Giúp trẻ em quên điện thoại để làm bạn với sách trong những ngày hè
Mùa hè bắt đầu vẫy gọi trẻ em khắp nơi. Khoảng ngày tháng quý báu của mùa hè sẽ càng có giá trị hơn, nếu gia đình và cộng đồng cùng kiến tạo mùa đọc sách cho trẻ em.
Bồi đắp văn hóa đọc
Xây dựng và bồi đắp văn hóa đọc được xem như một sứ mệnh chung của cộng đồng, trách nhiệm hành động không của riêng ai và thành quả thụ hưởng cũng không bỏ quên ai. Làm bạn với sách, ở độ tuổi nào, cũng không bao giờ quá sớm mà cũng không bao giờ quá muộn.
Hiện nay đã có nhiều cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, từ giải thưởng Dế Mèn cho đến giải thưởng sách của Nhà xuất bản Kim Đồng. Thế nhưng, hành trình đưa sách đến tay trẻ em và xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em vẫn còn tương đối xa xôi.
Từ xa xưa, ông bà đã có câu “Vạn ban giai hạ phẩm / Duy hữu độc thư cao” (Mọi việc đều thấp kém, chỉ có đọc sách là cao thượng). Đọc sách đâu phải thú vui lúc nhàn rỗi, mà là thói quen để hình thành sự tu dưỡng cho mỗi người.
Đọc sách là khởi điểm của sự học, tự giác học, học suốt đời. Chính tinh thần ấy mà bước vào kỷ nguyên hội nhập, giữa rất nhiều ngổn ngang danh lợi thử thách nền tảng đạo đức và nhân tính của dân tộc, việc thúc đẩy nhu cầu đọc sách đã được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều ngành.
Ai cũng có thể liệt kê nhiều lợi ích của việc đọc sách. Thí dụ, đọc sách giúp tăng cường kiến thức bản thân. Đúng vậy, những kiến thức ấy chưa hẳn đã mang lại tiền bạc hay vật chất nhất thời trước mắt nhưng lại thành một bệ phóng tương lai.
Những kiến thức được trang bị từ đọc sách của mỗi người, gần như không thể bị tước đoạt hay được ban phát như chức vụ hoặc tài sản, nhưng lại khiến mỗi người tự tin để làm hành trang vào đời. Kỳ diệu hơn, kiến thức từ việc đọc sách là thứ mỗi người có thể chia sẻ cho người khác mà không sợ bị hao hụt, mà có khi còn được mở rộng trong quá trình tương tác.
Để xây dựng văn hóa đọc cho một đất nước bắt đầu từ trẻ em, rất cần nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực. Một khảo sát gần đây cho biết, một người Việt Nam mỗi năm chỉ bỏ 2USD để mua sách, trong khi Trung Quốc chi 10USD và ở các nước phát triển bình quân mỗi người chi 200USD để mua sách.
Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á lại cho ra số liệu, 26% dân số Việt Nam không bao giờ đọc sách, 44% thỉnh thoảng đọc và 30% đọc thường xuyên. Trong số 30% người Việt đọc sách thường xuyên, sách giáo khoa và sách tham khảo đã chiếm khoảng 40%. Do đó, phải phát triển nhu cầu đọc sách không vụ lợi, không toan tính mới có thể bồi đắp văn hóa đọc từng ngày cho cộng đồng.
Trung bình mỗi năm thị trường xuất bản nước ta tung ra hơn 400 triệu bản, nhưng sách giáo khoa và sách tham khảo đã là 300 triệu bản sách. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 100 triệu dân Việt Nam, mỗi người chỉ đọc đúng 1 cuốn sách/năm. Cho nên, Malaysia có dân số bằng 1/3 nhưng doanh thu ngành sách gấp 4 lần Việt Nam, còn Thái Lan có dân số bằng 1/2 nhưng doanh thu ngành sách gấp 5 lần Việt Nam. Đáng nể hơn, Hàn Quốc có dân số phân nửa Việt Nam nhưng doanh thu ngành sách của Hàn Quốc gấp 52 lần Việt Nam.
Dù chưa có cuộc điều tra nào để có con số thống kê đáng tin cậy nhất, nhưng sẽ là lạc quan tếu nếu nói người Việt Nam hôm nay có nhu cầu đọc sách ngang với nhu cầu ngồi quán uống bia hoặc nhu cầu dạo phố mua sắm.
Giữa bối cảnh ấy, tôn vinh sách hay chỉ chứng minh được tính ưu việt khi góp phần trực tiếp vào ham muốn đọc sách của cộng đồng. Cho nên, văn hóa đọc cho trẻ em phải khởi động nhờ những người truyền cảm hứng đọc sách. Thầy cô truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh. Cha mẹ truyền cảm hứng đọc sách cho con cái.
Gieo trồng hạt giống thói quen đọc sách
Phải nói thẳng, hiện nay chúng ta thiếu trầm trọng diễn đàn có chất lượng về văn hóa nghệ thuật. Bây giờ, độc giả muốn tìm hiểu về cuốn sách hay cũng không có diễn đàn. Những trang báo giờ bị thu hẹp lại, không còn mảng điểm sách nhường chỗ cho showbiz. Ngoài ra, thị trường xuất bản cũng thiếu vắng những người dám nói thẳng nói thật về chất lượng của từng cuốn sách. Hiện nay, mẫu mã các loại sách ngày càng đẹp.
Thành tựu công nghệ in mang lại những ấn phẩm hoàn mỹ. Số người mua sách để trang trí không hề thua kém số người mua sách để thưởng thức. Nếu chơi sách là một thú vui tao nhã đối với một bộ phận người dân đô thị, thì đọc sách lại là một nhu cầu xa xỉ đối với phần lớn người dân nông thôn.
Ngắm nhìn hàng ngàn tựa sách hay hàng triệu bản sách đua nhau khoe sắc ở hội sách nơi đô thị, càng thấy băn khoăn cho văn hóa đọc. Bao giờ những người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em vùng sâu vùng xa, mới có hội sách dành cho họ, giống như hội chợ hàng tiêu dùng các doanh nghiệp nô nức đăng cai?
Kênh phân phối sách cho nông thôn đang tắc nghẽn ở đâu? Vì sao những cuốn sách không về đến thôn ấp, thuận tiện và dễ dàng như những gói mì tôm, những chai nước ngọt? Có thể người dân nông thôn lên mạng đặt sách online, nhưng chi phí vận chuyển và giá sách vẫn quá cao so với túi tiền của bà con lam lũ. Muốn xây dựng văn hóa đọc, tại sao không có những đợt khuyến mại lớn hoặc những đợt quyên góp sách cho trẻ em nông thôn?
Thị trường xuất bản đang lãng quên khách hàng sau lũy tre làng, dù ai cũng biết rằng những người đang thua thiệt về cơm áo cũng chính là những người đang khao khát đọc sách để tìm kiếm ánh sáng tri thức và cơ hội tương lai.
Bằng kinh nghiệm bản thân, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tác giả ăn khách số một thị trường sách Việt Nam trong suốt 2 thập niên qua, chia sẻ: “Thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động, như vậy, đã hình thành một cách tự nhiên với một đứa trẻ. Đó là một hành vi, một nhu cầu như chạy nhảy, bơi lội, đùa nghịch, hát hò, vẽ vời.
Nhưng hạt giống của thói quen đó phải được và phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ. Bằng những câu chuyện kể. Bằng những cuốn sách làm quà. Để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên, như cỏ cây khát ánh sáng và khí trời. Trong những buổi tặng chữ ký cho bạn đọc nhân dịp ra sách mới, tôi luôn xúc động khi nhìn thấy cảnh bà dắt cháu, hay ba mẹ dắt con tới.
Hình ảnh đó khiến tôi nhớ đến bà tôi và chú tôi, những người đã in dấu lên trí não tôi thuở ban sơ bằng những câu chuyện đầu đời đẹp đẽ. Chính những người lớn tuyệt vời đó đã đắp nên con đường đầy hoa lá cho trẻ em đặt chân. Để rồi em lớn lên, đi đâu về đâu, quán xá, tàu xe, dọc lề đường gió bụi hay trong giờ nghỉ giữa sở làm, sách vẫn trong tay. Em bé đó, hy vọng một ngày nào tất cả chúng ta sẽ bắt gặp trong chính ngôi nhà mình”.