'Gõ cửa' nhà mới: 'Cầm' cơ hội trên tay...
Một nữ ĐBQH đã từng phát biểu, rằng: 'Người nghèo còn lo ăn từng bữa, lấy tiền đâu đối ứng xây nhà'. Đấy là vào thời điểm khi mức hỗ trợ xây dựng nhà đang dừng ở 20 - 40 triệu đồng/hộ. Với mức hỗ trợ này, khó bảo đảm được yêu cầu '3 cứng'. Từ ngày 10/11/2024, nâng mức hỗ trợ. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn là những câu chuyện khó và vượt khó...
Viết nên câu chuyện an cư
Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, Ban chỉ đạo tỉnh cũng đã quy định mức hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở, hộ gia đình chính sách là 80 triệu đồng/hộ (nếu làm mới) và 40 triệu đồng/hộ (nếu sửa chữa).
Một chính sách nhân văn đã tạo động lực lớn, mở ra cơ hội lớn về nhà ở. Thực tế, khi được hỗ trợ 80 triệu đồng làm nhà mới thì có một số hộ cũng chỉ xây một ngôi nhà tương ứng với số tiền hỗ trợ này. Những ngôi nhà được xây dựng với số tiền lớn hơn do họ nhận được sự giúp đỡ từ anh em, họ hàng, các đoàn thể... Như hộ ông Lê Minh Cậy ở thôn Giang Sơn 9, xã Hà Sơn (Hà Trung) đã được hỗ trợ từ nhiều nguồn với tổng số tiền là 101 triệu đồng. Trong khi đó, ngôi nhà được xây dựng với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Tiền thiếu, ông vay mượn thêm người thân, Ngân hàng chính sách xã hội... Hoặc ngôi nhà mới của bà Lò Thị Phủng ở thôn Chạc Rạnh, xã Tân Phúc (Lang Chánh) đã được xây dựng với số tiền ước tính gần 120 triệu đồng, tức là ngoài số tiền hỗ trợ 80 triệu đồng thì gia đình bà phải đối ứng khoảng 40 triệu đồng. Với số tiền lớn, một hộ nghèo nhất thôn như gia đình bà làm sao đáp ứng nếu không có sự chung sức của những người thân. Dù vậy, sự giúp đỡ thường ngắt quãng nên hiện ngôi nhà vẫn chưa xây được công trình phụ.
Có hay không sự từ chối làm nhà mới? Chắc chắn có, nhưng không nhiều. Đó là khi mà hộ thuộc diện hỗ trợ xét thấy chỉ đủ khả năng để sửa chữa nhà. Câu chuyện của hộ ông Trịnh Hữu Thành, sinh năm 1960 ở thôn Lựu Khê, xã Yên Trường (Yên Định). Mặc dù được xét đủ điều kiện để hỗ trợ làm nhà mới nhưng gia đình ông Thành nhận thấy sẽ rất khó xây mới với số tiền 80 triệu đồng nên đã đề nghị chuyển sang sửa chữa. Bà Trịnh Thị Quảng, chị gái ông Thành, cho biết: “Trong quá trình sửa chữa thì nhà bị sập, một phần do nhà xây đã lâu và cũng do ảnh hưởng cơn bão số 3. Sự cố này buộc gia đình phải xây mới. Do lúc phê duyệt là sửa chữa nên hồ sơ quyết toán hỗ trợ vẫn là sửa chữa”.
Ngôi nhà xây mới hết 110 triệu đồng. Ngoài số tiền hỗ trợ theo Chỉ thị số 22-CT/TU là 40 triệu đồng thì anh em của ông Thành hỗ trợ thêm 15 triệu đồng. Một doanh nghiệp của xã cũng đã hỗ trợ phần móng nhà. “Số tiền còn thiếu, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi con em, dòng họ...”, bà Trịnh Thị Quảng cho biết thêm.
Có hỗ trợ là có động lực. Dù biết, để cụ thể động lực là cả vấn đề bởi nhiều hộ không có gì ngoài số tiền hỗ trợ. Nếu vậy, chỉ mình tiền hỗ trợ là khó nếu tính đến bài toán xây nhà mới. Nhưng như đã đề cập, họ vẫn “cầm” cơ hội trên tay để viết nên câu chuyện an cư. Bài toán đã tìm ra đáp án.
Tiền có, khó giải ngân
Một thực tế, dù đã nằm trong danh sách được hỗ trợ xây nhà ở theo Chỉ thị số 22-CT/TU, tuy nhiên nhiều hộ khó thực hiện khởi công hoặc dù đã khởi công nhưng chưa thể giải ngân. Mấu chốt của vấn đề do liên quan đến các thủ tục về đất đai.
Nếu theo Công văn số 5440/STC-TCĐT của Sở Tài chính thì để thực hiện: Hồ sơ quyết toán và lưu trữ: yêu cầu phải có “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính chủ”. Điều này đã gây cản trở cho các hộ dân thuộc diện hỗ trợ đó là nhiều hộ đã thực hiện khởi công nhưng không thể giải ngân vì đất không chính chủ.
Vấn đề được gỡ khó khi thực hiện Hướng dẫn 7504/STC-TCĐT về sửa đổi nội dung “Hồ sơ quyết toán và lưu trữ” tại Công văn số 5440/STC-TCĐT. Theo đó, để được hỗ trợ kinh phí thì chỉ cần 1 trong 3 loại giấy tờ, trong đó có “Giấy xác nhận của UBND cấp xã về đất ở không có tranh chấp”.
Ở nguyên nhân khác, ông Lò Văn Luân, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lang Chánh đã chỉ ra những bất cập dẫn đến việc giải ngân khó. Ông nói: “Thứ nhất là do các hộ ở vào đất không nằm trong quy hoạch. Thứ hai là ở vào đất nông nghiệp. Hiện nay đã báo cáo UBND huyện và huyện đang cho rà soát lại để báo cáo tỉnh. Số hộ này ở Lang Chánh cũng tương đối nhiều”.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện tiến hành khởi công xây dựng nhà ở vẫn còn phát sinh những trường hợp do gia đình anh em, họ hàng không thống nhất trong việc chuyển giao để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng đã phê duyệt hỗ trợ xây nhà, nên không đảm bảo các thủ tục, hồ sơ theo quy định để tiến hành khởi công xây dựng.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/go-cua-nha-moi-cam-co-hoi-tren-tay-34699.htm