Giúp trẻ vùng cao phát triển thể chất từ bữa ăn bán trú
Bữa ăn bán trú vùng cao nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng, tạo thuận lợi cho công tác huy động trẻ ra lớp...
Dù còn nhiều khó khăn, các trường mầm non vùng cao nghệ An vẫn quyết tâm tổ chức bán trú đến từng điểm lẻ, xây dựng thực đơn phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng. Qua đó nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng, tạo thuận lợi cho công tác huy động trẻ ra lớp.
Để trẻ không thiệt thòi
Năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) phát hiện “chuyện lạ” khi có 30 trẻ trong độ tuổi huy động ra lớp nhưng không có trong danh sách phổ cập. Đem chuyện này đi hỏi chính quyền địa phương, ông Vi văn Du - Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ gọi đây là những đứa trẻ “trên trời rơi xuống”.
Các cháu hầu hết là con của học sinh tảo hôn, tập trung ở 6 bản Mông: Mường Lống, Nậm Tột, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2, Huồi Mới 1, Huồi Mới 2. Sau khi lấy chồng, lấy vợ thì bỏ học ra thành phố làm ăn. “Sinh con một thời gian, các em gửi về quê cho ông bà, người thân nhưng không kèm theo bất cứ giấy tờ gì. Chính vì vậy trên địa bàn xã còn 30 cháu chưa thể làm giấy khai sinh”, ông Vi Văn Du nói.
Chính quyền đã phối hợp cơ quan chức năng, giáo viên cắm bản hỗ trợ gia đình làm giấy tờ cần thiết cho các em. Tuy nhiên, do bố mẹ trẻ chưa đủ tuổi thành niên, thiếu kiến thức, đi làm ăn xa không ở bên cạnh, điều kiện chăm sóc khó khăn, dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng, thấp còi cho trẻ ở Tri Lễ rất lớn.
Trước thực tế này, nhiều năm qua, Trường Mầm non Tri lễ quyết tâm tổ chức bán trú như giải pháp quan trọng trong chăm sóc, nâng cao thể chất cho trẻ, dù ngôi trường này đóng ở địa bàn rộng lớn và có tới 10 điểm lẻ.
Cô Phó Hiệu trưởng Võ Thị Như cho biết, hằng tháng, nhà trường tính toán thực đơn bữa ăn bán trú theo mô hình tháp dinh dưỡng hợp lý nhất. Thực đơn bữa ăn được thay đổi, tăng lượng thực phẩm giúp các cháu ăn nhiều, cơ thể có thể hấp thu tốt hơn nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, nhà trường phối hợp với cộng đồng, gia đình hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tại nhà.
Hiện, Trường Mầm non Tri Lễ tổ chức bán trú cô nuôi tại 6 điểm trường. Với 4 điểm còn lại, do ở bản vùng sâu xa, không có điện, chợ, giao thông thuận lợi nên tổ chức bán trú dân nuôi. Ở các điểm bán trú dân nuôi, nhận thức của phụ huynh về dinh dưỡng cho trẻ có nhiều chuyển biến. Ví dụ trước đây, bố mẹ đưa cơm cho con theo kiểu ở nhà ăn gì thì con ăn nấy, với nhái, chuột… Nhưng nay có thêm trứng, thịt kho và rau củ.
Cô Lầu Y Pay – giáo viên điểm trường bản Huồi Mới, Trường Mầm non Tri Lễ chia sẻ, khi mới vận động trẻ ở lại bán trú, số lượng ít lắm, khoảng 10 em. Nhưng các cô quyết tâm có cháu nào cũng tổ chức. Dần dần, nhận thấy trẻ ở lại trường buổi trưa được cô chăm sóc, cho đi ngủ đúng giờ, khỏe hơn… thì bố mẹ cũng yên tâm, số lượng trẻ bán trú ngày càng tăng và dần tham gia đầy đủ.
“Để bữa ăn của trẻ thêm phong phú, các cô trồng rau củ nấu thêm canh cho trẻ. Nhờ tổ chức bán trú, chăm sóc đúng cách, đủ chất nên đã giảm số lượng trẻ suy dinh dưỡng. Đồng thời, việc huy động trẻ các độ tuổi ra lớp cũng dễ hơn, giúp duy trì sĩ số bền vững”, cô Như cho biết thêm.
Giảm số trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng
Tỉnh Nghệ An hiện còn khoảng 900 điểm trường lẻ ở ba cấp học, trong đó tập trung nhiều nhất ở mầm non và tiểu học. Tại các trường vùng cao, dân tộc thiểu số, việc tổ chức bán trú cho học sinh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, đơn vị đã linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển trong giai đoạn đầu đời.
Điểm bản Thăm Hín, Trường Mầm non Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cách trường chính hơn 10km. Dù giao thông không quá khó khăn, nhưng với khoảng cách xa, hằng ngày không thể vận chuyển cơm, thức ăn từ trường chính đến điểm lẻ cho trẻ. Tuy vậy, nhà trường vẫn tổ chức bán trú cô nuôi tại đây, nhưng thay bằng hợp đồng nhân viên nấu ăn thì giáo viên vừa dạy học vừa thay phiên nhau đi chợ, nấu ăn cho trẻ.
Hơn 20 năm công tác ở vùng cao, trong đó có thời gian dài cắm bản, cô Lê Thị Hải Lý (điểm bản Thăm Hín) chia sẻ: Với trẻ 4 - 5 tuổi có thể tự xúc ăn, còn nhóm 2 - 3 tuổi chủ yếu các cô phải đút, dỗ dành. Dù ở điểm lẻ, nhưng trẻ đến trường được ăn uống đầy đủ, phát triển toàn diện, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng. “Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy phụ huynh bắt đầu quan tâm đến việc ra lớp của con”, cô Lý nói.
Cứ vào dịp đầu năm học, Trường Mầm non Châu Tiến (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) lại phối hợp với trạm y tế tổ chức khám sức khỏe, sớm phát hiện trẻ có dấu hiệu hoặc bị suy dinh dưỡng. Đồng thời có biện pháp chăm sóc trẻ phù hợp với thực tiễn từ chế độ ăn, hoạt động thể chất hằng ngày.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An chia sẻ, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở trẻ em miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số sẽ gây hậu quả lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực, làm chậm quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế ở một số vùng khó khăn. Tình trạng suy dinh dưỡng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó phần lớn từ điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, kiến thức về dinh dưỡng và chăm sóc trẻ của người dân hạn chế.
Để giảm tình trạng này cần nỗ lực tuyên truyền, lồng ghép, tổ chức nhiều hoạt động, triển khai các đề án góp phần cải thiện suy dinh dưỡng ở trẻ em như phát sữa, tổ chức lớp học bán trú... Ngoài ra, phát huy vai trò nhân viên y tế thôn bản, hướng dẫn phụ huynh phát hiện trẻ bị suy dinh dưỡng và biết chăm sóc nuôi dưỡng trẻ đúng cách.
Cô Trần Thị Cúc - Hiệu trưởng Trường Mầm non Châu Tiến cho biết, đa số trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn. Bố mẹ, ông bà thiếu hụt kiến thức dinh dưỡng, chủ yếu nuôi con theo kinh nghiệm, tự cung tự cấp.
Vì thế, một trong những hoạt động quan trọng của nhà trường là chăm sóc, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt, với trẻ bị thấp còi, suy dinh dưỡng do điều kiện gia đình khó khăn, các cô giáo đã quyên góp, ủng hộ tiền, gây quỹ tình thương để nấu mỗi tuần 3 bữa sáng cho các cháu. Ngoài ra, phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ góp gạo, trứng để tổ chức bữa cháo yêu thương.