Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập xã hội

Các kết quả nghiên cứu của Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy, số trẻ rối loạn phổ tự kỷ tăng nhanh trong những năm gần đây và mức độ cũng trầm trọng hơn. Nếu được phát hiện sớm, can thiệp sớm về y tế và giáo dục sớm, các em đều có cơ hội phát triển, học tập, hòa nhập xã hội.

Gia tăng trẻ rối loạn phổ tự kỷ

Một hội thảo quốc tế về can thiệp sớm, hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật phát triển đã diễn ra tuần qua tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Tại hội thảo này, Th.S Hoàng Văn Quyên (Bệnh viện Nhi đồng 1) và PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn (Trường ĐH Y Dược TPHCM) dẫn lại số liệu của Trung tâm Kiểm sát dịch bệnh của Mỹ, cho thấy, tại Mỹ, những năm 80 của thế kỷ 20, tỷ lệ trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) là 1/2.000 trẻ; nhưng báo cáo mới nhất (tháng 4-2018) cho thấy, tỷ lệ này là 1/59. Còn nghiên cứu tại châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc RLPTK trung bình là 1%-2%. Tại Bệnh viên Nhi đồng 1, nghiên cứu trên 120 trẻ RLPTK độ tuổi 18 - 72 tháng tuổi tại đơn vị can thiệp sớm của Khoa phục hồi chức năng, cho thấy: Ở nhóm tuổi cha mẹ từ 25 tuổi trở xuống, tỷ lệ con mắc RLPTK chỉ 16 trường hợp (13,3%), độ tuổi nhỏ hơn và bằng 50 tuổi có đến 104 trường hợp (86,7%). Vẫn theo khảo sát này, nhóm người có trình độ học vấn cao và công nhân viên chức có tỷ lệ con bị RLPTK nhiều nhất (44,2% - 55%). Với trẻ mắc RLPTK, độ tuổi tham gia can thiệp sớm (6 - 12 tháng tuổi) chiếm 104 trường hợp (86,7%), hơn 12 tháng tuổi trở lên chỉ có 16 trường hợp.

Chăm sóc trẻ tự kỷ tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chăm sóc trẻ tự kỷ tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 7, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dẫn chứng các kết quả nghiên cứu và thống kê, PGS-TS Phạm Minh Mục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho rằng, số lượng trẻ khuyết tật hay RLPTK tăng nhanh và mức độ cũng trầm trọng hơn. Nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục sớm sẽ góp phần giảm thiểu những khó khăn thứ phát do tự kỷ mang lại và giúp các em phát triển, học tập, hòa nhập xã hội. Tại Việt Nam, vấn đề này cũng được quan tâm và thực hiện nhưng còn mang tính tự phát, chưa có sự phối hợp đa ngành, đặc biệt là sự tham gia, phối hợp của gia đình và cộng đồng. Vì vậy, việc xây dựng mô hình thực hiện phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục cho trẻ dựa vào gia đình, cộng đồng phù hợp sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ phát triển, hòa nhập; đồng thời, giảm nhẹ những khó khăn và chi phí của gia đình, xã hội.

PGS-TS Phạm Minh Mục chỉ rõ, có 5 nhóm mắc chứng RLPTK với 3 mức độ từ nhẹ, trung bình và nặng. Song theo ông Mậu, nhận thức của xã hội về vấn đề này còn rất hạn chế. “Chúng ta cứ hay gọi đây là bệnh, hoàn toàn không chính xác. Chính nhận thức này dẫn đến cho rằng chữa hết bệnh, thậm chí nhiều phụ huynh còn vận dụng cả hình thức tâm linh để chữa bệnh”, PGS-TS Phạm Minh Mục bày tỏ.

Hiểu để can thiệp đúng

Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, Phòng khám quốc tế Centre Medical International, khẳng định đây không phải là bệnh mà chỉ là rối loạn phát triển thần kinh như RLPTK, khuyết tật trí tuệ, rối loạn tăng động kém chú ý, rối loạn ngôn ngữ. Do đó, nếu nắm được các chứng rối loạn chính xác sẽ giúp nhà lâm sàn thực hành có các phương pháp can thiệp đúng và hiệu quả hơn. “Hiện chúng ta thiếu những chuyên gia về vấn đề này và đáng ngại hơn là nhiều người cứ đoán rồi phán đại là rất nguy hiểm. Sai lầm trong chẩn đoán trẻ RLPTK hiện nay đó là chẩn đoán quá nhanh, chẩn đoán riêng lẻ nhiều vấn đề cùng một lúc; chẩn đoán quá chậm, nhà chuyên môn ngại đưa ra chẩn đoán, nhà giáo dục đưa ra những chẩn đoán sai lệch về các vấn đề phát triển của trẻ vì không nắm vững các kiến thức… Cần có sự hiểu biết đồng bộ giữa các nhà chuyên môn, cũng như các chiến lược can thiệp để mang lại sự can thiệp tốt nhất cho trẻ…”, bác sĩ Xuân Giang nói.

PGS-TS Phạm Minh Mục cho rằng, nhất thiết chúng ta phải có mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục trẻ RLPTK. Mô hình này được khái quát gồm 3 bước: Phát hiện sớm, can thiệp sớm, giáo dục sớm. Chúng ta phải đảm bảo hầu hết trẻ phải được sàng lọc, phát hiện trước 3 tuổi ngay tại gia đình và cộng đồng. Để công tác phát hiện sớm được hiệu quả, phải hình thành kiến thức, kỹ năng phát hiện trẻ RLPTK cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Kế đến là áp dụng các kiến thức, kỹ năng để phát hiện trẻ RLPTK. Sau cùng là tìm kiếm đúng chuyên gia, đúng địa chỉ để can thiệp.

Nhóm tác giả gồm TS Cao Thị Xuân Mỹ, Phạm Thị Danh (Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TPHCM) sau khi khảo sát 313 học sinh khuyết tật phát triển (KTPT) ở 20 trường mầm non thuộc 7 địa phương phía Nam, đã đưa ra nhận định: Trẻ KTPT gặp nhiều khó khăn khi học hòa nhập mầm non do những đặc thù như không giao tiếp mắt, chậm ngôn ngữ, nhiều hành vi, khả năng nhận thức hạn chế… Do đó, khó khăn lớn nhất của trẻ là hạn chế về ngôn ngữ và tương tác xã hội. 80% ý kiến cho rằng, trẻ KTPT khó khăn khi tham gia với các hoạt động theo nhóm lớn, 30% không có bạn để chơi. Tuy nhiên, điều nổi bật của khảo sát này chính là thông tin có đến 65% kiến nghị phải có bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức về giáo dục hòa nhập cho giáo viên. Đây là việc cần thiết, quan trọng để giúp trẻ hòa nhập tốt và hiệu quả.

Ông Damien Roberts, Giám đốc Hội Từ thiện trẻ em Sài Gòn, chia sẻ, ông có người em bị chứng RLPTK, được phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập. Hiện nay, em của ông đã phát triển như người bình thường, trở thành chuyên gia về lĩnh vực CNTT và hoàn toàn tự lập, tự lo cho bản thân. Ông Damien Roberts cho rằng, trước hết xã hội, gia đình phải có kiến thức về vấn đề này và cũng chuẩn bị sẵn tâm lý để giúp trẻ được phát hiện, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập sớm để giúp trẻ phát triển thành công.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giup-tre-tu-ky-hoa-nhap-xa-hoi-708197.html