Gỡ các rào cản trong thương mại hóa công nghệ
Ngày 14-10, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức tọa đàm 'Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam'.
Ngày 14-10, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phát triển và thương mại hóa công nghệ ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS,TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, sau 45 năm hoạt động, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có nhiều kết quả nghiên cứu về khoa học cơ bản cũng như phát triển các công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.
Các sản phẩm được thương mại hóa đã tạo sự khác biệt và nhận được sự tin cậy từ các nhà quản lý, doanh nghiệp... Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp đi vào sản xuất trong ngành dược liệu như thực phẩm chức năng NaturenZ, Nanocurcumin, Fuicodan…; trong ngành nông nghiệp như công nghệ lai tạo giống, sản xuất vaccine, phân bón...; trong ngành công nghiệp như các loại vật liệu mới ứng dụng trong an ninh quốc phòng, sơn chống cháy, các vật liệu thân thiện môi trường...; trong ngành công nghệ sinh - hóa như công nghệ xử lý chất thải y tế, khu công nghiệp...
Có được các kết quả đó là do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã không ngừng triển khai nhiều nhóm giải pháp đồng bộ để thúc đẩy ứng dụng và triển khai công nghệ, như: ban hành Nghị quyết của Đảng ủy Viện Hàn lâm về đẩy mạnh công tác ứng dụng và triển khai công nghệ, giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn 2030, đưa ra các hướng nhiệm vụ liên quan chuyển giao công nghệ như hướng đề tài hợp tác với bộ, ngành, địa phương; nhiệm vụ phát triển thương mại hóa sản phẩm...
Tại tọa đàm, các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ đã chia sẻ sự hợp tác với nhau thành công, đồng thời tập trung nêu những rào về cơ chế, chính sách phát triển, thương mại hóa sản phẩm.
TS Hà Phương Thư, Viện Khoa học Vật liệu cho biết, các nhà khoa học đã được tài trợ nhiều cho nghiên cứu, phát triển công nghệ, nhưng chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu ứng dụng (như khảo nghiệm, thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ..) thì lại đang thiếu. Để hỗ trợ các nhà khoa học, cần có chính sách cho phát triển sản phẩm, cấp cho nhà khoa học nguồn tài chính thiết thực để hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm của mình.
Từ thực tiễn kinh doanh, bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) khẳng định, khởi nghiệp cần có hệ sinh thái, do đó, nhà khoa học muốn đưa sản phẩm ra thị trường phải có hệ sinh thái nâng đỡ, nhất là từ chính quyền, doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Vũ Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Goldheath Việt Nam cho biết, trong 5 sản phẩm đã được thương mại hóa của công ty, có 3 sản phẩm hình thành từ các đề tài nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2 sản phẩm do công ty đặt hàng các nhà khoa học của Viện Hàn lâm. Thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cần có cơ chế để cho doanh nghiệp, nhà khoa học có thể chia sẻ, tìm kiếm đối tác dễ dàng hơn, thay vì dựa trên các mối quan hệ cá nhân.
Đề cập đến các giải pháp thúc đẩy thương mại hóa thời gian tới, PGS,TS Phan Tiến Dũng, Phó Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nêu, cần hình thành cơ quan chuyên nghiệp trong Viện để hỗ trợ các nhà khoa học về thương mại hóa sản phẩm, nhưng hiện nay cơ chế quản lý, cơ chế tài chính cho hoạt động của cơ quan này chưa có.
Trong bối cảnh đó, Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ đã cử cán bộ sang Anh, Australia học về lãnh đạo đổi mới sáng tạo, tạo nguồn chuyên gia, tư vấn chính sách khi cơ chế cho phép hình thành cơ quan chuyên nghiệp về thương mại hóa công nghệ.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, các nhà khoa học sẽ cùng cơ quan quản lý thay đổi những bất cập hiện nay.
Trước mắt, Luật Sở hữu trí tuệ đang sửa đổi, cần quy định trao quyền độc quyền sở hữu trí tuệ của các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích… cho chính tác giả, tổ chức đã tạo ra nó để tạo động lực sáng tạo và quyền lợi cho nhà khoa học.
Con đường thương mai hóa tốt nhất hiện nay đối với các công nghệ không cần đầu tư lớn, nhưng cần ra thị trường ngay thì nên đi theo con đường khởi nghiệp sáng tạo. Tới đây, Đề án 844 sẽ sửa đổi cơ chế để hỗ trợ vốn mồi cho các nhóm khởi nghiệp.