Gỡ điểm mắc trong công tác xếp hạng di tích
Tỉnh Hòa Bình hiện có trên 400 di tích các loại hình đã được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong số đó có 41 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 65 di tích cấp tỉnh. Trung bình mỗi năm, Bảo tàng tỉnh xếp hạng được 6 - 7 di tích, chủ yếu là di tích cấp tỉnh.
Tỉnh Hòa Bình hiện có trên 400 di tích các loại hình đã được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong số đó có 41 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 65 di tích cấp tỉnh. Trung bình mỗi năm, Bảo tàng tỉnh xếp hạng được 6 - 7 di tích, chủ yếu là di tích cấp tỉnh.
Những điểm mắc trong công tác xếp hạng di tích ở Hòa Bình
Trước đây do có những nhận thức chưa đúng đắn về di sản văn hóa, nhiều di tích bị hủy hoại nghiêm trọng. Đình, đền, chùa, miếu bị đập phá, chuyển mục đích sử dụng; nhiều di tích bị bỏ hoang rồi thời gian vùi lấp dần. Nhiều di tích khảo cổ học quý giá bị đập, nổ phá, san bằng làm kho tàng hoặc lấy đá xây dựng, đào tung các tầng văn hóa trong di tích khảo cổ để lấy phân dơi, vỏ ốc bón ruộng… Ở Hòa Bình rất nhiều di tích đình, đền, chùa, miếu được làm bằng các vật liệu nhanh hỏng. Những năm tháng không được quan tâm (cấm đoán) di tích dần biến mất, đất đai bị người dân khai hoang và chuyển đổi mục đích sử dụng, vì vậy di tích không đủ điều kiện để xếp hạng.
Công tác xếp hạng còn gặp khó khăn chính từ sự ngăn cản của một số chính quyền địa phương. Họ cho rằng đình, đền, chùa, miếu là tàn dư, là mê tín, sợ bị lợi dụng gây bất ổn cho địa phương. Biện pháp an toàn là không cho khôi phục lại, có thì cho tồn tại nhưng để lay lắt. Có nơi nhân dân tự hưng công tu bổ, cất công sưu tầm hiện vật của di tích thất lạc nhằm đáp ứng đủ điều kiện để xếp hạng nhưng địa phương không hợp tác tạo điều kiện để cơ quan chuyên môn tiến hành xếp hạng theo quy định…
Kinh phí để xếp hạng di tích nhiều địa phương không bố trí được. Việc xếp hạng di tích phải trải qua nhiều công đoạn: Sưu tầm tài liệu viết lý lịch di tích, vẽ các bản vẽ khoa học; thuê cơ quan đo đạc đo toàn bộ mặt bằng các khu vực của di tích để lập bản đồ xác định vị trí, diện tích đất dành cho hoạt động di tích (bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích). Song các bước đó mới là xong bản thảo của hồ sơ di tích.
Tổ chức thông qua bản thảo hồ sơ di tích được thực hiện qua hai bước tại hội đồng khoa học cơ quan chuyên môn và tại địa phương nơi có di tích. Ở Hội đồng khoa học của cơ quan thì thường chỉ là nội bộ nên thành phần đơn giản hơn. Còn thông qua tại địa phương có di tích, thành phần sẽ phong phú hơn nhiều với hàng chục đại diện cơ quan chuyên môn của huyện và của tỉnh dự, cho ý kiến vào bản thảo. Công tác lập hồ sơ trước đó được làm việc kỹ lưỡng với nhân dân và chính quyền địa phương thì bản thảo lý lịch di tích được thông qua nhanh chóng. Trường hợp ngược lại có ý kiến không đồng thuận về nội dung di tích, về bản vẽ mỹ thuật, về đất đai dành cho di tích thì phải chỉnh sửa lại. Cái khó nhất ở đây là đất đai dành cho di tích phải là đất không thuộc tranh chấp, quỹ đất của công dành cho di tích, không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng… Nói như vậy để thấy cái khó khi lập một bộ hồ sơ di tích, mỗi bước thực hiện đều phải có chi phí. Ở tỉnh Hòa Bình, hiện nay ngân sách nhà nước hàng năm không bố trí để chi cho công tác xếp hạng di tích, nên các địa phương có nhu cầu xếp hạng di tích thì địa phương phải lo kinh phí chi trả cho quá trình lập hồ sơ di tích mà số kinh phí này cũng không phải là thấp nên nhiều địa phương có di tích đủ điều kiện nhưng đành lực bất tòng tâm.
Trong quá trình tồn tại, lại có những thời gian di tích không được quan tâm nên nhiều di tích đã mất hết hiện vật, hoành phi, câu đối, sắc phong, thần phả phân tán, kiến trúc di tích cũng dần mất. Nhiều nơi đất của đình, chùa bị biến thành của công trụ sở UBND xã, hợp tác xã, trường học… Nhiều di tích bị người dân xâm lấn dần thành vườn, ao, chuồng hoặc xây nhà kiên cố lên trên đất của di tích xưa. Đến nay các điều kiện để xếp hạng di tích đầy đủ nhưng nhìn đến đất thì không còn cách nào lấy lại được. Không có đất cho di tích thì không thể xếp hạng di tích được.
Điều kiện cần và đủ để xếp hạng 1 di tích
Công việc của cơ quan chuyên môn nghiệp vụ di tích đầu tiên là tổ chức kiểm kê toàn bộ di tích trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm kê để phân loại di tích theo mức độ từ cao xuống thấp A, B, C, D, từ đó đưa vào quy hoạch xếp hạng, tu bổ tôn tạo, khai thác… Di tích được xếp hạng khi đầy đủ các yếu tố di và tích. "Di" là dấu vết vật chất xưa để lại (là công trình kiến trúc, mọi thứ có liên quan đến kiến trúc, sắc phong, thần phả…). "Tích" là lĩnh vực thuộc về văn hóa tinh thần có liên quan trực tiếp đến di tích có thể được cụ thể hóa bằng văn bản chữ viết hoặc được lưu truyền, tồn tại trong trí nhớ của người chứng kiến, người được truyền lại đó có thể là truyền thuyết, những câu chuyện dân gian liên quan đến vị thần, thánh được thờ tại di tích, các bài cúng, lễ hội của di tích…
Theo quy định của Luật Di sản Văn hóa, hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng phải có bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích, đây được coi là "sổ đỏ" của di tích. Tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì khu vực bảo vệ di tích bao gồm 2 khu vực bảo vệ. Khu vực I là bản thân di tích, khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó; khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I. Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Phải được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương, đây là điều kiện có ý nghĩa quyết định. Nhân dân mong muốn mà chính quyền không đồng thuận đã là khó, nhưng chính quyền mong muốn mà nhân dân không ủng hộ còn khó hơn bội phần. Xét đến cùng thì văn hóa là của nhân dân, do nhân dân sáng tạo nên, do nhân dân gìn giữ và phát huy, chính quyền chỉ giữ vai trò định hướng, ủng hộ, bảo hộ.
Di tích là di sản của cha ông để lại, khi chưa được đưa vào danh mục kiểm kê hay chưa được xếp hạng thì di sản đó mới đang là một dạng tài nguyên văn hóa, là thiết chế của tín ngưỡng dân gian chưa được Luật Di sản Việt Nam và các quy định nói chung áp dụng, chưa được chính quyền bảo vệ. Chỉ khi được xếp hạng hoặc được đưa vào danh mục kiểm kê lúc đó di sản mới trở thành di tích. Vì vậy công tác xếp hạng di tích chính là một nghiệp vụ để tạo lập cơ sở pháp lý cho di tích nên rất cần nhân dân và các cấp chính quyền quan tâm đến nghiệp vụ này.
Lê Quốc Khánh
(Hội Văn học nghệ thuật tỉnh)