GJ 367b - Ngoại hành tinh bí ẩn có một năm dài 7,7 giờ

Ngoại hành tinh GJ 367b có diện tích bằng khoảng 70% Trái đất và là một hành tinh toàn đá. Nguồn gốc của GJ367b vẫn chưa được xác định nhưng nhiều giả thuyết cho rằng GJ 376b được hình thành từ các khối vật thể giàu sắt hoặc có thể là tàn tích của một hành tinh lớn hơn sau khi bị bức xạ sao chủ thổi bay hay sau một vụ va chạm mạnh.

Theo chuyên trang về không gian Space, ngoại hành tinh GJ 367b quay quanh một ngôi sao lùn đỏ nhỏ cách Mặt trời 31 năm ánh sáng và chỉ mất 7,7 giờ để hoàn thành một vòng chu kỳ quanh quay sao chủ. Dù GJ367b có diện tích bằng khoảng 70% Trái đất nhưng chỉ nhẹ bằng 55% nên GJ367b thuộc nhóm những ngoại hành tinh nhẹ nhất được phát hiện từ trước tới nay.

Nhà nghiên cứu Kristine WF Lam thuộc Viện Nghiên cứu Hành tinh của Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức cho hay: "Nguồn gốc của những ngoại hành tinh này đến nay vẫn là những bí ẩn. Nhưng bằng việc đo lường các đặc tính cơ bản, chúng ta sẽ có thể có cái nhìn sơ lược về lịch sử hình thành và tiến hóa của chúng".

GJ 367b có kích thước tương tự sao Hỏa, nhưng tính chất của nó giống sao Thủy. Ảnh: NASA / Shutterstock.

Được biết, nhóm nghiên cứu của bà Kristine WF Lam đã phát hiện ra GJ 367b bằng cách sử dụng dữ liệu thu thập được từ Vệ tinh Khảo sát Hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA, được vận hành vào tháng 4/2018.

Theo TESS, GJ 367b không phải là một hành tinh có điều kiện thuận lợi cho sự sống. GJ367b có chu kỳ quỹ đạo siêu ngắn so với sao chủ, nên nó có mật độ cao hơn Trái đất và bị chi phối bởi một lõi sắt, đặc tính tương tự như sao Thủy trong Hệ Mặt trời.

Các nhà nghiên cứu cho biết, do ở gần vị trí với ngôi sao chủ nên GJ 367b bị bức xạ sao thổi bay. Ngoại hành tinh này cũng hấp thụ lượng bức xạ lớn gấp 500 lần so với lượng bức xạ mà Trái đất nhận được từ Mặt trời. Nếu GJ 367b từng có một bầu khí quyển, gần như chắc chắn khí quyển này đã bị mất tích vào không gian từ lâu. Ngoại hành tinh luôn chỉ quay một mặt duy nhất về ngôi sao chủ của nó với nhiệt độ lên tới 1.500 độ C.

Do nguồn gốc của ngoại hành tinh này vẫn là điều bí ẩn nên các nhà khoa học đã đặt ra một số giả thiết khác nhau để giải thích về cấu trúc và thành phần của nó. Ví dụ, GJ 376b được hình thành từ các khối vật thể giàu sắt hoặc có thể là tàn tích của một hành tinh lớn hơn sau khi bị bức xạ sao chủ thổi bay hay sau một vụ va chạm mạnh.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cuoc-song-muon-mau/gj-367b-ngoai-hanh-tinh-bi-an-co-mot-nam-dai-7-7-gio-i636944/