Giúp trò khởi nghiệp từ môn Công nghệ

Với nhiều sáng tạo trong dạy học, cô Phùng Thị Hà đã 2 lần giành giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo.

Cô giáo Phùng Thị Hà. Ảnh: TG

Cô giáo Phùng Thị Hà. Ảnh: TG

Cô luôn mang đến những giờ học cuốn hút, giúp học sinh thực hiện ý tưởng khởi nghiệp từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Vận dụng kiến thức vào thực tế

Xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp, công tác ở vùng nông thôn nên nhiều năm nay, cô Phùng Thị Hà - Trường THPT Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội) luôn trăn trở tìm cách giúp học sinh khởi nghiệp từ môn Công nghệ.

“Môn học có ba phần: Trồng trọt, chăn nuôi và tạo lập doanh nghiệp. Tôi xâu chuỗi quá trình dạy học và xây dựng cho học trò quy trình, kế hoạch trồng trọt và chăn nuôi trong gia đình, sau đó tìm cách chế biến và bán sản phẩm ra thị trường. Những việc làm này góp phần tăng thu nhập cho gia đình”, cô Hà cho hay.

Để học trò kinh doanh được, giáo viên hướng dẫn phải trải nghiệm trước. Nhiều lần thất bại khi chế biến sản phẩm nhưng cô Hà không nản lòng mà luôn thúc đẩy học sinh áp dụng kiến thức đã học từ môn Công nghệ vào thực tế để cải thiện đời sống.

Nhằm ngăn chặn và thực hiện chiến dịch “cánh đồng không đốt rơm rạ”, cô Hà nhấn mạnh vấn đề này trong mỗi tiết học Công nghệ và đưa ra những phương pháp hữu ích trong tái sử dụng rơm rạ nhằm phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Cô hướng dẫn các em dùng rơm làm phân bón, chổi...

Đặc biệt, cô dạy học sinh cách làm nấm từ rơm. Nhiều em về nhà đã truyền đạt lại kiến thức cho bố mẹ cùng làm. Những giờ học lý thuyết, thực hành trên lớp được học trò ứng dụng, không chỉ giúp ích cho gia đình, mà còn là động lực để cô tiếp tục đồng hành, sáng tạo “vừa học, vừa làm”.

Nhờ tâm huyết, tỉ mẩn, hết lòng vì học sinh nên giờ Công nghệ của cô Hà được học trò đón nhận hứng khởi. Sau học lý thuyết và thực hành, cô giao đề tài nhỏ để các em áp dụng, qua đó có cơ hội đưa ra đề xuất, sáng kiến về xử lý chất thải chăn nuôi trong gia đình, khu dân cư...

Từ cách dạy học môn Công nghệ, cô Hà cho rằng, cốt lõi của việc học chính là biết ứng dụng tri thức vào thực tế cuộc sống. Mỗi vùng, miền có đặc thù khác nhau, nên học sinh phải biết sử dụng kiến thức phù hợp, hiệu quả.

Là học sinh Trường THPT Yên Lãng, em Nguyễn Ngọc Ánh thích học giờ Công nghệ của cô Hà. “Trong môn học, cô hướng dẫn học sinh thực hiện kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với gia đình, chế biến những sản phẩm mà gia đình nuôi trồng được.

Cùng với kiến thức phần kinh doanh, học sinh biết cách tiêu thụ sản phẩm làm ra, góp phần tăng thu nhập gia đình. Cô cũng định hướng học sinh thành lập Hội kinh doanh nhỏ để thêm thu nhập cho quỹ lớp. Những bài học gần gũi với thực tế và ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp từ ghế nhà trường khiến em ấn tượng”, nữ sinh cho hay.

Cô Phùng Thị Hà và học sinh trải nghiệm thực tế. Ảnh: TG

Cô Phùng Thị Hà và học sinh trải nghiệm thực tế. Ảnh: TG

Hỗ trợ học sinh nghiên cứu khoa học

Từ năm 2021 - 2023, cô Phùng Thị Hà đã hướng dẫn nhóm học sinh tham gia nghiên cứu khoa học trong dự án “Tam giác hướng nghiệp” đạt hiệu quả cao. Quá trình nghiên cứu, các em được tìm tòi giao lưu học hỏi, trải nghiệm trong phòng thí nghiệm chuyên sâu của trường đại học, làm tiền đề xây dựng câu lạc bộ nghiên cứu khoa học ở trường.

Năm học 2022 - 2023, cô hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài “Nghiên cứu xử lý bã đậu nành làm phân bón hữu cơ cho cây trồng ở Mê Linh, Hà Nội”. Đề tài đưa ra giải pháp tái sử dụng bã đậu, góp phần tăng thu nhập, bảo vệ môi trường. Đề tài đoạt giải Nhất cấp cụm và Khuyến khích cấp thành phố trong cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Ngoài ra, cô hướng dẫn học sinh đề tài “Nghiên cứu xử lý hiệu quả một số phụ phẩm nông nghiệp ở xã Tam Đồng, huyện Mê Linh”. Đề tài đoạt giải Nhất cấp cụm và giải Khuyến khích cấp thành phố cuộc thi khoa học kỹ thuật.

Hiện, cô hướng dẫn học sinh nghiên cứu tinh dầu và cách điều chế xà phòng từ vỏ quả thiên nhiên tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024. Đề tài được ban giám khảo đánh giá cao bởi tính thực tiễn khi xu hướng sử dụng xà phòng từ thiên nhiên dần quay lại.

Ngoài ra, học sinh Trường THPT Yên Lãng được trải nghiệm pha chế trà, cà phê, làm sữa chua, sữa đậu nành. Những sản phẩm này học sinh đem kinh doanh, vừa hiện thực hóa mục tiêu giáo dục gắn lý thuyết với thực tế, vừa định hướng nghề nghiệp. Lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh một phần dùng để mua sách vở, còn lại gây quỹ tặng bạn hoàn cảnh khó khăn.

Cô Hà cũng tâm huyết xây dựng Kênh YouTube “Hà Phùng Master” để chia sẻ một số hoạt động giáo dục hữu ích. Cô đăng tải video hướng dẫn các bài thực hành trong Chương trình GDPT 2018 như làm men rượu truyền thống, cách chế biến, đánh giá thức ăn giàu gluxit cho vật nuôi, cách làm giá đỗ, trà vải thốt nốt, kỹ thuật gieo hạt trong bầu...

Cô Trần Thị Hương Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Lãng chia sẻ về đồng nghiệp: Gần 20 năm đứng trên bục giảng, cô Hà đã chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò. Trong lớp, cô luôn tạo điều kiện giúp các em hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu, trung bình phấn đấu đạt loại khá. Sự cảm thông chia sẻ, gần gũi của cô giúp các em cởi mở, thân thiện hơn.

Các giải thưởng mà cô Phùng Thị Hà đoạt được: Giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; giải Nhì cuộc thi đồ dùng dạy học tự làm; giải Khuyến khích giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố; Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội; hai lần đạt giải Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2017, 2023... Đây là sự ghi nhận những cố gắng, cũng là trọng trách để cô không ngừng cố gắng vì học sinh.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giup-tro-khoi-nghiep-tu-mon-cong-nghe-post672967.html