Gỡ bài toán cao tốc cho đồng bằng sông Cửu Long

Đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ hoàn thành hơn 1.100km đường bộ cao tốc. Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi nguồn vốn lớn, cần quyết tâm rất cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đất Chín Rồng cất cánh.

Đường cao tốc chỉ đạt 7% cả nước

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 4 triệu héc ta, với dân số khoảng 19 triệu người, chiếm khoảng 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, 65% lượng thủy sản nuôi trồng, gần 70% các loại trái cây của cả nước. Tuy nhiên, vùng đang có sự bất cân xứng giữa vị trí, vai trò, tiềm năng với hạ tầng giao thông.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm xác nhận, thời gian qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư song hệ thống hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế, mới hoàn thành 91km đường bộ cao tốc trong tổng số 1.239km cao tốc cả nước, chiếm khoảng 7%. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng. Đặc điểm địa hình bị chia cắt, nền đất yếu khiến suất đầu tư hạ tầng giao thông rất lớn, cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với vùng khác, vì thế số lượng công trình không nhiều và khó kêu gọi nguồn lực xã hội.

Làm rõ hơn tác động của hạ tầng giao thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, TS. Dương Như Hùng, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh dẫn dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, nếu chất lượng hạ tầng giao thông Việt Nam tăng 1% thì thu hút FDI trên đầu người sẽ tăng 24%.

Cũng theo ông Hùng, dựa trên báo cáo của Global Roads Inventory Project năm 2015, một quốc gia có điều kiện tương tự Việt Nam sẽ có khoảng 9.000km cao tốc. Như vậy, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần 1.263km cao tốc, trong khi hiện mới chỉ đạt 91km. Rõ ràng, chúng ta đang thiếu rất nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng chưa cao, chưa phát huy và khai thác đúng tiềm năng, lợi thế tự nhiên của khu vực, đời sống người dân còn khó khăn. Tính kết nối nội vùng, giữa vùng với TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ còn hạn chế.

Thực tế, trong giai đoạn 2010 - 2018 GRDP của khu vực này đã giảm từ 14% xuống 12%, tức tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Hạ tầng giao thông dù chỉ là một yếu tố, song rõ ràng có ảnh hưởng tới tăng trưởng. Thông điệp ông Hùng đưa ra là “cần cải thiện hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics, tăng thu hút FDI, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương”.

Hiện, đồng bằng sông Cửu Long mới có 91km cao tốc, chiếm 7% tổng số đường cao tốc cả nước
Nguồn ITN

Nghiên cứu vật liệu thay thế

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị Khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đến năm 2030, vùng sẽ hoàn thành khoảng 1.180km đường bộ cao tốc. Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi nguồn vốn lớn, cần quyết tâm rất cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thứ trưởng đề nghị, các địa phương có đường cao tốc đi qua cần ưu tiên phân bổ ngân sách địa phương cùng tham gia, trực tiếp quản lý, tổ chức thực hiện đầu tư các dự án trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhu cầu vật liệu xây dựng rất lớn, các địa phương cần tạo điều kiện về nguồn vật liệu, đặc biệt là cát và đất đắp nền đường.

Công tác giải phóng mặt bằng được cho là yếu tố quyết định đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân tại mỗi địa phương. Ngoài ra, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi đề xuất, phát triển đường cao tốc sẽ tạo đột phá hạ tầng giao thông cho toàn vùng, song Bộ Giao thông Vận tải cần quan tâm đến các tuyến đường kết nối với cao tốc, đặc biệt là có kế hoạch nâng cấp các tuyến đường hiện hữu. Cùng với đường cao tốc, cần có lộ trình hợp lý với tất cả các loại hình vận tải trong vùng, nhất là đường sông, đường biển vốn là lợi thế của vùng và phải xác định ưu tiên đầu tư. “Nếu chỉ tập trung cho đường bộ cao tốc mà không có loại hình khác, đặc biệt là không kết nối với các đường địa phương, đường vào khu công nghiệp… thì không thể đồng bộ”, ông Bi nhấn mạnh.

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp Nguyễn Cư Trinh cho biết, trữ lượng các mỏ cát chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 40% yêu cầu. Do vậy, các bộ liên quan cần chỉ đạo tìm nguồn vật liệu khác thay thế để bảo đảm tiến độ các công trình cao tốc trên địa bàn.

Ở góc độ doanh nghiệp, với kinh nghiệm trực tiếp làm dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trên nền đất yếu, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Tấn Đông kiến nghị, mặc dù trước khi xây dựng công trình đã sử dụng các giải pháp xử lý nền đất yếu, tuy nhiên việc công trình tiếp tục bị lún là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, trong hồ sơ thiết kế cần phải đưa ra quy trình quan trắc công trình sau khi xử lý nền đất yếu, thiết kế trước các giải pháp xử lý khi xảy ra hiện tượng sụt lún để chủ động xử lý; bố trí hệ thống camera giám sát, các trạm cân kiểm soát tải trọng để tránh tình trạng các phương tiện vượt quá tải đi vào.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, với lưu lượng xe tăng cao như hiện nay và hệ thống cao tốc tại khu vực miền Tây khó đáp ứng được nhu cầu lưu thông, cần nghiên cứu sớm triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 để nâng cao năng lực vận hành. Các dự án đường cao tốc sẽ được đầu tư trong thời gian tới như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Cao Lãnh - An Hữu… cần hướng tới tiêu chuẩn đường cao tốc có quy mô đồng bộ, xác định các vị trí đặt trạm dừng nghỉ kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, tiếp nhiên liệu…

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/go-bai-toan-cao-toc-cho-dong-bang-song-cuu-long-i290925/