện dự án giai đoạn 2026 - 2030.

Trong đó sẽ chú trọng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên vùng DTTS, miền núi; tạo điều kiện để cán bộ nữ DTTS đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đối thoại chính sách cấp xã và các cụm thôn bản đặc biệt khó khăn để nắm bắt, có biện pháp thiết thực giải quyết những vấn đề được hội viên quan tâm.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tiếp cận, sử dụng nước sạch và tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình đã được thành lập. Quá trình thực hiện thường xuyên kiểm tra, giám sát để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; quan tâm biểu dương, khen thưởng điển hình trong thực hiện dự án.

Ngụy Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/giup-phu-nu-tre-em-vung-cao-cai-thien-cuoc-song-postid409538.bbg