Giúp trẻ vượt qua khủng hoảng tinh thần trong mùa dịch
Nhóm chuyên gia tâm lý ở Canada cho rằng nhiều trẻ hứng chịu những thương tổn do dịch Covid-19 gây ra khi các em không thể đến trường hay tham gia hoạt động ngoài trời.
Đối với phần lớn trẻ em và thanh, thiếu niên trên thế giới, 18 tháng qua là quãng thời gian khó khăn. Các em đối mặt những đợt phong tỏa, giãn cách, trường học mở cửa rồi lại đóng cửa liên tục.
Trẻ bị tách rời khỏi bạn bè, xã hội, chịu hạn chế hoặc không thể tham gia hoạt động ngoại khóa, thể thao, bỏ lỡ nhiều dấu mốc quan trọng như lễ tốt nghiệp.
Trong khoảng thời gian qua, không ít gia đình cũng lâm vào khủng hoảng với tài chính bấp bênh, người lớn căng thẳng. Sự thay đổi này là một trong những yếu tố tạo nên bất ổn trong sức khỏe tâm thần thanh, thiếu niên.
“Khi đại dịch mới bùng phát, trẻ em được xếp vào nhóm nguy cơ thấp về vấn đề y tế và các biến chứng do Covid-19 gây ra. Nhưng hiện tại, hơn một năm sống trong đại dịch, nhóm dân số này trở thành đối tượng hứng chịu những thương vong vô hình của cuộc khủng hoảng toàn cầu”, nhóm tác giả gồm các nhà nghiên cứu ở Canada viết trên The Conversation.
Khủng hoảng sức khỏe tâm thần
Nhiều bác sĩ lâm sàng, bác sĩ nhi khoa đang kêu gọi xã hội chú ý đến cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần trẻ em. Gần đây, tổ chức từ thiện Children First Canada đưa ra cảnh báo #codePINK - thuật ngữ thường được sử dụng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe để chỉ trường hợp khẩn cấp về nhi khoa.
Nhiều bệnh viện nhi đưa ra báo cáo đáng lo ngại như số ca bệnh nhập viện do vấn đề sức khỏe tâm thần tăng 100%, số ca nhập viện do sử dụng chất kích thích hoặc tự tử tăng 200%, 70% trẻ em, thanh thiếu niên cho biết các em đang gặp vấn đề tâm lý.
Nhóm nghiên cứu từ ĐH Calgary (Canada) gồm thạc sĩ tâm lý học trẻ em Brae Anne McArthur, Nicole Racine và PGS Sheri Madigan đã nghiên cứu về tình trạng sức khỏe tâm thần của trẻ em toàn cầu sau một năm chịu tác động từ dịch Covid-19.
Bản tóm tắt của nghiên cứu này đăng trên JAMA Pediatrics cho thấy trên toàn thế giới, cứ 4 trẻ lại có một em trải qua các triệu chứng trầm cảm gia tăng, trong khi tỷ lệ trẻ có dấu hiệu lo âu thái quá là 1/5.
Đây là con số đáng báo động khi trước đại dịch, tỷ lệ trẻ mắc chứng lo âu thái quá và trầm cảm là 1/10. Nó cho thấy số trẻ gặp vấn đề tâm lý tăng nhiều trong đại dịch.
Tình trạng sức khỏe tâm thần suy nhược ở trẻ em và thanh, thiếu niên có thể kéo dài và trở nên phổ biến khi dịch bệnh kéo dài, kèm theo các biện pháp như phong tỏa, giãn cách xã hội, đóng cửa trường học.
“Trẻ em, thanh, thiếu niên trên toàn cầu đang phải vật lộn với những khó khăn về mặt tâm lý, các triệu chứng trầm cảm, âu lo ngày càng tồi tệ khi đại dịch vẫn chưa chấm dứt”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Trong báo cáo vừa công bố đầu tháng 10, UNICEF cũng cảnh báo Covid-19 có thể tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh, thiếu niên trong nhiều năm tới.
Theo kết quả ban đầu từ cuộc khảo sát quốc tế về trẻ em và người trưởng thành ở 21 quốc gia do UNICEF và Gallup thực hiện, trung bình, cứ 5 người trong độ tuổi 15-24 được khảo sát, một người cho biết họ cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì.
Dữ liệu mới nhất từ UNICEF cho thấy cứ 7 em thì ít nhất 1 bạn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa.
Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.
Nỗ lực đưa trẻ đến trường
Nhóm nghiên cứu từ ĐH Calgary đánh giá việc suy giảm sức khỏe tâm thần ở trẻ em, thanh, thiếu niên là một trong những tác động nghiêm trọng nhất do đại dịch Covid-19 gây ra. Tình trạng này cũng ảnh hưởng tới tương lai thế giới.
Vì thế, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số gợi ý để cải thiện sức khỏe tâm thần của trẻ và thanh, thiếu niên trong bối cảnh đại dịch vẫn hoành hành.
Họ cho rằng cần hành động ngay để giải quyết những vấn đề tâm lý mà trẻ đang gặp phải. Trong đó, các nước cần phát triển kế hoạch, chiến lược cấp bách nhằm hỗ trợ trẻ em ở khía cạnh sức khỏe tâm thần, đảm bảo cung cấp các nguồn lực để nhóm đối tượng này có thể tiếp cận một cách công bằng.
Nhóm chuyên gia tâm lý từ ĐH Calgary nói thêm nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ về sự phát triển của trẻ em cho thấy trẻ phát triển mạnh khi có môi trường, thói quen rõ ràng, nhất quán.
Trong khi đó, nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khiến trẻ phải ở nhà, dẫn tới việc thói quen bị gián đoạn, giảm thời gian vận động cùng các hoạt động như thể thao, cắm trại, ngoại khóa…
Do vậy, nhóm chuyên gia cho rằng nên nỗ lực để duy trì việc cho trẻ đến trường cùng các thói quen khác trong gia đình trong đại dịch nhằm bảo vệ sức khỏe tâm thần của trẻ.
Bên cạnh đó, các gia đình có trẻ em, thanh thiếu niên cũng cần được hỗ trợ để có nguồn lực cần thiết nhằm giúp con cái về mặt vật chất, tâm lý.
Theo các chuyên gia tâm lý, dịch vụ hỗ trợ tâm lý là yếu tố cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ngày càng nghiêm trọng ở trẻ em, thanh thiếu niên.
Họ gợi ý nên ưu tiên đầu tư các mô hình chăm sóc mới, phù hợp tình hình hiện tại như dịch vụ sức khỏe qua điện thoại theo nhóm hoặc cá nhân, các phương pháp can thiệp ngắn gọn.
Một nghiên cứu khác cho thấy liệu pháp can thiệp diễn ra trong một tuổi đối với trẻ em, thanh, thiếu niên trầm cảm trong thời kỳ Covid-19 cũng có thể giảm cảm giác âu lo, chán nản cho các em. Do đó, việc tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khả năng tiếp cận các dịch vụ này rất quan trọng.