Giúp phụ nữ vượt khó nhờ nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản

Những năm qua, nhiều phụ nữ ở huyện Đakrông đã vươn lên từ gian khó, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Thành quả ấy một phần xuất phát từ sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cấp Hội LHPN trên địa bàn với nhiều mô hình hay, sáng tạo, tiêu biểu là nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông LÊ THỊ LỆ HUYỀN để tìm hiểu rõ hơn về mô hình này.

- Thưa bà! Đầu tiên, rất mong bà giới thiệu để độc giả Báo Quảng Trị hiểu hơn về mô hình nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản?

- Tiết kiệm và vốn vay thôn bản là một phương thức phát triển dựa vào cộng đồng, thu hút sự tham gia của người dân địa phương, trong đó có chị em phụ nữ. Sự ra đời của mô hình giúp huy động các khoản tiết kiệm trong cộng đồng. Từ đây, vốn tiết kiệm trở thành quỹ cho vay và quỹ xã hội để hỗ trợ thành viên trong nhóm khi có nhu cầu. Thông qua quản lí nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản, mọi người, trong đó có chị em phụ nữ được nâng cao kiến thức về quản lí tài chính gia đình, hình thành thói quen tiết kiệm, đặc biệt là giúp đồng bào nghèo tiếp cận với nguồn vốn để có cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

- Mô hình nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản được triển khai trên địa bàn huyện Đakrông như thế nào, thưa bà?

- Mô hình nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản được triển khai trên địa bàn huyện Đakrông từ năm 2009 với sự hỗ trợ của Tổ chức Plan tại Quảng Trị. Ban đầu, Hội LHPN huyện vận động cán bộ, hội viên thành lập 7 nhóm thí điểm tại các xã trên địa bàn gồm: A Bung, Mò Ó, A Ngo, Tà Rụt, Hướng Hiệp, Tà Long và Đakrông. Mỗi nhóm có từ 10 - 25 thành viên. Nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản được thành lập trên cơ chế tự quản về kinh tế, hoạt động độc lập. Thời gian sinh hoạt, nội dung và các mức đóng phí được thành viên trong nhóm thảo luận, rồi đi đến thống nhất. Theo quy định chung, các thành viên trong nhóm đóng quỹ tiết kiệm theo trị giá của con dấu và cho vay vốn với lãi suất hợp lí mà chị em quy định. Tham gia nhóm, các thành viên bầu ra ban quản lí gồm 5 người, trong đó có 1 tổ trưởng, 1 thư kí, 1 người giữ hòm tiền và 2 người đếm tiền. Để đảm bảo tính dân chủ, bình đẳng và minh bạch về tài chính, mỗi nhóm sẽ có 3 người giữ chìa khóa hòm đựng tiền. Khi được sự nhất trí, đồng thuận của các thành viên trong nhóm, nguồn vốn tiết kiệm mới được sử dụng. Để nhóm hoạt động có hiệu quả, ngoài tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đôn đốc chị em, Hội LHPN huyện Đakrông và Tổ chức Plan Việt Nam tại Quảng Trị còn hỗ trợ bộ công cụ cho mỗi nhóm gồm: Máy tính, hòm đựng tiền, sổ tiết kiệm...

- Bà có thể cho biết, từ 7 mô hình thí điểm ban đầu, nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản đã được nhân rộng, phát triển trên địa bàn như thế nào?

- Sau khi đi vào hoạt động, nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản đã nhanh chóng phát huy hiệu quả. Trước hết, mô hình đã góp phần giải quyết nguồn vốn tại chỗ cho chị em khi tham gia nhóm. Thành viên trong nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhau có nguồn vốn phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhóm có nguồn quỹ xã hội để phục vụ cho việc thăm hỏi nhau khi ốm đau, qua đó thúc đẩy tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên. Cũng nhờ nguồn quỹ này mà chị em có điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Từ những tín hiệu đáng mừng trên, xuất phát từ nhu cầu của chị em, Hội LHPN huyện Đakrông sớm nhân rộng mô hình ra 7 xã còn lại trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có 289 tổ tiết kiệm và vốn vay thôn bản, thu hút sự tham gia của 4.085 thành viên. Tổng số vốn huy động được trong 10 năm qua lên đến hơn 31 tỉ đồng, đã và đang cho vay số tiền hơn 20 tỉ đồng. Một số địa phương triển khai tốt mô hình nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản là: Tà Rụt (có 56 nhóm), Hướng Hiệp (44 nhóm), Mò Ó (33 nhóm), A Bung (29 nhóm)…

 Chị em phụ nữ xã Mò Ó sinh hoạt nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản. Ảnh: Quang Hiệp

Chị em phụ nữ xã Mò Ó sinh hoạt nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản. Ảnh: Quang Hiệp

- Gắn bó với việc xây dựng mô hình từ những ngày đầu, theo bà, tín hiệu đáng mừng nhất mà các nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản đưa lại sau 10 năm ra đời là gì?

- Đến nay, sau 10 năm triển khai và nhân rộng, mô hình nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản đã khẳng định được tính ưu việt. Cái được lớn nhất của mô hình là đã giúp hội viên hình thành thói quen tiết kiệm, biết tính toán trong chi tiêu và ý thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn thông qua các mô hình tiết kiệm của chị em phụ nữ tuy không lớn nhưng đã và đang là giải pháp hữu hiệu, đáp ứng một phần nhu cầu về vốn vay phát triển kinh tế gia đình cho hội viên, phụ nữ tại nhiều địa phương. Trong 10 năm qua, có 623 hộ dân đã thoát nghèo khi chị em tham gia vào nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản. Việc cho vay vốn qua nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản cũng góp phần gắn kết, giúp chị em yêu thương, sẻ chia với nhau nhiều hơn. Thông qua việc triển khai mô hình, các cấp hội trên địa bàn cũng đã khẳng định vai trò, vị trí của mình trong công tác vận động, hỗ trợ, đoàn kết hội viên phụ nữ.

- Vậy sau 10 năm triển khai thành công mô hình, Hội LHPN huyện Đakrông rút ra kinh nghiệm quý báu gì?

- Kinh nghiệm thì có nhiều song chúng tôi rút ra 5 bài học lớn. Trước tiên là phải tranh thủ được sự lãnh đạo của Hội LHPN, cấp ủy, chính quyền các cấp và làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ. Thứ hai là cần lựa chọn ban quản lí nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản có đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm; coi trọng công tác tập huấn về kĩ năng quản lí và cách thức hoạt động của nhóm cho cán bộ hội cũng ban quản lí nhóm; yêu cầu chị em tuân thủ nội quy, quy chế nhóm đưa ra… Một bài học kinh nghiệm nữa là trong triển khai thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc để có sự điều chỉnh và đưa ra giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng nhóm. Cùng với đó, các cấp hội phải kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động, xây dựng, phát triển nhóm và thực hiện mô hình. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động mô hình của hội cấp trên đối với cấp dưới, với nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản; kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, giao ban, sơ kết, tổng kết mô hình theo định kì…

- Đề nghị bà cho biết thời gian tới, Hội LHPN huyện Đakrông sẽ làm gì để phát triển mô hình hiệu quả này?

- Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN huyện Đakrông sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản với các mục tiêu cụ thể là: 100% chi hội có mô hình tiết kiệm và vốn vay thôn bản; 100% hội viên tham gia tiết kiệm; phấn đấu hằng năm không có nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản xếp loại yếu kém; số tổ đạt loại tốt chiếm từ 80% trở lên… Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và tuyên truyền, vận động hội viên nghiêm túc thực hiện. Chúng tôi rất mong các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao để cơ sở thực hiện mô hình tiết kiệm và vốn vay thôn bản được tốt hơn. Hội LHPN huyện cũng rất mong Tổ chức Plan Việt Nam tại Quảng Trị quan tâm, hỗ trợ mở một số lớp tập huấn nhắc lại cách thức hoạt động nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản cho các ban quản lí nhóm của các đơn vị; hỗ trợ sinh kế cho một số hộ phụ nữ nghèo tham gia các nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn bản.

- Xin cảm ơn bà!

Tây Long (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144620