Giúp trường tư nâng cao vị thế và uy tín
Hệ thống các cơ sở giáo dục tư thục trong tỉnh mặc dù đã và đang phát triển nhưng quy mô, chất lượng vẫn còn hạn chế, cần được quan tâm đúng mức.
Năm 1997, Trường THPT Thành Đông (TP Hải Dương) - trường THPT tư thục đầu tiên của tỉnh được thành lập. Sau hơn hai thập kỷ, đã tăng lên 16 trường THPT tư thục tại Hải Dương. Toàn tỉnh còn phát triển được 55 trường mầm non tư thục, một trường tiểu học tư thục và một trường tư thục liên cấp THCS và THPT.
Những số liệu trên cho thấy mạng lưới các cơ sở giáo dục tư thục tại tỉnh ta ngày càng phát triển. Điều này cũng chứng minh chủ trương, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo mà Đảng, Nhà nước đã triển khai hoàn toàn đúng đắn. Sự phát triển của hệ thống trường tư không chỉ giảm áp lực về chi ngân sách của Nhà nước mà còn góp phần đa dạng hệ thống giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Tuy nhiên, số liệu trên cũng cho thấy hệ thống các cơ sở giáo dục tư thục đang phát triển chưa cân đối. Trường mầm non tư thục nhiều nhưng tiểu học thì mới chỉ có một (Trường Tiểu học Sao Mai, TP Hải Dương). Cả tỉnh hiện chưa có trường THCS nào thuộc loại hình trường tư thục mà chỉ có một trường tư thục liên cấp cũng ở TP Hải Dương (Trường THCS và THPT Marie Curie). Đa số chất lượng giáo dục ở các trường tư chưa cao, quy mô nhỏ, thu nhập dựa vào học phí… Có những trường không có chiến lược phát triển lâu dài, không kịp chuyển mình nên đã dần giảm sút về quy mô, chất lượng đào tạo.
Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… không ít trường tư thục có chất lượng đào tạo hơn hẳn các trường công. Quy mô các trường liên tục mở rộng, thu hút được nhiều giáo viên có trình độ. Tại tỉnh ta, đa số các trường tư thục hiện mới chỉ giải quyết được chỗ học cho học sinh chứ chưa phát triển về chất lượng để nâng cao vị thế.
Nguồn thu của các trường tư thục phụ thuộc chính vào học phí do học sinh đóng góp. Tuy nhiên, mức thu học phí tại các trường tư ở tỉnh ta chưa cao, thậm chí có đơn vị còn thu thấp hơn cơ sở giáo dục công lập. Trường THCS và THPT Marie Curie là trường tư thục có mức thu học phí cao nhất trong hệ thống các trường THPT tư thục nhưng cũng chỉ 1,6 triệu đồng/học sinh/tháng. Có những trường THPT tư thục chỉ thu học phí 400.000- 500.000 đồng/học sinh/tháng. Nếu thu cao thì lo không có nhiều học sinh theo học, thu thấp không có tiền đầu tư cơ sở vật chất, càng không có điều kiện để thu hút giáo viên dạy giỏi. Trong khi đây lại là hai yếu tố quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Xã hội hiện vẫn còn phổ biến tâm lý coi trọng trường công hơn trường tư. Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về xã hội hóa giáo dục của các cấp, ngành chưa thực sự quyết liệt, trong đó vấn đề quy hoạch phát triển chung chưa bảo đảm nguyên tắc cân đối cung cầu theo hướng lâu dài.
Để mạng lưới trường tư phát triển đồng đều, chất lượng ngày càng nâng lên, khẳng định được vị trí, vai trò, uy tín trong xã hội cần có sự quan tâm thực chất hơn nữa của các cấp, các ngành. Tỉnh cần có quy hoạch phát triển hệ thống trường tư mang tính lâu dài. Quan trọng hơn là cần có những chính sách ưu đãi như miễn thuế, vay vốn ngân hàng, giao đất, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư cơ sở vật chất… cho các nhà đầu tư. Các trường tư thục cũng cần xây dựng lộ trình phát triển, chiến lược đào tạo bài bản, cụ thể. Tăng cường liên kết đào tạo, đầu tư xây dựng các trung tâm thực hành, thực nghiệm, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/giup-truong-tu-nang-cao-vi-the-va-uy-tin-171214