Giúp thanh toán tiền cho 'trùm' tiêu thụ xăng lậu được trả công 2 tỷ đồng/tháng
Ngày 7/11, TAND tỉnh Đồng Nai đã tập trung xét hỏi đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (SN 1966) ngụ tỉnh Vĩnh Long. Tứ được xem là mắt xích quan trọng nhất trong đường dây buôn lậu xăng do Phan Thanh Hữu ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cầm đầu…
Là “trùm” tiêu thụ xăng lậu trong đường dây này, Nguyễn Hữu Tứ có hẳn công ty chuyên kinh doanh xăng dầu với hệ thống 11 chi nhánh tại tỉnh Vĩnh Long. Đầu năm 2020, Hữu đến gặp và đặt vấn đề bán xăng nhập lậu không có hóa đơn chứng từ cho Tứ với giá xăng thấp hơn giá thị trường 4 nghìn đồng/lít. Cả hai bên thống nhất sử dụng tàu Nhật Minh vận chuyển xăng nhập lậu từ ngoài khơi vào khu vực nhà nuôi yến của Tứ tại tỉnh Vĩnh Long.
Tứ có nhiệm vụ liên hệ tìm kho chứa xăng và đầu mối tiêu thụ. Để có kho chứa xăng lậu, Tứ đã liên hệ Lê Thanh Trung (SN 1983), ngụ TP Cần Thơ, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP để thuê bồn chứa xăng tại kho Nam Phong ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Sau khi Hữu chuyển xăng từ ngoài biển vào khu vực nhà nuôi yến ở tỉnh Vĩnh Long, Tứ sẽ chịu trách nhiệm sử dụng tàu Huỳnh Ngân, Huỳnh Ngân 2, Sơn Tiền đều là tàu của Tứ và tàu Tây Nam 01 của Trung để vận chuyển xăng lậu đến kho Nam Phong. Với nguồn xăng nhập lậu mua giá rẻ của Hữu, Tứ đã bán xăng cho 6 đầu mối khác nhau để tuồn ra thị trường. Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Tứ đã mua hơn 160 triệu lít xăng của Hữu và đã bán hơn 159,6 triệu lít xăng lậu ra thị trường, thu lợi bất chính gần 83 tỷ đồng.
Tại phiên tòa xét xử, Tứ khai nhận khi chào bán xăng nhập lậu, Hữu có hứa bán xăng đạt và vượt tiêu chuẩn loại xăng như tại Việt Nam nên thỏa thuận mua xăng của Hữu. Sau đó Tứ bán trực tiếp cho Trung với mức chiết khấu 2,7-3,3 nghìn đồng/lít và trả tiền thuê kho của Trung với giá 150 - 550 đồng/lít. Mọi hoạt động buôn bán xăng của Trung không liên quan đến Tứ. Các khách hàng muốn mua xăng của Trung sẽ liên hệ Trung, Tứ không biết việc mua bán này và không tham gia bàn bạc, không có tổ chức thực hiện mà chỉ tự phát mua bán.
Trong phiên tòa xét xử, HĐXX cũng tiến hành xét hỏi đối với bị cáo Trần Ngọc Thanh (SN 1975), ngụ tỉnh Đồng Tháp – vợ hờ của Tứ. Thanh là người giúp Tứ thanh toán tiền mua bán xăng nhập lậu cho bị cáo Hữu tổng cộng 92 lần. Tứ đã trả công cho Thanh 2 tỷ đồng/tháng. Tổng cộng Thanh đã nhận 12 tỷ đồng.
Ban đầu Thanh cho rằng, tất cả lời khai trong quá trình điều tra đều sai. Thanh nại ra rằng những lần Thanh chuyển tiền cho cha con Hữu là do Tứ mượn tiền của Thanh và nhờ chuyển dùm. Thanh cũng giải thích thêm, trong những lần đi gặp Ngô Văn Thụy (cán bộ Hải quan) để xin bỏ qua việc bắt tàu buôn lậu xăng cũng không biết việc làm của Tứ là buôn lậu mà chỉ đi theo. Tuy nhiên, HĐXX và đại diện Viện kiểm sát đã công bố bút lục lời khai của Thanh trong giai đoạn điều tra. Khi đó Thanh mới chịu thừa nhận hành vi và xác định cáo trạng truy tố là đúng.
Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, hành vi của Trần Ngọc Thanh thể hiện vai trò đồng phạm, giúp sức cho Tứ. Đồng thời công bố các bút lục lời khai của Thanh tại Cơ quan điều tra cho thấy bị cáo biết việc làm của người tình là phi pháp. Sau đó bị cáo đồng ý sung công quỹ số tiền thu lợi bất chính 12 tỉ đồng.
Để làm rõ hành vi buôn lậu, trong trong ngày 7/11 HĐXX cũng tập trung xét hỏi các bị cáo Nguyễn Khoa Nam - Quản lý tàu Huỳnh Ngân, Phạm Văn Sái - Thuyền trưởng tàu Huỳnh Ngân 2, Nguyễn Văn Ghề - Quản lý tàu Huỳnh Ngân 2, Trần Văn Hai - thủy thủ tàu Huỳnh Ngân 2, Đoàn Hồng Nhã - thủy thủ tàu Huỳnh ngân 2; Lê Hoàng Phương - Thuyền trưởng tàu Sơn Tiên và Nguyễn Đức Trung - Thủy thủ tàu Tây Nam 01. Các bị cáo này đều đồng loạt cho rằng đã làm theo chỉ đạo của Nguyễn Hữu Tứ và Lê Thanh Trung là chở xăng từ nhà yến tại Vĩnh Long đến kho Nam Phong Bến Lức, Long An với mức lương từ lương 8-10 triệu/tháng.